Cuộc chiến 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị là khúc ca bi tráng vang mãi trong lịch sử hào hùng của dân tộc ta. Trên dòng Thạch Hãn mùa hè ác liệt năm 1972 ấy, có cô du kích ngày đêm cùng cha tránh bom, vượt đạn vững tay chèo lái con đò nhỏ tiếp tế lương thực, vũ khí, chở bộ đội vào Thành cổ chiến đấu, rồi lại xuôi chèo đưa thương binh về hậu tuyến. Cô là Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1954) ở làng Giang Hến, xã Triệu Giang, Triệu Phong nay là Tiểu khu 5, thị trấn Ái Tử, Triệu Phong, Quảng Trị.
Một thời khói lửa
Tại Bảo tàng Thành cổ, trong số những bức ảnh, kỷ vật chiến tranh của các chiến sĩ cách mạng, có bức “Cha con lão ngư dân Triệu Phong chở bộ đội và vũ khí tiếp sức cho Thành cổ”. Có lẽ khi xem bức ảnh ấy, ai cũng thoáng câu hỏi: Giờ này họ ở đâu? Cuộc sống thế nào? Chúng tôi tìm gặp anh Trưởng ban phòng Bảo tàng và được biết ông lão đã chết vì bạo bệnh sau ngày đất nước thống nhất, còn cô con gái tên Nguyễn Thị Thu hiện vẫn còn sống.
Tiếp chúng tôi, bà Thu vui vẻ đem ra những bức ảnh ố vàng mà phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính đã chụp khi bà xuôi dòng Thạch Hãn đưa bộ đội sang sông vào Thành cổ. Vừa mân mê những tấm hình đen trắng ấy, bà vừa kể: “Năm tôi tròn 18 tuổi, cuộc chiến Thành cổ diễn ra ác liệt. Để bảo vệ Thành cổ và đánh bật các cuộc phản công của địch, quân đội ta phải huy động, bổ sung một số lớn lực lượng… Để bộ đội vào Thành cổ nhanh nhất chỉ có một cách là dùng đò vượt sông Thạch Hãn”. Ngày ấy, cô du kích Nguyễn Thị Thu tình nguyện cùng cha chồng tương lai - ông Nguyễn Con làm nhiệm vụ lái đò rẽ sóng đưa bộ đội sang sông, bổ sung lực lượng cho trận chiến. “Bom đạn của địch trút xuống như mưa, bay vùn vụt qua mặt, qua người là chuyện thường. Trên trời, bom của máy bay B52 dội xuống dòng Thạch Hãn khiến nước vàng ố, đục ngầu, cuồn cuộn chảy như thác lũ. Dòng Thạch Hãn chẳng khi nào được bình lặng, sóng nước cứ cuồn cuộn tung tóe, gầm rú, kêu gào, chiếc đò lắc lư, ngả nghiêng tròng trành như chực chìm”, bà Thu nhớ lại. Mưa bom bão đạn là vậy nhưng bà cùng cha chồng vẫn vững tay lái, trung bình mỗi ngày chiếc đò ấy cứ phăm phăm sóng nước 30 – 40 lần vượt sông. “Địch cứ thả bom, bắn phá còn tôi và cha thì cứ chèo. Cả 81 ngày đêm năm 1972 ấy, chưa một ngày cha con tôi nghỉ chèo, chưa đêm nào được ngủ tròn giấc, nhiệm vụ mà chú”, bà Thu tâm sự.
Cũng có lúc bị địch phát hiện, chúng bắn phá chiếc thuyền, bà và cha phải nhảy sông lặn xuống nước bơi vào bờ. Có điều lạ là, chiếc đò ấy chưa một lần bị chìm, còn bà Thu thì vẫn bình yên vô sự. Đến bây giờ, nhiều lúc bà tự hỏi không hiểu tại sao, nhờ gì mà mình lại không chết?
Ký ức nguyên vẹn
Đất nước thống nhất, hai cha con ông lão chèo đò ngày ấy trở về cuộc sống đời thường, vẫn cặm cụi gắn bó với dòng Thạch Hãn năm nào bằng nghề cào hến. Năm 1976, bà Thu cưới ông Nguyễn Câu, con trai ông lão chèo đò Nguyễn Con. Năm 1978, tuổi cao sức yếu cùng những di chứng trong chiến tranh do bom đạn gây ra khiến ông Con qua đời. Bà Thu cùng chồng tiếp tục bám dòng Thạch Hãn cào hến mưu sinh, nuôi đàn con khôn lớn.
Trong căn nhà nhỏ, tấm Huy chương kháng chiến được treo trang trọng ở góc nhà. Những tấm hình thời chiến tranh với bà mãi mãi là những kỷ vật vô giá. Căn nhà của bà cũng đã chứng kiến biết bao cuộc hội ngộ thấm đẫm tình đồng đội, đồng chí của những chiến sĩ một thời ngồi trên chiếc đò bà lái… Và người ghé nhiều nhất là phóng viên Đoàn Công Tính và nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bá Dương.
Cứ đến ngày 22-7 hàng năm, cô du kích ngày ấy lại đến Thành cổ thắp hương và ra dòng Thạch Hãn thả hoa tưởng nhớ những người anh hùng đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Mỗi lần nhìn con sông hiền hòa ấy, lòng bà lại bồi hồi xao xuyến. Ký ức về đồng đội, những ngày tháng máu lửa ấy lại ùa về, vẹn nguyên.
Ký Vinh