Truyện ngắn

Cô chủ quán và...

Cô chủ quán và...

Trong một con hẻm mà dân xóm thường gọi đùa là Hẻm ông già. Nơi đây có một quán cà phê ọp ẹp nửa mái hiên nửa lấn hẻm, đối diện với ngôi chùa nhỏ khá tịnh yên nên các ông già ưa chuộng chọn làm nơi gặp gỡ.

Cô chủ quán và... ảnh 1

Ngồi đồng sớm nhất thường là ông già “biến đổi tâm hình”. Sớm hơn sáu giờ sáng ông đã lò dò ra quán. Đôi khi còn phụ cô chủ quán không chồng đốt lò, nấu nước, rồi tự pha luôn ly cà phê phin đen cho chính mình.

Hễ nhìn thấy ông, cô chủ quán liền mau miệng hỏi: “Bữa nay ông Bảy... là ai vậy?”. “Người Dơi”, ông già đáp. Cô hàng cà phê hỏi tiếp: “Trong phim Người Dơi đánh tên Băng Giá tàn ác phải không?”. “Ừ, tên đó muốn hủy hoại thế giới”.

Ông già trả lời thiệt bụng, không hề có chút làm bộ hay làm ra vẻ khôi hài. Mỗi ngày ông đều thấy mình đang là hiện thân của một nhân vật nào đó. Những nhân vật lịch sử trong sâu thẳm thời gian, hoặc là những nhân vật kỳ ảo trong hư cấu nghệ thuật.

Ngày ngày cô chủ quán tò mò không ngớt thú vị khi nghe ông tự xưng: “Đang là Quan Vân Trường đơn đao phó hội, phù nhị tẩu, quá ngã ải trảm lục tướng”; hoặc: “Đang là Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, là Phù Đổng Thiên Vương dẹp giặc Ân, là Đinh Bộ Lĩnh xóa bỏ nạn thập nhị sứ quân”. Cũng có đôi khi ông chợt thấy mình là một dòng sông, một quả núi, một cây đa đầu làng. Có lúc lại là King Kong đại náo thành phố.

Cũng thường khi, nhà trong hẻm có người trong gia đình cắn đắn nhau. Ông đi ngang nghe tiếng đôi co, chì chiết, dừng lại bảo: “Tề Thiên đại thánh đây, phá nhà trời, bị đè năm trăm năm dưới Ngũ Hành sơn vừa thoát ra, đi ngang hẻm đây. theo ta đi dẹp loài yêu quái. Cứ gây gổ hoài nó nát vụn đời người ra”. Người trong nhà nọ vụt phá ra cười.

Té ra ông già “biến đổi tâm hình” cũng có một điều gì đó giúp người trong hẻm, dẫu cho chỉ trong khoảnh khắc, thoát khỏi những bẩn chật đời thường. Cô chủ quán mỉm cười thầm nhận xét.

Cũng chẳng mấy chốc quán nhỏ lại đón một nhân vật nữa. Đó là ông già mù từ một ngách hẻm tối quơ gậy dò đường đi ra. Mũi ngửi mùi cà phê thơm trong không khí, ông biết đã tới quán, liền khua đầu gậy vào bộ bàn ghế nhựa tìm chỗ, hỏi: “Có ai... tọa đây không?”. Ông già “biến đổi tâm hình” thủng thẳng đáp: “Người Nhện”.

Cô chủ quán bưng ly cà phê đen còn nóng hôi hổi ra bàn, vui vẻ hỏi: “Bữa nay chú Sáu có bài vè nào mới không?”. Ông già mù đáp: “Có chớ. Tối qua mới nhờ thằng Ba Xỉn thu băng cát xét bài mới”.

Ông “Người Nhện” hỏi: “Sao ông phải nhờ thằng say xỉn quắc cần câu đó thu tiếng hoài vậy?”. Ông già mù đáp: “Thì tại nó biết sử dụng máy cát xét thu tiếng. Lại cái nữa lai rai vô chừng một xị giọng lè nhè trở nên tình tứ lắm, ướt át dễ thấm vào lòng người. Nghe bắt lỗ nhĩ lắm. Có điều phải canh chừng, hễ hết mồi cạn rượu nhớ châm liền. Không có, nó câm như hến”.

