Chuyện ở “làng đi bộ”

“Làng đi bộ” là tên gọi của thôn Cù Dù, xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Ở đây có 32 hộ dân sống hầu như tách biệt với thế giới bên ngoài, không điện, không đường... quanh năm đi bộ trên cát. Muốn đến thôn Cù Dù, nếu đi bằng xe ô tô, xin thưa không được; xe máy, cũng không! Chỉ có một cách duy nhất là… đi bộ!

Làng không có xe đạp

Lên đò ngang để qua cửa biển Cảnh Dương, mất nửa cây số nhảy xổm trên những tảng đá nhô ra biển, chúng tôi mới lần được lối đi bằng phẳng ven triền núi và phải mất thêm 4km đi bộ mới đến được Cù Dù.

Thôn Cù Dù có 32 hộ với 198 nhân khẩu, trước mặt là biển, sau lưng là núi Vĩnh Phong. Nơi đây không có điện, cũng chẳng có đường, người dân đi trên cát và băng qua núi cao chót vót tạo thành đường mòn.

Cụ Nguyễn Hàn (87 tuổi) cho hay, từ ngàn xưa người dân đã làm ăn và sinh sống trên mảnh đất này. Trong 2 cuộc chiến tranh, Cù Dù là căn cứ địa cách mạng nên thường xảy ra những cuộc giao tranh ác liệt giữa ta và địch, người dân ở đây đã di tản đi nơi khác.

Sau ngày giải phóng, hàng chục hộ dân từ các xã Vinh Hiền, Vinh Mỹ... đến đây lập làng. Từ đó đến nay, người dân thôn Cù Dù cứ ẩn mình dưới chân núi Vĩnh Phong, làm ăn và sinh sống, quanh năm đối mặt với gió biển...

Ông Hàn tâm sự: “Hiện trong thôn không có một chiếc xe đạp nào. Mà có xe cũng không thể đi được do không có đường mà đi. Thời gian trước, ở đây cực không thể chịu nổi, người dân chủ yếu ăn sắn độn cơm. Ngày lao động trồng lúa nước, đêm về phải đi trồng sắn ở các nương rẫy, chặt củi rồi đi bộ ra chợ Vinh Hiền cách thôn hơn 10km để bán. Kiếm đủ miếng ăn gian khổ lắm. Nhiều người chịu không nổi, phải bỏ làng ra đi”.

Cuộc sống khó khăn nên thanh niên mới lớn đều tìm vào TP Hồ Chí Minh làm nghề may... Ở lại thôn chỉ còn người già và trẻ em. Ngay cả bây giờ, những đứa trẻ lớn 10-12 tuổi, khi theo bố mẹ lên đường lộ, thấy xe ô tô, xe máy thì có đứa cứ mải mê ngắm nhìn, có em hoảng quá òa khóc...

Mỗi lúc trong thôn có người ốm nặng, mọi người thay nhau gánh bệnh nhân vượt rừng đến bệnh viện, nếu không thì nhờ Đồn biên phòng 232 đóng ở biển Cảnh Dương sang giúp.

Mong ước lớn nhất của người dân Cù Dù là làm sao có con đường để đi lại giao lưu trong vùng, có điện để thắp sáng... nhưng xã chưa giúp được, người dân thì làm chẳng đủ ăn, họ không thể có tiền bỏ ra để làm đường.

Nhọc nhằn con chữ ở Cù Dù

Khó khăn hơn vẫn là chuyện học hành của con em trong thôn. Gia đình anh Hồ Văn Chi có 4 người con nhưng chỉ có đứa út là được đi học. Anh Trần Tàu, Trưởng thôn Cù Dù cho biết: Phải mất hàng chục năm, trẻ em ở đây không được học hành, lớn lên không biết một con chữ, quanh năm chỉ quanh quẩn với ruộng nương. Khoảng năm 1992, Đồn biên phòng 232 cử cán bộ chiến sĩ sang thôn để dạy xóa mù. Năm 2001, huyện Phú Lộc đã vận động cán bộ công nhân viên trong toàn huyện, đóng góp mỗi người một ngày lương, xây dựng một ngôi trường nhỏ gồm 3 phòng học ở thôn sau cử giáo viên về ở lại thôn để dạy chữ cho con em của thôn theo hệ xóa mù. Vì vậy rất ít học sinh có điều kiện học tiếp THCS.

