Chương trình Ngày xửa ngày xưa 27: Tôn vinh tình cảm gia đình

Chương trình Ngày xửa ngày xưa 27 “Cuộc chiến của ông kẹ và các bà mẹ” (tác giả Quang Thảo, đạo diễn Đình Toàn) đang được dàn nghệ sĩ sân khấu kịch IDECAF liên tục tập dợt, hoàn thiện, để kịp công diễn ngày 17-5 tại Nhà hát Bến Thành, quận 1.
Chương trình Ngày xửa ngày xưa 27: Tôn vinh tình cảm gia đình

Chương trình Ngày xửa ngày xưa 27 “Cuộc chiến của ông kẹ và các bà mẹ” (tác giả Quang Thảo, đạo diễn Đình Toàn) đang được dàn nghệ sĩ sân khấu kịch IDECAF liên tục tập dợt, hoàn thiện, để kịp công diễn ngày 17-5 tại Nhà hát Bến Thành, quận 1.

        Nhiều sắc màu

Thực ra, khi đặt bút viết kịch bản, tác giả Quang Thảo đã không dựa vào câu chuyện thần tiên nào cả. Cuộc chiến của ông kẹ và các bà mẹ hoàn toàn là một câu chuyện hư cấu. Nội dung câu chuyện xoáy sâu vào đề tài gia đình, tình cảm mẹ con, cách giáo dục con cái và trên hết, vở kịch nhắc nhở người xem rằng: dù bạn là ai, bạn ở bất cứ vị trí nào trong xã hội, cũng đừng bao giờ quên nguồn cội, nơi mình được sinh ra, lớn lên, phải luôn khắc nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.

Lấy bối cảnh xứ sở Hy Lạp thần thoại, câu chuyện kể về vị thần nông nghiệp (Hương Giang) được ông trời chọn để sinh hạ và dưỡng nuôi vị vua cho nhân thế - Lưỡi Cày (Đình Toàn). Theo ý trời, đến thời điểm thích hợp, vị vua trẻ sẽ đăng ngôi, dùng tài năng cai quản đất nước đem lại cuộc sống ấm no cho muôn dân.

Chương trình Ngày xửa ngày xưa 27 “Cuộc chiến của ông kẹ và các bà mẹ”.

Chương trình Ngày xửa ngày xưa 27 “Cuộc chiến của ông kẹ và các bà mẹ”.

Thế nhưng, sau khi Lưỡi Cày được sinh ra, được thần nông nghiệp, thần sắc đẹp (Hoàng Trinh), thần hy vọng (NSƯT Hữu Châu) kề cận chăm sóc, nuông chiều hết mực, Lưỡi Cày bộc lộ là cậu bé bướng bỉnh, hay cãi lời mẹ và ghét cái tên Lưỡi Cày chân chất mà mẹ đã đặt cho cậu. Nắm bắt được tâm tính và sự non dại, ngây thơ của Lưỡi Cày, kẻ xấu Kẹ Cha (NSƯT Thành Lộc) đã âm mưu cùng với Kẹ Con (Đại Nghĩa) hoán đổi ký ức của ông vua tương lai để hòng chiếm ngôi vị, quyền lực và danh lợi. Khi âm mưu của Kẹ Cha đã thành, Kẹ Con trong thân xác Lưỡi Cày bộc lộ sự hung ác, nhẫn tâm trong việc cai trị đất nước, khiến người dân lầm than. Trước tình cảnh đó, các vị thần đã cùng nhau hợp lực quyết đấu tranh, chống lại thế lực tàn ác của hai cha con Kẹ… Câu chuyện kết thúc có hậu với sự trả giá thích đáng của Kẹ Cha. Lưỡi Cày hối hận, nhận lại mẹ và các dì. Ngay cả Kẹ Con cũng được đón chào bằng chính tình cảm gia đình của thần nông nghiệp.