Cô chủ quán quan tâm tiếp lời: “Bài mới chế của ông sao? Cho con nghe với”. Ông già mù liền đằng hắng rồi cất giọng... rè rè: “Đoạn mở đầu nè nghe!... Ở đời tốt nhiều xấu ít. Cho nên đời mới vuông tròn. Có lúc xấu thường chẳng thuận hòa. Trở mặt hại nhau giành giật. Lợi quyền tới lúc xuội lơ. Ở đời tốt nhiều xấu ít”.

Cô chủ quán vỗ tay khen: “Ông Sáu vè hay quá. Kể tay làm hàm nhai phải đóng thuế như con càng thấy mình có giá”.

“Ừ. Nếu cuộc đời không tốt nhiều xấu ít còn ai sống nổi”. Gật gù, “Người Nhện” nhận xét.

Người thung dung tiếp theo đến quán là ông già “Bốn phương”. Tuy ở tuổi bảy mươi nhưng ông luôn chăm chút dáng vẻ bên ngoài thật phong độ, áo quần râu tóc lúc nào cũng được giữ gìn thẳng nếp, đường ngôi rẽ đẹp, hàng ria tỉa tót sắc lẻm, ngôn phong bóng bẩy, cử chỉ điệu đàng.

Buổi sáng sớm ông già “Bốn phương” đóng bộ đồ thể thao áo thun, quần soọc, giày vớ trắng tinh, vai mang xề xệ túi vợt cầu lông. Mũ lưỡi trai đội hất ngược trên trán, ông tiến bước “quân hành” hùng dũng ra công viên.

Ra đến góc công viên, ông ngồi thở dốc nơi chiếc băng đá, chờ thời gian buổi tập trôi qua, cũng vừa đủ để lấy lại sức. Và rồi ông “mạnh mẽ” quay về quán cà phê ọp ẹp đối diện ngôi chùa tịnh yên.

Vấn đề canh cánh trong lòng của ông già “Bốn phương” là tìm được một người đàn bà mà theo như lời ông là: “Để ru khúc tình cuối”. Thế nhưng, việc gì khi ra sức tìm mới thấy khó sao là khó! Thoạt đầu ông nhờ vài người mai mối cho. Sau đó ông tự tìm trong các mục “Tìm bạn bốn phương”. Khổ nỗi, chưa thấy có “phương” nào lọt vào “cửa tuổi... thất thập” của ông. Thế nhưng ông cần mẫn viết thư tình. Càng viết ông càng hăng, như càng trẻ lại vì dạt dào mộng mơ, lãng mạn. Ông tin điều kỳ diệu sẽ xảy đến. Rất đẹp và có hậu kiểu như “Lọ Lem và ba hạt dẻ”.

Lậm viết đến nỗi, phần nào đó có thể nói là suýt nữa ông trở thành nhà văn chuyên viết thư tình. Còn cô chủ quán tò mò, luôn là độc giả đầu tiên các “tác phẩm” tình tứ ấy cũng suýt... phải lòng ông già “Bốn phương”. Cô thở dài bảo: “Dẫu gì trái tim ổng vẫn tràn trề nhựa sống”.

Còn ông già người Tàu thường đến quán với cây gậy có ngoéo cầm tay bóng lưỡng, vắt chỗ ngoéo lủng lẳng bên vai. Ông chỉ dùng cây gậy lúc băng ngang đường phố đông xe cộ ngược xuôi, giơ lên cao để gây sự chú ý và kêu to: “Ế ế! Cho ngộ qua lường!. Ông lại nói: “Cây gậy là người pạn nhỏ, biết giúp đỡ mà chẳng hề có ý kiến ý cò gì hết. Dễ chịu lắm”.

Lúc đến cũng như lúc ba lần bảy lượt dợm đi, nhưng lại ham dây dưa nói chuyện với ai đó, ông già Tàu thường đập đầu gậy liên tục xuống đất, gần chân người đối thoại để làm rõ ý mình.

Cô chủ quán bưng ra cho ông già Tàu một bình trà nóng. Ông không uống được đá lạnh vì sợ đau nhức, không dùng cà phê do sợ bón. Nói chung, ông ăn uống kỹ càng để phòng bệnh.

Uống vài hớp trà, ông già Tàu cười hề hề khoe: “Ở phường sắp làm lễ mừng thọ cho ngộ với pà xã. Ngộ mới tám mươi. Còn trẻ hơn pà xã hai tuổi”.