Theo anh Trần Tàu, do địa hình cách trở, 2 cửa biển Cảnh Dương và Tư Hiền chắn 2 đầu, học sinh muốn học tiếp THCS phải đi bộ rồi đi thuyền qua cửa biển Cảnh Dương nên rất khó, nhất là vào những ngày mưa bão. Trước đây, cũng có một số học sinh đi học, suýt bị lật thuyền ở cửa biển nên gia đình không dám cho đến trường nữa. Toàn thôn hiện có 15 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 4.

Thầy Nguyễn Văn Thủy, phụ trách dạy học ở thôn Cù Dù cho hay, suốt năm học vừa qua, anh phải qua đây ở lại nhà trưởng thôn để dạy học cho các em. 15 em học 4 lớp, học ghép vào 2 buổi: lớp 1 và lớp 2 học buổi sáng, lớp 3 và lớp 4 học buổi chiều. Điều kiện khó khăn nên việc tiếp thu của các em rất chậm, do đó anh chỉ chú trọng dạy cho các em biết đọc, biết viết...

Niềm vui chưa trọn vẹn

Đầu năm 2007, Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) được tỉnh Thừa Thiên-Huế cấp giấy phép đầu tư Khu du lịch sinh thái cao cấp Laguna tại thôn Cù Dù, tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD. Dự án dự kiến bắt đầu xây dựng từ cuối năm 2008 đến 2014, sau khi hoàn chỉnh, khu du lịch sinh thái này sẽ có 7 khách sạn cao cấp với khoảng 2.000 phòng; 1.000 căn nhà ở, cùng hệ thống trung tâm hội nghị, sân golf và trung tâm mua sắm...

Tháng 12-2007, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế có quyết định thu hồi diện tích hơn 3 triệu m² đất  tọa lạc tại thôn Cù Dù để cho dự án Laguna thuê. Theo đó, người dân sẽ được chuyển đến nơi ở mới, từ bỏ cuộc sống thiếu thốn hàng chục năm nay. Ai cũng khấp khởi mừng. Thế nhưng chưa kịp mừng người dân lại phải lo lắng bởi giá đền bù quá thấp.

Anh Trần Tàu cho biết, đất nông nghiệp được đền bù 10.500đ/m²; đất rừng đền bù 2.500đ/m²; đất thổ cư có sổ đỏ đền bù 33.500đ/m². Mỗi hộ dân khi di dời được hỗ trợ 5.000đ/ngày/6 tháng (chỉ đủ để ăn hai gói mì tôm mỗi ngày). Ngoài ra, việc áp giá đền bù nhà cửa quá thấp so với thực tế.

Theo người dân, ngày nào xã Lộc Vĩnh cũng giục dân nhận tiền, trong lúc đó đất tái định cư thì chưa bố trí và chưa rõ giá cả bao nhiêu? Hơn nữa, điều quan tâm của người dân khi chuyển đến nơi ở mới là làm nghề gì để kiếm sống.

Bác Trần Ghe tâm sự: “Sống bao đời nay không điện, không đường, giờ nghe sắp sửa có thì lại phải chuyển đi nơi khác. Ngôi nhà của tôi tích góp cả đời người nếu xây vào thời điểm này cũng phải mất gần 100 triệu đồng thế nhưng áp giá đền bù 73 triệu đồng, chuyển đi tôi lấy tiền mô mà làm lại nhà”.

Mệ Nguyễn Thị Thẻo (65 tuổi) cho hay, sống ở Cù Dù tuy thiếu thốn đủ điều nhưng quen bám đất bám làng, hết mùa lúa còn có thể ra bãi biển xúc hàu đi bán. Bây giờ huyện bố trí qua khu tái định cư bên bãi đất trống ở bên sông Bù Lu, dân không biết sẽ mưu sinh bằng gì.

Những bức xúc, trăn trở nói trên rất cần được cơ quan hữu trách xem xét giải quyết, giúp người dân thôn Cù Dù - vốn đã phải chịu nhiều khó khăn, thiếu thốn hàng chục năm qua - có được cuộc sống ổn định, tốt đẹp hơn trong tương lai.

PHAN LÊ

Tin cùng chuyên mục