Chuyện làm ăn ở Lào - Dự án hiệu quả, đời sống khá lên

Trưa nắng chói chang và cái nóng hầm hập của gió Lào, giữa khoảng trời mênh mông ánh màu đỏ của đất Attapeu, hàng trăm chiếc máy cày đa năng đang khoan hố trồng cây. Quanh đấy, hàng trăm công nhân miệt mài làm công việc của mình. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi đi thăm các nông trường cao su đã khen ngợi và đánh giá cao những thành tích mà Hoàng Anh Gia Lai đã làm được trên đất bạn Lào.
Chuyện làm ăn ở Lào - Dự án hiệu quả, đời sống khá lên

Trưa nắng chói chang và cái nóng hầm hập của gió Lào, giữa khoảng trời mênh mông ánh màu đỏ của đất Attapeu, hàng trăm chiếc máy cày đa năng đang khoan hố trồng cây. Quanh đấy, hàng trăm công nhân miệt mài làm công việc của mình. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi đi thăm các nông trường cao su đã khen ngợi và đánh giá cao những thành tích mà Hoàng Anh Gia Lai đã làm được trên đất bạn Lào.

  • Bến đậu nghĩa tình

Qua khỏi cặp cửa khẩu Bờ Y (Việt Nam) - Phu Cưa (Lào), là con đường tráng nhựa rộng thênh thang dẫn đến trung tâm tỉnh Attapeu, vùng Nam Lào. Xe chạy đến cầu Sê Sụ dài 100m, có trọng tải 50 tấn bắt ngang con sông SeKon, nối liền hai huyện Phouvông và Saysetha do tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai xây tặng thì mọi người xin nghỉ mệt vì phải vượt hơn 30 khúc cua “tay áo”.

Ở vùng đất Saysetha đầu bên kia cầu Sê Sụ này, mấy chục năm qua có nhiều chuyện kể khiến ta cay mắt. Người cán bộ huyện Saysetha kể - ngày xưa, khi chưa có cầu, nhiều người bệnh nặng đã không thể vượt qua cái chết khi gia đình cố bơi thuyền vượt sông để đưa họ về bệnh viện ở Pắc Xế (Champasak) chữa trị. Một chị phụ nữ sanh khó đành chịu nằm lại bên kia bờ cùng đứa con trong bụng vì vượt sông quá chậm…

Bây giờ, họ có thể chuyển bệnh qua cầu bằng xe cấp cứu về bệnh viện đa khoa 200 giường do tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai vừa trao tặng, đặt tại trung tâm tỉnh Attapeu. Không chỉ thoát cảnh “qua sông lụy đò”, hoạt động giao thương của nhân dân hai huyện sẽ thuận lợi hơn và nhất là những ruộng mía được trồng ở huyện Saysetha, sẽ được chuyên chở dễ dàng đến nhà máy sản xuất mía đường công suất 700 tấn/ngày do Công ty Hoàng Anh - Attapeu đang xây dựng ở Phouvông.

Năm 2007, tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai mới bắt đầu sự nghiệp tại Lào và họ chọn Attapeu, một tỉnh nghèo nhất, cơ sở vật chất kém nhất nước Lào, nhưng bà con hai dân tộc Việt - Lào sống hai bên sườn Đông và sườn Tây của dãy Trường Sơn đối với nhau rất tình nghĩa và gắn bó. Đó là lý do, tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai chọn Attapeu là “bến đậu”.

Khu nhà ở dành cho công nhân nông trường cao su Hoàng Anh - Attapeu.

Khu nhà ở dành cho công nhân nông trường cao su Hoàng Anh - Attapeu.

  • Đổi đời từ cây cao su

Ai cũng biết sự khắc nghiệt của nắng và gió Lào khiến hốc người thế nào và ai cũng nghe nói về sự quý hiếm của nước ở bên Lào, vào mùa khô. Theo quy trình, cây cao su trồng 5 năm mới bắt đầu cho mủ lứa đầu tiên, “nhưng cây cao su của chúng tôi trồng ở Attapeu chỉ cần 4 năm tuổi là có thể bắt đầu cho mủ”, ông Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) nói thế khi ông dẫn đoàn khách gồm các nhà đầu tư và nhóm nhà báo chúng tôi đi thăm các nông trường cao su ở đây.

Nghe vậy, một số người có vẻ rành về cây cao su đã cười nghi ngại. Để chứng minh, ông Đức lấy chìa khóa xe cạo mạnh vào thân cây cao su được 3,5 tuổi. Một dòng sữa trắng tươm ra theo vết cạo trên thân cây. Nhiều tiếng ồ, à không nén được từ các doanh nghiệp nước ngoài và các nhà báo đứng quanh đấy. Nhờ đâu mà cây cao su của Hoàng Anh - Attapeu cho mủ sớm hơn lẽ thường, nhất là ở vùng đất mới này?