Ông già Tàu chạy sang Việt Nam sinh sống từ lúc mới mười hai tuổi. Nghe ông kể vậy, cô chủ quán hỏi tại sao. Ông cười đáp: “Tại ngộ làm chuyện đại sự”. “Chuyện gì mà đại sự?”. “Hà... ngộ theo một nhóm “Diệt Thanh phục Minh”. “Ông làm chúa đảng hả?”. Ông già Tàu cười khà khà, chân thành: “Đâu có... Ngộ nấu nước trà, quét nhà... Nhưng tại cũng có cái lý tưởng, cái chí pự nên lúc gặp nạn cũng thành có tội luôn. Tam thập lục kế tẩu đào vi thượng. Ngộ chạy pán sống pán chết sang Việt Nam làm bồi bàn, sửa đồng hồ làm kế sinh nhai. Hề... thấm thoát đã tám mươi tuổi! Lại ăn thọ với bà con nước Việt”.

Vào gần cuối mùa nắng, cô chủ quán không may bị tai nạn giao thông phải băng bột trắng toát một chân. Phải nói cho đến lúc này, mấy ông già mới nhận ra cô chủ sở hữu một cặp giò dài rất đáng... để ý.

Khi nhìn gần, họ đều nhận thấy cô chủ quán tuy không đẹp nhưng là một người nữ đầy đặn, dồi dào sức sống, biết cảm thông, yêu thương. Đồng thời mấy ông già cũng chợt nhận ra từ lâu họ đều được an ủi bởi những phẩm chất đó. Và kẻ ít, hoặc người nhiều hơn chút xíu, các đấng cao niên này đều ngấm ngầm phải lòng cô chủ quán ế muộn đường chồng con.

Chẳng ai bảo ai, mấy ông già hè nhau đỡ đần công việc của quán nhỏ. Từ sáng sớm đến năm giờ chiều, quán chỉ bán vài đợt khách khá đông rồi thôi. Vì vậy nên mấy ông già cũng... vừa đủ sức qua cầu.

Các ông quay chung quanh cô. Ông “biến hình” mượn được chiếc xe lăn để cô chủ quán ngồi lăn tới lăn lui cho tiện. Về phần giải trí dành cho cô, ông già mù ngâm nga các bài vè mới chế; ông già “Bốn phương” say sưa đọc thư tình... hư cấu; còn ông già Tàu kể truyện Tam quốc diễn nghĩa, kèm theo kiểu bình luận dựa vào kiếp sống lang bạt non một thế kỷ của chính ông.

Đến năm giờ chiều, bà mẹ cô chủ quán bày bán vài thứ khô nướng và dăm thứ rượu rắn, tắc kè, bìm bịp cho đám khách quen mặt, nhậu sương sương ấm cõi lòng.

Bấy giờ, bốn ông già mới để ý thấy xuất hiện thêm ông già thứ năm, làm thợ hồ. Tuy hai bàn tay thô ráp, mặt dãi dầu mưa nắng, nhưng dáng vẻ ông nâng chung rượu khề khà trông thật điềm đạm và phô bày nét nhã hứng thanh tao hiếm thấy ở nơi hẻm nghèo thường xô bồ xô bộn.

Cũng vào dịp này, cô chủ quán vừa khổ sở vì cái chân bó bột ngứa rần rần, vừa mơ hồ nhận ra mấy ông già có cảm tình riêng với mình. Cô thầm lặng mỉm cười, cảm thấy ấm áp tình người.

Và khi những cơn mưa đầu mùa rối rít ào đến, ít hoặc nhiều những hạt mưa long lanh ấy đều ảnh hưởng đến các ông già quán nhỏ.

Ông già mù phải bọc quanh người mảnh ni lông, đứng núp dưới mái hiên góc chợ mở máy cát xét phát ra các bài vè thương cảm, răn đời để ăn xin. Tuy nhiên vẫn như mọi khi, ông già mù chỉ xin của bá tánh đủ mớ tiền lẻ ăn ba bữa cơm đạm bạc rồi cúp máy, quơ gậy trở về quán nhỏ. Số tiền nếu có dư vài đồng, ông bỏ vào khe đít con heo đất dành dụm dùng vào việc khác.

Ông già “biến hình” chợt thấy mình là “Người Cá”, để dễ thích nghi với mùa nước trời rơi rơi tầm tã.

