
Những ngày tìm hiểu thông tin về vụ tiêu cực tại Trường Đại học Quy Nhơn (ĐHQN), chúng tôi được nghe kể nhiều về chuyện thầy Nhiệm “kiện”, một người đã “gõ cửa” 35 cơ quan chức năng các cấp tố cáo tiêu cực gần 16 năm nay. Tên ông là Trần Văn Nhiệm, nguyên là giảng viên, cán bộ giám sát kỹ thuật Ban Quản lý công trình (QLCT) xây dựng Trường ĐHQN.
Tố cáo từ khi tiêu cực “nảy mầm”…

Nhà của thầy Nhiệm nằm sâu trong hẻm tối đường Duy Tân (thành phố Quy Nhơn) nhưng chỉ mới đến đầu đường hỏi chuyện, chúng tôi đã được nhiều người tận tình chỉ dẫn và một sinh viên ở trọ gần đó đưa đến tận nhà.
Chuyện của thầy, trong hẻm, ngoài phố, người ta đều biết cả. Nhiều người còn bảo, cũng vì tố cáo tiêu cực nhiều mà bạn bè đã gán cho ông cái tên Nhiệm “kiện”. Đã qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, kể chuyện về cuộc đời tố cáo tiêu cực của mình, đôi mắt ông buồn sâu lắng.
Bắt đầu về giảng dạy tại Trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn (nay là ĐHQN) từ năm 1979, được Ban giám hiệu phân công kiêm nhiệm công tác tại ban kiến thiết của trường. Năm 1991, thầy Nhiệm được phân công làm cán bộ giám sát công trình xây dựng nhà học trung tâm của ĐHQN và hành trình chống tiêu cực của thầy bắt đầu từ đó.
Khi thi công móng trụ, thầy Nhiệm đã phát hiện bên B thi công hai móng trụ Me5 và Me6 sai vị trí thiết kế. Cuộc họp giữa nhà trường với Viện Quy hoạch khảo sát thiết kế xây dựng (đơn vị thiết kế công trình nhà học trung tâm), đơn vị thi công công trình và đại diện Sở Xây dựng Bình Định đã quyết định đập hai móng trụ nói trên. “Nhưng ông Nguyễn Minh Châu – nguyên Hiệu trưởng, Trần Tín Kiệt – nguyên Phó hiệu trưởng, Trưởng ban QLCT Trường ĐHSP Quy Nhơn không đồng ý, mà còn phê bình tôi sao làm tốn kém cho bên B! Ông Kiệt từng đe dọa cho tôi nghỉ việc…”, thầy Nhiệm nhớ lại.
Năm 1992, tại công trình xây dựng kè chắn đất sân vận động của trường, thầy Nhiệm lại phát hiện bên B đã lập dự toán phát sinh trước khi khởi công xây dựng kè làm tăng 33% giá trị công trình và nâng đơn giá nhân công, đơn giá vật tư, nâng định mức lao động, khai khống khối lượng… Năm ấy, thầy Nhiệm đã tố cáo sự việc lên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy dân chính Đảng và Viện KSND tỉnh Bình Định.
Bị “trù dập” đến cả lúc về hưu
Khi những đơn tố cáo của thầy Nhiệm chưa được giải quyết thì bất ngờ lãnh đạo ĐHQN gửi công văn đề nghị Bộ GD-ĐT cho thầy nghỉ công tác tại Ban QLCT với lý do: “Đồng chí Trần Văn Nhiệm gặp phải khó khăn về sức khỏe và trình độ chuyên môn, ảnh hưởng đến công tác chung của Ban QLCT…”. Mặc dù bộ không đồng ý, lãnh đạo ĐHQN vẫn cho thầy Nhiệm nghỉ công tác Ban QLCT và chuyển ra làm “gác cổng bảo vệ công trình nhà học trung tâm”, dầu rằng việc bảo vệ công trình này đã khoán gọn cho bên B.
Ngay trong năm 1992, ông Hoàng Thái Triển, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Công tác chính trị của trường đã thừa lệnh hiệu trưởng mời thầy Nhiệm đến văn phòng để trao đổi về việc thực hiện Nghị định 43/CP của Chính phủ cho thầy nghỉ hưu! Nhưng thầy không đồng ý. Giọng thầy đượm buồn: “Đã từng là một giảng viên, lại bị người ta bắt đi làm bảo vệ sao chẳng buồn. Những đêm mưa gió ngồi ở công trình, nghĩ đến công việc, vợ con, tôi thật chán nản, tủi nhục đến ê chề!”.
Thầy Nhiệm kể tiếp: Năm 1991, tôi được hội đồng lương nhà trường đề nghị nâng lương nhưng khi lãnh đạo nhà trường làm việc với Bộ GD-ĐT lại không nhất trí nâng lương. Mà năm ấy tôi có vi phạm cái gì đâu, còn được Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định tặng bằng khen.
Năm 1992 tôi cũng được hội đồng lương nhà trường đề nghị bộ nâng lương, nhưng khi nhà trường làm việc với bộ lại nói: “Đồng chí Trần Văn Nhiệm cán bộ Ban quản lý do có liên đới sai phạm kỹ thuật nhà từ 5 tầng xuống còn 4 tầng nên để lại không nâng”. Thực tế tại Trường ĐHSP Quy Nhơn từ 1988 - khi tôi được nâng lương lần trước - đến năm 1992 không hề có công trình nào từ 5 tầng xuống còn 4 tầng.
Giọng thầy Nhiệm càng chua chát hơn: Tôi là người phát hiện các vụ việc tiêu cực, tham nhũng lại bị người vi phạm pháp luật trả thù, trù dập gây thiệt hại tiền lương, chế độ thâm niên giáo dục, bị xúc phạm nhân phẩm danh dự. Còn những người bị tôi tố cáo lại vẫn đang nhởn nhơ, ngày càng thăng quan tiến chức, bây giờ báo chí phanh phui mới thấy sai phạm chất chồng. Vậy mà, mới đây khi đoàn thanh tra của bộ vào, tôi làm đơn khiếu nại, một thanh tra viên còn bảo rằng “Vụ việc của tôi đã hết thời hạn giải quyết”. Bây giờ tôi có cần gì đâu, chỉ cần lấy lại danh dự của một con người làm công tác sư phạm mà thôi.
Ngồi nói chuyện cùng thầy, tôi thống kê được đã có 35 cơ quan chức năng mà thầy Nhiệm “gõ cửa” từ năm 1992 đến năm 2004. Ở đâu, thầy cũng chỉ được trả lời “Chúng tôi đã chuyển đơn của ông đến Bộ GD-ĐT để giải quyết theo thẩm quyền”. Nhưng cho đến bây giờ, thầy vẫn chưa nhận được quyết định giải quyết của bộ về những đơn khiếu nại này.
HOÀNG TRỌNG