Ông Đức và ông Phạm Thanh Thủ, Giám đốc Công ty Hoàng Anh - Attapeu giải thích, đầu tiên là điều kiện về thổ nhưỡng ở đây thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây cao su, thứ nữa là với diện tích liền khoảnh, liền bờ giúp họ dễ dàng đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công việc, họ có thể dùng xe ủi đất, máy khoan hố sử dụng thay lao động tay chân. Và việc họ đưa hệ thống tưới cây tiên tiến đặt mua từ Israel với 8 triệu mét dây gắn loại van nước cảm ứng ẩm rải trên bề rộng hàng chục ngàn hécta cây cao su giúp cây cao su cho mủ sớm hơn. Cạnh đó, sự ổn định về chính trị xã hội và chính sách đầu tư cụ thể, rõ ràng của Chính phủ Lào dành cho các nhà đầu tư nước ngoài giúp Hoàng Anh Gia Lai yên tâm xuất vốn lớn khi làm ăn ở đây.

Giữa những lô cao su nối nhau bạt ngàn nối hai quả núi, tôi hỏi chuyện chị Khăm Pha Vát Xa, từ Champasak đến làm việc ở đây từ những ngày đầu, “Làm việc ở đây có vui không?”. Cố gắng lắm chị trả lời giọng lơ lớ bằng tiếng Việt: “Ông Thú (Thủ) vơi (với) ông Ba Đứt (Đức) dạy cho người Lào mình cách làm cây cao su. Có viết (việc) làm, có nha ớ (nhà ở)… vui lắm rồi”. Chị chỉ về phía dãy nhà 2 tầng sơn xanh, tôn đỏ ở cuối con đường đất đỏ cạnh những lô cao su xanh um: “Nhà mình được cấp đấy”.

Đến nay, đã có hơn 3.000 người (khoảng 1.300 hộ) ở Attapeu, Sekong và Champasak có việc làm ổn định trong các nông trường cao su của Hoàng Anh - Attapeu.

  • Nghĩa tình còn lại

Kinh doanh có thể thành công và cũng có thể thất bại về kinh tế, nhưng công bằng mà nói, sau 4 năm quay lại vùng đất nghèo Attapeu này, chúng tôi thấy kết quả dân sinh mà các dự án do Hoàng Anh - Attapeu đầu tư đã góp phần không nhỏ vào thay đổi cuộc sống người dân ở đây.

Điều này đã được Phó Thủ tướng nước CHDCND Lào Somsavat Lengsavat phát biểu trong ngày Hoàng Anh Gia Lai trao tặng chính quyền và nhân dân tỉnh Attapeu bệnh viện đa khoa, ngôi trường PTCS hai tầng cùng khu nhà cho giáo viên ở Saysetha, 250/1.000 căn hộ tái định cư theo ký kết, cho bản Hủa Xăn: “Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã làm đúng, làm tốt những gì mình cam kết khi đầu tư tại Lào. Hoàng Anh Gia Lai chọn đầu tư vào Attapeu. một tỉnh nghèo nhất nước Lào không chỉ vì mục tiêu lợi nhuận, mà Hoàng Anh Gia Lai còn đóng góp rất nhiều vào vấn đề an sinh xã hội cho người dân Lào, đóng góp một cách nhiệt tình, tràn đầy tình cảm và đây là sự chọn lựa nghĩa tình của Hoàng Anh Gia Lai”.

Trên đường về lại Việt Nam, chúng tôi đến khu chợ lớn nhất tỉnh Attapeu. Hàng Việt Nam ở đây được bày ở vị trí tốt nhất xen với hàng Thái Lan. Trước đây, vị trí ấy là của hàng Trung Quốc. Hàng hóa Việt Nam được bán nhiều ở khu vực trung tâm thương mại này là quần áo, mì gói, thuốc tân dược và đồ gia dụng bằng nhựa.

Từ khi tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đầu tư sang Attapeu, đời sống nhân dân ở nhiều huyện như Phouvông, Saysetha, Sanamsai và các tỉnh lân cận như Champasak, Sekong có nhiều thay đổi. Thay đổi mà ai cũng nhìn thấy đó là các điểm bán sim card điện thoại của Viettel với tên Unitel có ở khắp nơi, nhiều nhà mới xây còn thơm mùi sơn màu sắc rực rỡ. Đặc biệt, nhiều tháp để cốt người chết ở trong sân các chùa được xây to hơn và trang trí cầu kỳ hơn, điều này thể hiện đời sống vật chất của những người đang sống ở Attapeu đang ngày một khá giả hơn. 

PHƯƠNG THỤC

Tin cùng chuyên mục