Vở kịch được các nghệ sĩ tung hứng ăn ý, cập nhật và thể hiện nhiều ý tưởng gần gũi với đời sống thực tế, đồng thời thêm thắt vào đó những mảng miếng gây cười vui nhộn, lý thú, cuốn hút. Đạo diễn Đình Toàn cho biết: “Khi dàn dựng câu chuyện mang màu sắc thần thoại này, tôi mong muốn gửi gắm đến khán giả ý tưởng: tính giáo dục trong những câu chuyện cổ tích rất cao, các bậc cha mẹ hãy tiếp tục kể cho các con nghe những câu chuyện cổ tích, để các câu chuyện cổ tích đẹp luôn tồn tại”.

Chi phí đầu tư vở kịch thiếu nhi này khá lớn, chỉ tính phần vải kim tuyến (966m) làm phông nền đã gần 40 triệu đồng. Toàn bộ trang phục do Ngọc Tuấn thiết kế, đẹp lấp lánh và bắt mắt. Phần âm nhạc do nhạc sĩ Tuấn Khanh phụ trách.

        Tấm lòng vì trẻ thơ

Vở kịch còn có sự tham gia của NSƯT Mỹ Duyên, Bạch Long, Lê Khánh, Đức Thịnh, Tuấn Khải, Nam Trung, Thanh Vân, Hoàng Lan, Mai Phượng, Thu Huyền, Quốc Trung và nhóm Múa rối Nụ Cười. Thời gian tập luyện của anh em nghệ sĩ khá gấp rút nên ai nấy đều ra sức làm việc rất cật lực, có nhiều hôm các nghệ sĩ tập kịch từ 10 giờ sáng đến 20 giờ tối. Tuy vất vả nhưng ai cũng phấn chấn vì tiếp tục được phục vụ khán giả nhỏ một vở kịch thật vui tươi và ý nghĩa. Riêng với NSƯT Thành Lộc, anh khá tâm đắc với nhân vật Kẹ Cha, điều đó được chứng tỏ qua việc anh sẵn sàng hy sinh mái tóc để tạo nên phong cách, hình thức quái lạ cho nhân vật phản diện này.

Tính đến nay, chương trình Ngày xửa ngày xưa đã dẫn dắt các khán giả nhỏ tuổi và quý phụ huynh đến với hơn 20 nước, giúp các em thiếu nhi được bay bổng trí tưởng tượng của mình với những câu chuyện cổ tích, thần thoại của các quốc gia trên thế giới. Thông qua những câu chuyện lấp lánh màu sắc thần tiên, ê kíp thực hiện chương trình cũng muốn gửi gắm thật nhiều những cảm xúc, tình cảm dành cho thế giới trẻ thơ hồn nhiên, trong sáng.

Giám đốc sân khấu kịch IDECAF Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ: “Mỗi năm chúng tôi đều nỗ lực thực hiện những chương trình mới lạ, hấp dẫn để phục vụ thiếu nhi. Năm nay, chào hè 2014, sân khấu IDECAF năng động thực hiện hàng loạt chương trình phục vụ ở cả ba miền: Nam (Nhà hát Bến Thành - TPHCM) - Trung (Nhà hát Trưng Vương - Đà Nẵng) - Bắc (Nhà hát Tuổi Trẻ - Hà Nội). Tại Đà Nẵng, chúng tôi đã chốt 5 xuất trong ba ngày 30, 31-5 và 1-6. Đặc biệt, với chương trình Ngày xửa ngày xưa 27 tại TPHCM, các nghệ sĩ sẽ trình diễn 33 xuất phục vụ từ ngày 17-5 đến 29-6. Trong kế hoạch của năm 2014, sân khấu IDECAF cũng chú trọng nhiều hơn trong hoạt động biểu diễn các vở kịch lịch sử như: Bí mật vườn lệ chi, Vua thánh triều Lê, Ngàn năm tình sử… phục vụ nhu cầu xem kịch của học sinh cấp 3, nhằm giúp các em học sinh có được những giờ phút thư giãn cùng nghệ thuật, đồng thời mở rộng sự hiểu biết và thêm yêu quý lịch sử”.

Theo kế hoạch, năm 2015, sân khấu IDECAF sẽ tiếp tục đầu tư cho vở mới Hồ Quý Ly, bổ sung vào danh mục các vở kịch lịch sử phục vụ khán giả, đặc biệt là khán giả học sinh - sinh viên.

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục