Chuyển đổi số ngành ngân hàng: Nhiều tiện ích cho người dùng

Sự thay đổi lớn trong thói quen thanh toán và giao dịch sang các hình thức không tiền mặt của người Việt Nam, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, đã thúc đẩy nhanh việc chuyển đổi số của ngành ngân hàng. 
Khách hàng trải nghiệm các dịch vụ số của ngân hàng. Ảnh: Minh Huy
Khách hàng trải nghiệm các dịch vụ số của ngân hàng. Ảnh: Minh Huy

Hiện có khoảng 95% ngân hàng thương mại đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số. Hầu hết các ngân hàng đều ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới trong hoạt động và cung ứng dịch vụ, trong đó có nhiều nghiệp vụ đã được các ngân hàng thương mại số hóa hoàn toàn, như gửi tiết kiệm; mở và sử dụng tài khoản thanh toán; thẻ ngân hàng; ví điện tử; chuyển tiền… 

Không chỉ số hóa các dịch vụ, thời gian qua, nhiều ngân hàng đã xây dựng ngân hàng số, hệ sinh thái số nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng cũng như tăng trải nghiệm cho khách hàng. Cụ thể, Nam A Bank có hệ sinh thái số với nhiều sản phẩm dịch vụ như Robot OPBA tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng tư vấn các sản phẩm, dịch vụ và hỗ trợ hướng dẫn làm thủ tục khi khách hàng đến giao dịch mà không cần nhờ nhân viên; ứng dụng Open Banking tích hợp tính năng định danh điện tử (eKYC), giúp người dùng có thể mở tài khoản và thực hiện các giao dịch tài chính mà không cần đến ngân hàng. Gần đây, Nam A Bank vừa ra mắt hệ sinh thái Onebank - ATM thế hệ mới, giúp khách hàng thực hiện giao dịch ngân hàng bất cứ thời điểm nào trong ngày, trong tuần, kể cả dịp lễ, tết. TPBank cũng xây dựng hệ sinh thái số với sự phát triển dịch vụ tài chính không chỉ trên nền tảng của TPBank mà còn mở rộng ra các nền tảng đối tác. Chẳng hạn như ứng dụng TPBank Mobile và TPBank Biz cung cấp các dịch vụ tài chính toàn diện cho khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp. Ngoài ra, ngân hàng tự động không ngủ LiveBank 24/7 được TPBank ứng dụng AI, công nghệ máy học (machine learning), công nghệ sinh trắc học mang đến cho khách hàng trải nghiệm chuyển tiền bằng giọng nói với thời gian chưa tới 30 giây. 

Với dịch vụ ngân hàng số, Vietcombank đã áp dụng dịch vụ mở tài khoản trực tuyến qua eKYC. Theo đó, chỉ với tấm thẻ căn cước công dân gắn chip, dù ở bất kỳ thời điểm nào, tại bất kỳ nơi đâu, khách hàng chỉ cần tải ứng dụng Vietcombank, chụp hình căn cước công dân và quét khuôn mặt là có thể mở tài khoản ngân hàng và bắt đầu các giao dịch trực tuyến trên ngân hàng số VCB Digibank với nhiều tính năng như: chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, thanh toán học phí, viện phí, thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia, nạp thẻ ETC, đặt vé máy bay, tàu xe, khách sạn…

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng thông tin, thời gian qua, các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán điện tử có tốc độ số hóa, tăng trưởng nhanh. Nhiều ngân hàng thương mại có lượng giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số hơn 90%, vượt xa mục tiêu 70% mà kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đặt ra vào năm 2025.

Tại sự kiện chuyển đổi số ngành ngân hàng do NHNN tổ chức vào đầu tháng 8-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển, là yêu cầu bắt buộc, cấp thiết, tác động tới tất cả mọi người dân, mọi hoạt động của nền kinh tế. Ngành ngân hàng hội tụ đủ những yếu tố để tiên phong trong tiến trình đó. NHNN và toàn ngành ngân hàng đã nhận thức rõ và chỉ đạo, triển khai quyết liệt trong vấn đề này nhằm chuyển đổi nhiều hoạt động quản lý nhà nước, dịch vụ sang môi trường số, đạt nhiều kết quả bước đầu rất đáng trân trọng, đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực phục vụ kịp thời, hiệu quả đến người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Theo NHNN, 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021; qua Internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 98,3% và 84,3%; qua QR code tăng 86% và 127%. Hiện đã có 68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng; 5,5 triệu tài khoản và khoảng 8,9 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức eKYC; 1,77 triệu tài khoản Mobile-money đã được mở, trong đó hơn 67% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Tin cùng chuyên mục