Chuyện ông Bảy Huệ

“Sống phải chiến đấu, hy sinh suốt đời cho đất nước, cho nhân dân, cho Đảng chứ đâu phải chỉ hy sinh đến tuổi hưu trí!”, chỉ suy nghĩ đơn giản thế thôi và sau 54 năm phục vụ, chiến đấu trong quân ngũ, ông Bảy Huệ (Đại tá Đinh Văn Huệ, nguyên Trưởng phòng Khoa học công nghệ môi trường Quân khu 7), tiếp tục dấn thân vào công tác xã hội ở địa phương.
Chuyện ông Bảy Huệ

“Sống phải chiến đấu, hy sinh suốt đời cho đất nước, cho nhân dân, cho Đảng chứ đâu phải chỉ hy sinh đến tuổi hưu trí!”, chỉ suy nghĩ đơn giản thế thôi và sau 54 năm phục vụ, chiến đấu trong quân ngũ, ông Bảy Huệ (Đại tá Đinh Văn Huệ, nguyên Trưởng phòng Khoa học công nghệ môi trường Quân khu 7), tiếp tục dấn thân vào công tác xã hội ở địa phương.

  • Chính trị viên trẻ tuổi

Ông Bảy Huệ vẫn còn nhớ như in những ngày đầu đến với cách mạng, cầm cây tầm vông đứng gác cho lễ công bố cách mạng thành công vào tháng 6 năm 1946 tại Châu Đốc.

Ông Bảy sinh ra và lớn lên trong thời điểm đất nước bị giặc Pháp đô hộ. Cha ông chẳng may mất sớm, ông ngoại thấy vóc dáng nhỏ nhắn của cháu mình nên khuyên bảo: “Mày nhỏ con không thể làm cu li, xe kéo được đâu. Thôi, ráng học để làm thầy ngôn, thầy ký”. Nghe lời khuyên, ông Bảy cố gắng học hành. Học hết chữ ở trường làng, trường tỉnh, ông nộp đơn thi vào Trường Coledge Cần Thơ. Nhà nghèo, muốn tiếp tục học phải đậu vào tốp 10 để nhận học bổng. Năm đó ông Bảy Huệ đậu thứ 4/527 học sinh thi vào trường.

Ông Bảy tâm sự tiếp: “Tuy nhiên, khi việc học đang dang dở thì ngày thứ sáu, 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Cũng như các trường Tây khác, Trường Coledge Cần Thơ đóng cửa. Tôi thu xếp hành lý trở về quê, học nghề dệt”. Lúc này, tình hình kháng chiến đang sôi động, ông Bảy Huệ đăng ký vào Thanh niên tiền phong.

Vài tháng sau, cách mạng thành công. Cũng như bao thanh niên thời ấy, ông Bảy Huệ tự tìm quần áo và trang bị gậy tầm vông. Tháng 2-1946, Pháp chiếm lại Châu Đốc. Tháng 4-1946, lực lượng cách mạng phục hồi. Đó là thời điểm “ngày Pháp tề; đêm cách mạng”.

Tháng 10-1946, ông Bảy Huệ thoát ly gia đình. Nhà ông ở trong vùng tạm chiếm và kể từ đó ông Bảy ít được dịp về gia đình, dù công tác không xa nhà bao nhiêu. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Kháng chiến chống Mỹ bùng nổ, lớp lớp người lên tàu đi B và ông Bảy cũng mong muốn trở về miền Nam. Năm 1968, ông Bảy Huệ đi B và phụ trách chỉ đạo các lưới điệp báo.

Ông Bảy Huệ và công trình Lịch sử Quân giải phóng miền Nam. Ảnh: Đ.H.

Ông Bảy Huệ và công trình Lịch sử Quân giải phóng miền Nam. Ảnh: Đ.H.

  • Người hòa giải

Ngày 1-1-2001, Đại tá Bảy Huệ nghỉ hưu. Về địa phương, ông vẫn tiếp tục tham gia công việc nghiên cứu khoa học và viết lịch sử Ban chỉ huy Miền, Quân giải phóng miền Nam. Ông tâm sự: “Tính ra, tôi đã phục vụ liên tục trong quân đội 54 năm, 3 tháng. Vợ chồng lấy nhau hơn 40 năm, nhưng tôi đi công tác suốt và ít có thời gian gần vợ con. Những tưởng về hưu sẽ vui thú điền viên cùng gia đình nhưng tôi lại được chỉ đạo tiếp tục thực hiện các công trình khoa học còn dang dở cũng như tham gia viết lịch sử. Xong việc, trở về nhà, công việc xã hội lại bộn bề xung quanh".

Ông Bảy Huệ nói tiếp: “Khi vào Đảng mình đã thề sống, chiến đấu, hy sinh suốt đời cho đất nước, cho nhân dân, cho Đảng chứ đâu phải hy sinh đến tuổi về hưu”. Nhờ uy tín, ông Bảy được nhân dân tin yêu, ai có việc khó cũng gõ cửa nhà ông. Mà đâu chỉ có dân ở khu phố 7, phường 15, quận 10 tin yêu; dân ở địa phương khác đến đây làm ăn cũng một mực nghe theo lời ông.

Chuyện xảy ra cách đây đúng 10 năm, theo chỉ đạo của thành phố, chính quyền quận 10 tổ chức giải tỏa các kiosque trên đường Thành Thái. Trước đó, do chưa giải quyết thỏa đáng về quyền lợi nên các chủ hộ kinh doanh không đồng tình. Vụ việc đang đến hồi căng thẳng, các chủ kiosque chạy tìm ông Bảy Huệ.

Ông Bảy Huệ kể: “Họ nói chuyện với tôi từ chiều tà cho tới khuya. Tôi nói với các chủ kinh doanh rằng, các cháu không tìm hiểu kỹ nên đã tổ chức kinh doanh nơi chưa được phép. Đầu tư kinh doanh có lỗ, có lãi. Còn tiền cọc chắc chắn sẽ được trả. Các cháu đề nghị quận 10 can thiệp đâu có được, chủ cho thuê mặt bằng phải chịu trách nhiệm vấn đề này. Nếu đưa vụ việc ra tòa sẽ tốn nhiều thời gian và tài chính. Vụ việc này, chú nghĩ các cháu nên chấp hành, bởi họa hoằn lắm quận 10 mới tổ chức cưỡng chế. Đến 23 giờ, mọi người đồng ý chủ trương. Tôi liền điện thoại báo tình hình cho cô Chi (Bí thư Đảng ủy phường 15 lúc đó nay là Trưởng ban Tổ chức Quận ủy quận 10). Cô Chi báo chủ cho thuê mặt bằng và họ đồng ý. Vậy là khỏi cưỡng chế”.

Ông Lâm Đình Chiến, nguyên Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận 10, nay là Chánh Thanh tra TP cho biết: “Không phải một mình ông Bảy Huệ làm dân vận giỏi mà bà Bảy Sinh (bà Đồng Thị Sinh, vợ ông Bảy Huệ) cũng làm dân vận rất khéo. Năm 2002, chúng tôi thực hiện lệnh giải tỏa, cưỡng chế một hộ ở phường 15, quận 10. Đương nhiên, trước đó Đảng ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể đều tổ chức vận động, thuyết phục, nhưng không được. Lực lượng cưỡng chế đang sắp xếp đội hình chuẩn bị ra quân thì bà Bảy Sinh cho biết sau khi thuyết phục lần nữa thì chủ nhà đã đồng ý rồi, khỏi cưỡng chế. Thật quá mừng!”.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục