Ngày 7-4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến công du đến Đức để tham dự lễ khai trương hội chợ Hanover Fair - hội chợ công nghiệp lớn nhất thế giới. Đây là một trong những sự kiện quan trọng và cùng với những sự kiện quan trọng sắp tới như Thế Vận hội mùa Đông 2014 và Nga sẽ trở thành chủ tịch G20 trong năm nay, nước Nga đang chứng minh với thế giới họ đã lấy lại tiềm lực trở thành một cường quốc về kinh tế hàng đầu thế giới.
Tham vọng 100 tỷ USD trong tương lai gần
Sự tham dự của Nga tại hội chợ công nghiệp hàng năm của Đức với vai trò là một đối tác chính với số gian hàng triển lãm kỷ lục là một sự kiện quan trọng trong chương trình song phương của “Năm của Nga ở Đức và năm của Đức ở Nga 2012 - 2013”. Bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, phát triển thương mại và hợp tác kinh tế giữa hai cường quốc này là một trong những tia sáng hy vọng ló ra từ bầu trời xám xịt của khu vực châu Âu hiện nay. Theo RiaNovosti, khối lượng thương mại Nga - Đức năm 2012 đạt mức kỷ lục 73,9 tỷ USD.
Theo CS Monitor, hai nước có kế hoạch nâng con số này lên 100 tỷ USD trong tương lai gần, phần lớn sẽ tập trung vào các lĩnh vực xuất khẩu năng lượng của Nga sang châu Âu và xuất khẩu ô tô, máy móc và hàng tiêu dùng của Đức vào Nga. Đức là đối tác lớn thứ hai của Nga sau Trung Quốc, trong khi Nga đang đứng ở vị trí thứ 11 trong các đối tác thương mại của Đức.
Hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng cũng không ngừng được củng cố và phát triển. Nga đang cung cấp cho Đức 40% nhu cầu về khí đốt và 30% nhu cầu về dầu mỏ. Hai bên đang cùng thực hiện nhiều dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, trong đó có đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc”, mà nhánh thứ hai của đường ống này đã được khánh thành vào ngày 8-10 năm ngoái có thể nâng công suất vận chuyển khí đốt của Nga vào châu Âu lên tới 55 tỷ m³/năm.
Thời khủng hoảng mối quan hệ cần có nhau
Trả lời phỏng vấn Đài Phát thanh-truyền hình Đức ARD trước chuyến thăm Đức vào hai ngày 7 và 8-4, Tổng thống Putin khẳng định Đức là đối tác chủ chốt của Nga tại châu Âu và bất chấp ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu. Trao đổi hàng hóa đạt ở mức rất cao và đang tăng lên mạnh mẽ giữa Nga và Đức đã tạo ra cho hai nước hàng chục ngàn việc làm mới, đồng thời mang lại thu nhập cao cho hàng ngàn hộ gia đình của hai nước.
Theo giới quan sát, đối với Thủ tướng Merkel, vấn đề thu hút nguồn vốn đầu tư của Nga vào các xí nghiệp Đức là vấn đề cấp thiết nhất trong bối cảnh Đức đang gặp khó khăn vì khủng hoảng tài chính châu Âu. Hai bên ngay từ đầu đã công khai khẳng định, hai nền kinh tế Nga và Đức đang bổ sung cho nhau cùng phát triển và hướng đến hợp tác sản xuất trong những lĩnh vực công nghệ cao và những ngành đòi hỏi khoa học chuyên sâu. Những dự án đầu tư này có ý nghĩa giải quyết khủng hoảng đối với cả hai nước. Mặc dù người Nga đã mất một số lượng tài sản không nhỏ sau khi CH Síp tiến hành cải tổ ngân hàng để nhận được gói cứu trợ dưới áp lực của Đức, tuy nhiên, Tổng thống Putin đã giảm bớt sự chỉ trích vào gói cứu trợ… Ông bày tỏ hy vọng dòng chảy đầu tư vào Nga sẽ ồ ạt trong thời gian tới.
Kể từ khi Liên Xô tan rã, Đức luôn được nhìn nhận là một trong những cường quốc phương Tây có quan hệ thân thiện nhất với nước Nga. Nhưng yếu tố quyết định vẫn là những lợi ích kinh tế mà hai bên sẽ được hưởng lợi nếu hợp tác chặt chẽ với nhau, được coi là có ý nghĩa sống còn trong thời kỳ khủng hoảng hiện nay. Còn đối với Nga, hợp tác chặt chẽ với một cường quốc về kinh tế tại phương Tây như Đức sẽ đem lại những lợi ích không nhỏ mà Mátxcơva khó có thể chối từ.
Sau Đức, Tổng thống Nga sẽ đến Hà Lan, một trong những đối tác hàng đầu của Mátxcơva. Xứ sở hoa Tuylip được đánh giá là rất quan trọng trong chiến lược mở rộng cung cấp khí đốt của Nga.
HẠNH CHI (tổng hợp)