Dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn bước qua những hủ tục để thay đổi nếp nghĩ của bà con dân làng và hơn hết là tìm kiếm cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ đôi bàn tay và khối óc của mình, đó chính là hành trình làm giàu của ông Rơ Mah Tham (50 tuổi), một nông dân người Jrai ở làng Sung Le 1, xã Ia Kla, huyện biên giới Đức Cơ (tỉnh Gia Lai).
Đất mặn mồ hôi
Ngày nào cũng vậy, khi mặt trời tỉnh dậy cũng là lúc vợ chồng ông Rơ Mah Tham đã cơm đùm cơm nắm lên rẫy. Ngày này qua tháng khác, hết rẫy cao su lại sang vườn cà phê, vườn điều. Ở làng Sung Le 1, xã Ia Kla (huyện Đức Cơ), ông Rơ Mah Tham được cả làng ngưỡng mộ bởi đức tính cần cù chịu khó, dám nghĩ, dám làm. Chính vì vậy, từ chỗ thiếu ăn, thiếu mặc, cuộc sống của gia đình ông nay đã trở nên sung túc, có của ăn của để, với cơ ngơi khiến nhiều người ao ước.
Hơn 20 năm trước, theo phong tục của dân tộc Jrai, ông được bà Rơ Lan Hlý (nay đã 45 tuổi) “bắt” về làm chồng. Ngày ra riêng, vợ chồng ông không có gì ngoài hai bàn tay trắng. Không có đất sản xuất, đôi vợ chồng trẻ đi làm thuê để sống. Rồi đứa con đầu lòng chào đời, sau niềm vui đón chào thành viên mới, vợ chồng ông lại đối mặt với nhiều nỗi lo toan, khó khăn chồng chất. Thương con, gia đình bà HLý đã cho vợ chồng ông mượn 3ha đất để sản xuất. Ngày đó, bà con trong làng chỉ biết trồng cây lúa, cây bắp và gia đình Rơ Mah Tham cũng không ngoại lệ. Đất đai nằm ở nơi khô cằn, thiếu nguồn nước tưới, trong khi phương thức canh tác chủ yếu là chọc tỉa nên ruộng lúa, rẫy bắp nhà ông liên tục mất mùa.
Nhìn nhiều hộ người Kinh sống gần làng cũng làm nương rẫy nhưng lại có cuộc sống sung túc, ông lân la làm quen và lần đầu tiên ông biết đến cây điều, một loại cây “xóa đói, giảm nghèo”. Sau nhiều đêm suy nghĩ, Rơ Mah Tham quyết định chuyển đổi diện tích đất đang trồng lúa, trồng bắp sang trồng điều. Chăm chút mãi, rồi cũng đến ngày vườn điều cho quả. Hơn cả mong đợi, ngay vụ đầu tiên, gia đình ông thu về hơn 50 triệu đồng. Sau khi trang trải nợ nần, mua sắm nhiều thứ cho gia đình vẫn còn dư ra một số tiền, Rơ Mah Tham quyết định mua thêm đất mở rộng sản xuất. Ngoài cây điều, ông còn học cách trồng cà phê, cao su, hồ tiêu…
Quả ngọt trên đất bazan
Đến nay, mô hình trồng trọt đa canh của Rơ Mah Tham đã được đầu tư khá lớn. Ông cho biết: “Tôi thấy người ta trồng điều hiệu quả nên làm theo, cũng cuốc đất trồng được 6ha điều, 4ha cao su (trong đó 1ha đã khai thác và 3ha còn lại sẽ được khai thác vào năm 2014), 1,4ha cà phê, hơn 500 trụ tiêu… Gia đình tôi đã thật sự thoát nghèo rồi”. Ấy là cách nói khiêm tốn của Rơ Mah Tham, chứ thực sự với nguồn thu nhập ổn định từ điều, cà phê, cao su… mỗi năm vợ chồng ông thu về cũng hơn 300 triệu đồng, chưa kể vườn tiêu và lứa cao su mới sắp thu hoạch. Vài năm nữa, con số này sẽ tăng lên gấp đôi, gấp ba.
Không chỉ vun vén cho gia đình, Rơ Mah Tham còn giúp đỡ bà con làng Sung Le 1, để mọi người có điều kiện cải thiện đời sống. “Mình phải chỉ cho bà con cách làm kinh tế bền vững, cùng lao động để tạo ra của cải, như vậy cái bụng mới không bị đói”. Nghĩ là làm, mộc mạc và chân thành, Rơ Mah Tham đem hết kinh nghiệm, kiến thức về cách trồng cao su, cách bón phân cho cà phê, tiêu... hướng dẫn lại cho bà con trong làng. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của ông, nhiều hộ gia đình đã từng bước thoát khỏi đói nghèo.
| |
ĐỨC TRUNG