Có cần giải tỏa đình Tân Nhơn?

Đình Tân Nhơn (phường Tân Phú, quận 9, TPHCM) là một ngôi đình có lịch sử lâu đời, đã từng được chúa Nguyễn sắc phong từ thời mở cõi và tiếp tục được vua Tự Đức sắc phong năm 1852. Đây cũng là một di tích truyền thống cách mạng trong cả hai cuộc kháng chiến. Tuy nhiên, từ hơn 10 năm nay ngôi đình này vướng vào quy hoạch giải tỏa.

Đình Tân Nhơn (phường Tân Phú, quận 9, TPHCM) là một ngôi đình có lịch sử lâu đời, đã từng được chúa Nguyễn sắc phong từ thời mở cõi và tiếp tục được vua Tự Đức sắc phong năm 1852. Đây cũng là một di tích truyền thống cách mạng trong cả hai cuộc kháng chiến. Tuy nhiên, từ hơn 10 năm nay ngôi đình này vướng vào quy hoạch giải tỏa.

Ông Nguyễn Hồng Nhơn, nguyên Chủ tịch UBND huyện Thủ Đức, cho biết: “Thời kháng chiến chống Pháp, các đình Tân Quý, Đông Yên, Tân Nhơn… nằm trong khu vực cây rừng rậm rạp, liên hoàn cả vùng rộng lớn rất thuận lợi cho bộ đội và du kích địa phương ăn ở, đi lại, hoạt động. Đại đội 10 do ông Đào Sơn Tây chỉ huy đã nhiều lần về đình Tân Nhơn trú quân, làm nhiệm vụ tác chiến, yểm trợ địa phương. Thời kháng chiến chống Mỹ, nhiều cán bộ của Huyện ủy Thủ Đức thường lui tới đình Tân Nhơn và được người dân che chở, tiếp tế”.

Cuối năm 2001 đình Tân Nhơn bị quy hoạch di dời, giải tỏa để thực hiện dự án xây dựng đường vành đai Khu công nghệ cao TPHCM. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 10 năm, tuyến đường này vẫn chưa xây dựng xong và đình Tân Nhơn bị bỏ hoang phế. Ông Lê Thanh Tùng, Ban quý tế đình Tân Nhơn, đưa chúng tôi đến một hồ nước ở cách đình hàng chục mét, chỉ vào các hàng chữ sơn màu đỏ, nói: “Các ký hiệu này do bên quy hoạch ghi lại đã hơn chục năm rồi, là mốc cắm vị trí. Nếu đúng như vậy, phóng con đường sẽ không ảnh hưởng gì đến ngôi đình, sao lại cần phải giải tỏa, di dời đình Tân Nhơn?”.

Trả lời về vấn đề này, tại buổi tiếp xúc gần đây nhất của đại biểu Quốc hội với cử tri quận 9, bà Nguyễn Thị Hồng Liên, Phó Chủ tịch UBND quận 9, cho biết: “Đình Tân Nhơn chưa phải là di tích lịch sử quốc gia và bị giải tỏa do ảnh hưởng công trình đường xuyên Á. Quận đã bố trí khu đất 2.000m2 ở gần đó và đã có bản thiết kế xây dựng lại đình Tân Nhơn tại vị trí mới”.

Tuy nhiên nhiều người dân địa phương vẫn còn băn khoăn, không yên lòng với vị trí đất để di dời xây dựng lại đình Tân Nhơn, vì thụt sâu vào bên trong, có đường vào rộng khoảng 5m, nằm ở phía sau, gần khu nhà vệ sinh của trường học.

Ông Ngô Quang Tiên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến phường Tân Phú, quận 9, góp ý: “Xưa nay, theo tín ngưỡng dân gian, ông cha ta rất thận trọng trong việc chọn thế đất để xây dựng đình làng. Đình Tân Nhơn đã hiến khá nhiều đất khuôn viên đình để xây dựng công trình phúc lợi. Phần diện tích đất còn lại có ngôi đình dù không còn rộng như trước nhưng không cần phải di dời. Nên trùng tu, gia cố lại ngôi đình”. Đây không chỉ là nguyện vọng của riêng ông Tiên mà là nguyện vọng của nhiều người dân tại địa phương có bề dày truyền thống cách mạng này.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục