Cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

Mặc dù trọng tài thương mại là phương thức được nhiều doanh nghiệp trên thế giới lựa chọn, thế nhưng ở Việt Nam, hình thức này đã nảy sinh rủi ro cho doanh nghiệp. Câu chuyện sau đây là ví dụ.

Công ty TNHH Xây dựng Tiến Thịnh (nguyên đơn) chọn Trung tâm Trọng tài thương mại TPHCM để giải quyết tranh chấp với bên bị đơn là Công ty TNHH Công nghệ môi trường Nông Lâm.

Dựa trên quy định: “Nếu các bên không thương lượng được đơn vị trọng tài, thì quyền lựa chọn trọng tài thuộc về nguyên đơn”.

Nguyên đơn cho rằng, mình đã gửi văn bản đề nghị bên bị đơn đàm phán lựa chọn trọng tài, nhưng hết thời hạn mà Công ty TNHH Công nghệ môi trường Nông Lâm không trả lời, nên có quyền chọn trọng tài.

Vấn đề là sau khi có phán quyết của Hội đồng Trọng tài (thuộc Trung tâm Trọng tài thương mại TPHCM), phía bị đơn không đồng ý và hai bên đưa nhau ra tòa.

Mới đây, Tòa án nhân dân TPHCM tuyên hủy phán quyết trọng tài của hội đồng trọng tài (mà không có sự tham dự của trung tâm này), đã đặt ra nhiều thắc mắc.

Một là hủy phán quyết của hội đồng trọng tài, nhưng phiên xử đó lại không có sự tham dự của họ thì liệu tòa án có lắng nghe đầy đủ các bên để phán xét khách quan? Về phía doanh nghiệp, khi yêu cầu trung tâm trọng tài giải quyết, họ đã nộp hàng trăm triệu đồng lệ phí, giờ phán quyết bị hủy thì bị mất tiền oan?

Qua đây, cũng cho thấy nhiều vấn đề mới luật chưa đề cập rõ trong hoạt động giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài. Luật không quy định thời hạn để hai bên thương lượng là bao lâu; cũng như không quy định thế nào là “nguyên đơn”…

Nếu cả 2 bên đều tranh chấp mà không thỏa thuận được việc lựa chọn trọng tài thì bên nào cũng nộp đơn, cũng thành nguyên đơn. Như thế, mỗi bên đều có quyền chọn trọng tài, mà hai đơn vị trọng tài khác nhau thì sẽ thế nào?

Vậy cơ chế nào để đảm bảo hoạt động của cơ quan trọng tài? Nếu không hoàn thiện các quy định, e rằng mô hình trọng tài thương mại ở nước ta sẽ không hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục