Chuyển đổi nông nghiệp số


Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 như “cú đấm bồi”, tác động tiêu cực, liên hoàn lên nhiều ngành kinh tế cũng như sinh hoạt, đời sống người dân. Hàng loạt mặt hàng nông sản ở vùng trọng điểm nông nghiệp ĐBSCL gặp khó về đầu ra, bán dưới giá thành.

Nếu như 3 đợt bùng phát dịch trước, nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát huy vai trò “trụ đỡ” cho nền kinh tế, là “chốn quay về” cho hàng triệu lao động di cư lên thành thị khi dịch bệnh làm ngưng trệ sản xuất, mất việc làm; thì tình trạng khó khăn do tắc đầu ra của nhiều mặt hàng nông sản đang làm cho khu vực này ngày càng trở nên chông chênh.

Ngoài tác động tiêu cực do Covid-19 mà bất kỳ ngành kinh tế nào cũng bị ảnh hưởng, thì cần nhìn nhận những yếu kém nội tại của ngành nông nghiệp và các ngành liên quan mật thiết với nông nghiệp như công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm và hệ thống phân phối nông sản yếu kém, thiếu bền vững. Tình trạng trúng mùa mất giá, tiêu thụ nông sản khó khăn, ngành công nghiệp chế biến thiếu kết nối với sản xuất nông nghiệp, không phải bây giờ mới xảy ra, mà “trục trặc” của thị trường nông sản, yếu kém trong kết nối cung - cầu đã lộ diện từ nhiều năm qua.

Trước những diễn biến mới của dịch bệnh, nhiều cách tiếp cận mới trong phòng chống dịch đang được xem xét như việc “sống chung với dịch”, chủ trương cho phép F1 cách ly tại nhà để giảm gánh nặng và phòng tránh lây nhiễm chéo. Tương tự, ngành nông nghiệp cũng cần phải đẩy mạnh chuyển đổi số như là một cách tiếp cận mới, chuyển từ sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, sang kinh tế nông nghiệp, tăng nhanh ứng dụng công nghệ trong ngành và hàm lượng chất xám trong nông sản.

Trong chuyến công tác vừa qua tại tỉnh An Giang, gợi ý về định hướng phát triển nông nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng đã đến lúc An Giang và các địa phương khác phải bắt tay ngay vào chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây cũng là yêu cầu chuyển đổi nông nghiệp vùng ĐBSCL và cả nước, trước thách thức của “3 biến”. Đó là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Để tránh bị động, đứt gãy các chuỗi cung ứng nông sản, thiếu kết nối cung cầu thì sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản cần đẩy nhanh việc số hóa, kết nối hệ thống dữ liệu số. 

Rõ ràng, yêu cầu chuyển đổi căn bản từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp phải là cuộc chuyển đổi về chất, ngành nông nghiệp không chỉ ứng dụng ngày càng nhiều hơn công nghệ, tăng hàm lượng chất xám vào nông sản, mà còn phải chọn lựa các công nghệ ưu tiên, công nghệ lõi mang tính dẫn dắt; lấy nhu cầu thị trường làm định hướng đầu tư, lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm thước đo, lấy năng lực của các tác nhân trong chuỗi cung ứng nông sản như doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân làm động lực. 

Để số hóa trong nông nghiệp đạt hiệu quả cao, cần giải quyết 3 vấn đề cốt lõi. Một là, đầu tư cơ sở hạ tầng mạng công nghệ thông tin, tăng cường số hóa các chuyên ngành nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp), đầu tư xây dựng các trung tâm tích hợp dữ liệu. Hai là, khuyến khích việc đầu tư nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số, công nghệ điện toán đám mây, viễn thám, công nghệ sinh học, thông tin, tự động hóa… ngày càng nhiều hơn vào ngành nông nghiệp. Ba là, rà soát để hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp lý có liên quan nhằm thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và hình thành đồng bộ thị trường khoa học - công nghệ để khuyến khích việc nghiên cứu, thương mại hóa các phát minh, sáng chế, sáng tạo khoa học kỹ thuật.  

Các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ chế biến sâu, công nghệ thông tin và số hóa, tự động hóa cần được đẩy mạnh đầu tư, không chỉ trong sản xuất mà còn cần cho sự vận hành của cả chuỗi cung ứng nông sản. Cần tăng cường liên kết các tiểu vùng, vùng và liên vùng thực chất và hiệu quả hơn…

Tin cùng chuyên mục