Từ thủ đô Hà Nội để vào 2 trong 4 xã vừa được sáp nhập vào Hà Nội và ngược lại từ hai xã ra quốc lộ 21A để về huyện lỵ Thạch Thất, lên thị xã Sơn Tây hoặc thẳng ra trung tâm thủ đô Hà Nội chỉ có một con đường “độc đạo”. Đó là hai xã Yên Bình, Yên Trung, nằm gần sân bay Hòa Lạc và Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Thế nhưng, chỉ sau một đêm thức dậy, người dân nơi đây không thể nào ra khỏi làng mình được nữa vì con đường đã bị chặn ngang, rào kín bằng dây thép gai, đóng cọc bê tông, đắp ụ đất…
Yên Bình chẳng bình yên
Sự việc bắt đầu xảy ra khoảng một tuần nay. Ông Đinh Văn Lâm, một người dân ở Yên Bình, bức xúc: “Thực sự không thể tưởng tượng nổi một con đường cái quan, nơi ra vào của hàng ngàn người dân hai xã mà bỗng dưng bị chặn lại bằng cả tấm rào bê tông, thép gai kín mít, đến nỗi người chui qua cũng khó, nói chi xe cộ qua lại”.
Bà Bùi Thị Hoạt, ở xóm Cò, xã Yên Bình cũng than vãn: “Cả tuần nay chúng tôi rất khổ sở. Muốn ra bên ngoài cũng phải leo quả đồi kia. Khổ hơn là khách lạ từ Hà Nội tìm vào làng, không có đường, họ đi quanh co, dò dẫm trong cánh rừng, nhiều người bị lạc”.
Không hiểu tình hình ra sao, hàng trăm người dân đã kéo lên trụ sở UBND xã Yên Bình để hỏi. Ông Bùi Xuân Lai - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bình - bảo: “Lúc bà con kéo đến hỏi, chúng tôi cũng ngơ ngác, không tin đó là sự thật”. Sau đó, cán bộ xã đã ra hiện trường để xác minh. Song ông Lai nói: “Chúng tôi không thể xác định được ai, cơ quan nào đã làm việc này”. Cuối cùng, xã đành phải làm công văn gửi lên huyện.
Ông Hoàng Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Trung - cũng tỏ ra lo ngại: “Cho đến nay, tình trạng rào chắn vẫn còn tồn tại, đang gây thiệt hại và lo lắng cho dân”.
Đi tìm thủ phạm
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nơi bị rào chắn chính là đoạn đường dài 3km thuộc đường băng đất của sân bay Hòa Lạc.
Từ trước đến nay, hầu như người dân các xã Yên Bình, Yên Trung, Yên Quang chỉ có đường về huyện Lương Sơn (Hòa Bình) chứ không có đường để ra thị xã Sơn Tây, huyện Thạch Thất của tỉnh Hà Tây cũ. Trong khi, đây lại là những xã nằm giáp ranh với tỉnh Hà Tây cũ nên bà con ra thị xã Sơn Tây thuận lợi hơn là về huyện lỵ Lương Sơn.
Không có đường, họ phải đi nhờ 3km thuộc đường băng sân bay Hòa Lạc để ra đường 84 chạy từ thị xã Sơn Tây về xã Cổ Đông, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Đây là một con đường cụt. Sau đó, người dân trổ tạm 2 con đường phụ dẫn từ đường băng sân bay Hòa Lạc sang đường 84 để đi lại.
Chúng tôi đã tìm đến Trung đoàn 916. Đại tá Nguyễn Xuân Hồng - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 916 - cho biết: “Do khoảng 20 ngày trở lại đây xuất hiện tình trạng rất nhiều ô tô có tải trọng 40-50 tấn chở đất suốt ngày qua lại sân bay, cày nát cả đường băng đất nên trung đoàn đã cho đào một số hố để ngăn xe tải nhưng vẫn chừa lối đi để xe máy, xe thô sơ qua lại được”.
Tuy nhiên sau đó, không hiểu vì sao bảo vệ của Ban quản lý dự án Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam lại ra rào kín toàn bộ lối đi. Thế là người dân không thể qua lại được. Chúng tôi cũng đã liên lạc với đại diện Ban quản lý dự án Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam nhưng họ nói không hề biết có chuyện rào đường xảy ra.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện ở 2 xã Yên Bình, Yên Trung đang có khoảng 30 xe tải nằm đắp chiếu vì không thể ra bên ngoài. Nhiều hợp đồng chở vật liệu vào trung tâm hai xã phải hủy bỏ. Đặc biệt, ở Yên Bình hiện đang có một trang trại heo rộng 10ha, lớn hàng đầu miền Bắc.
Anh Nguyễn Văn Quang, ở xã Cổ Đông (Sơn Tây - Hà Nội), chủ trang trại heo, kể khổ: “Từ khi đường bị rào lại, chúng tôi không thể nào đưa thức ăn vào trong được. Hơn 3 vạn con heo đang chết đói”. Đặc biệt, do đường bị chặn nên trong khoảng 1 tuần nay, giá các mặt hàng ở Yên Bình, Yên Trung tăng lên chóng mặt. Đặc biệt là giá phân đạm, mặc dù đang mùa gieo trồng nhưng không có xe chở đạm vào, giá tăng lên gần gấp đôi.
Rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc giải quyết trả lại đường để cuộc sống và sinh hoạt của người dân nơi đây được đảm bảo.
VĂN PHÚC HẬU (SGGP 12G)