Không thể ra công viên với túi vợt chơi cầu lông, ngồi thu lu trên băng ghế đá ướt lạnh, ông già “Bốn phương” ở tại quán chế tác thư tình huyễn hoặc, đọc cho cô chủ quán nghe.

Cô chủ quán ước gì những lá thư tình đó thật sự gửi cho mình, và người viết là một chàng đồng vai phải lứa.

Ông già thợ hồ chợt lọt vào đôi mắt hơi bị sớm kèm nhèm của mẹ cô chủ quán. Bà khen: “Người đâu mà trầm lặng, chỉ hay mỉm cười. Thương cái nước nhậu điềm đạm, thanh tao”.

Tuy nhiên dưới bầu trời xám trĩu nặng những cơn mưa, một chuyện buồn lại đến với ông già Tàu. Đó là người đàn bà cùng chung đầu ấp tay gối với ông bao nhiêu năm qua bỗng lăn ra… chết.

Đám tang đơn sơ có sự đóng góp của bà con trong phường, tổ mai táng từ thiện, các ông già và cô chủ quán.

Hôm đưa tang, ông già “Người Cá” dìu ông già mù đi sau xe tang. Ông già “Bốn phương” đẩy chiếc xe lăn đưa cô chủ quán đi bên cạnh ông già Tàu lang bạt.

Còn một cặp mới là ông già thợ hồ và mẹ cô chủ quán cũng cùng bước.

Ngọn lửa lò thiêu đưa người quá cố vào cõi vĩnh hằng, đồng thời cũng tỏa ra làn hơi ấm cố kết nhóm các ông già và cô chủ quán bền chặt hơn.

Bà vợ qua đời, trong lòng ông già Tàu bỗng cồn lên một nỗi nhớ quê hương. Thế nhưng ông than thở: “Ngộ không có tiền đi xe lửa về Trung Quốc để thấy lại quê hương lần cuối, rồi trở lại Việt Nam theo trời theo Phật, theo pà xã”… Nhưng cái giấc mơ xa quá là xa!”.

Cô chủ quán và các ông già nghe vậy lấy làm xót xa, nên bàn nhau kẻ ít người nhiều góp tiền mua vé tàu xe giúp người lữ khách hồi cố hương.

Ngày tiễn ông già Tàu lên xe lửa có đủ mặt mọi người. Ai cũng đều phát nhớ và mong có ngày lại nhìn thấy ông quơ gậy, kêu to lúc băng qua đường dày đặc xe cộ ngược xuôi.

Một hôm, ông già “biến hình” chợt thấy mình hóa thành Lão Tử cưỡi trâu xanh đi về phía dãy núi mù mây trắng xóa. Ông giật mình kinh thán: “Có phải là điềm báo sắp tới lúc… đi xa?!”.

Nghe tin đồng bào bị chìm trong nước lũ mênh mông, già mù đập con heo đất góp tiền cứu trợ. Ông nói với cô chủ quán: “Của bá tánh góp về cho bá tánh”.

Qua cơn hoạn nạn lũ lụt, mùa mưa lặng bặt, lòng người trở nên rạo rực vì hương vị ngày tết đang đến gần.

Và quán nhỏ chợt có một bữa tiệc đặc biệt, tuyên bố ông già thợ hồ và mẹ cô chủ quán cùng gắn bó nhau trong “tình khúc cuối cùng”.

Ông già Tàu cũng đã trở lại quán nhỏ, nâng ly mừng mối… duyên già.

Nói chung các ông già đều vui. Chỉ có ông già “Bốn phương” chợt bàng hoàng vì đã quá muộn khi nhận ra: Chính bà mẹ cô chủ quán mới là người ông phải gửi thư tình.
Ông than thở với cô chủ quán: “Đúng là đứng núi này trông núi nọ. Người gần không mộng… lại mơ người xa… xa vời vợi!…”.

Rồi cũng đến lúc tháo cái của nợ bằng bột trắng khỏi chân và giã từ chiếc xe lăn, buổi sớm cô chủ quán lại thanh thản đốt bếp lò, bắc lên ấm nước đầu ngày.

Mỉm cười, cô không nghĩ về mình, mà về các ông già thân thương: “Tưởng mấy nhánh sông cuối đời biếng lười... Vậy mà vẫn chảy xôn xao!”.

Võ Phi Hùng

Tin cùng chuyên mục