Chuyện kể từ những chiếc mặt nạ

Chuyện kể từ những chiếc mặt nạ

Nhiều người dân TPHCM đã quen thuộc hình ảnh người đàn ông với mái tóc dài phong trần, đen nhẻm, ốm yếu, băng băng trên chiếc xe đạp cũ kỹ, với hàng chục chiếc mặt nạ tuồng đủ kích cỡ và kiểu dáng, khiến người đi đường tò mò ngoái nhìn. Khu trung tâm quận 3 là bến đậu hàng ngày của nghệ sĩ đường phố này để giới thiệu những tác phẩm của chính mình. Đó là ông Nguyễn Đức Duy, 52 tuổi, mọi người vẫn quen gọi là chú Bảy.

Nơi sinh hoạt của gia đình diện tích chỉ hơn 20m² cũng là nơi chú Bảy cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật

Sinh ra ở An Hòa, An Lão (Bình Định), từ nhỏ chú Bảy đã bị mê hoặc bởi những vở tuồng hát bội, những nhân vật như Quan Công, Tào Tháo, những vị vua, vị tướng một thời... Hơn 20 năm từ ngày rời quê vào Sài Gòn lập nghiệp, thử sức với đủ nghề khác nhau, nhưng niềm đam mê từ nhỏ đã thôi thúc chú Bảy quyết định thay đổi và phát triển sự nghiệp từ việc vẽ mặt nạ tuồng, một di sản truyền thống của quê hương. Chú Bảy đã dồn hết tâm huyết và cho ra đời rất nhiều khuôn mặt trung, liêm, hỉ, nộ, ái, ố...

Chỉ là tay ngang trong bộ môn nghệ thuật khá kén người am hiểu, nhưng chú Bảy luôn thấy mình vô cùng hạnh phúc, bởi đây là niềm đam mê, là cuộc sống của chú. “Đến với nghề này thì điều cần nhất là sự đam mê. Tôi toàn tự học, tự tìm hiểu chứ đâu có ai chỉ, nhưng giờ đây tôi thấy mãn nguyện với tay nghề của chính mình”, chú Bảy chia sẻ.

Trước tiên phải tạo khuôn mẫu bằng đất sét hoặc thạch cao, cho bột đá trắng xay nhỏ để tạo hình mặt nạ, chà nhám thật kỹ để màu vẽ bám lâu và đẹp hơn, phải mất 6g để hoàn thành một chiếc mặt nạ

Chuyện kể từ những chiếc mặt nạ ảnh 3
Tất cả đều được làm bằng tay từ vật liệu poly composite, gọi là đá poly, dùng để trang trí, khách chủ yếu của chú Bảy là sinh viên kiến trúc và khách nước ngoài. Giá mỗi sản phẩm từ 110.000 đến 400.000 đồng
Chuyện kể từ những chiếc mặt nạ ảnh 4

Với phương tiện di chuyển chính là xe đạp, chú Bảy vừa bán, vừa giới thiệu sản phẩm

Thủy Ngân

Tin cùng chuyên mục