Như SGGP đã thông tin, công trình Bệnh viện Đa khoa Cà Mau xây đã 6 năm nhưng chưa đâu vào đâu; toàn bộ công trình gần như hoang phế, cỏ dại um tùm, gây dư luận búc xúc (SGGP ngày 14-8-2006). Để làm rõ những thông tin xung quanh công trình này, PV Báo SGGP đã trao đổi với các cơ quan chức năng ở Cà Mau.
° Thưa ông, vì sao một công trình xây dựng lớn và có ý nghĩa thiết thực đến vậy lại thi công ì ạch, trở nên hoang phế? Nguyên nhân do đâu và trách nhiệm này thuộc về ai?
°Ông NGUYỄN VIỆT HÙNG, Giám đốc Sở Xây dựng Cà Mau, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Bệnh viện đa khoa Cà Mau: Công trình Bệnh viện Đa khoa Cà Mau (BVĐKCM) khởi công từ tháng 12-2000 trên diện tích 6ha, tọa lạc tại khóm 6 phường 6 (thành phố Cà Mau) với quy mô 3 tầng, 500 giường bệnh, tổng vốn đầu tư vào thời điểm đó là 64,5 tỷ đồng, do Sở Y tế làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng vào cuối năm 2003.
Ngay bản thân tôi cũng rất bất ngờ khi UBND tỉnh Cà Mau (thời điểm đó) giao cho Sở Y tế làm chủ đầu tư, vì Sở Y tế là một cơ quan không có chuyên môn về xây dựng. Thêm vào đó, do tâm lý tỉnh nghèo, các đồng chí lãnh đạo tỉnh lúc đó có ý cắt bớt cho dự án nhỏ lại. Khi triển khai thi công, công trình đã bộc lộ những bất cập ngay từ khâu phê duyệt dự án, thiết kế; hầu hết các hạng mục công trình không đồng bộ và chưa phù hợp yêu cầu sử dụng. Việc bố trí các phòng chức năng cũng như công năng sử dụng hệ thống điện, nước, phòng cháy, chữa cháy, báo cháy tự động, liên lạc nội bộ, chuông gọi bác sĩ trực, hệ thống truyền thanh, mạng vi tính vừa thiếu, vừa bất tiện và quá lạc hậu…
Trước tình trạng xây dựng như vậy, UBND tỉnh Cà Mau đã nhiều lần chỉ đạo các sở, ngành có liên quan tập trung giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công, nhưng lại bộc lộ sự chồng chéo giữa cái mới và cái cũ; các đơn vị thi công bỏ công trường hơn 2 năm nay; các đồng chí lãnh đạo UBND thời điểm đó đã nghỉ hưu nên có nhiều vấn đề thật sự là rối rắm mà chúng tôi chưa biết gỡ ở đâu. Ngay cả Ban Chỉ đạo dự án cũng đã thay đổi nhiều lần và tôi chỉ mới tiếp nhận công việc này từ tháng 5-2006.
°Thưa ông, trước tình trạng công trình BVĐKCM xuống cấp, hư hỏng và hoang phế như vậy, UBND tỉnh Cà Mau đã có biện pháp gì để khắc phục?
°Ông DƯƠNG TIẾN DŨNG, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: Không phải ngay từ bây giờ, mà cách đây vài năm, khi có dư luận về công trình BVĐKCM, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành phối hợp tìm biện pháp tháo gỡ, nhưng không hiệu quả do các thủ tục thiết kế, đấu thầu… hết sức rắc rối. Công tác thiết kế - khi tiến hành thi công đã bộc lộ nhiều yếu kém và thiếu sót, đơn vị thiết kế lại ở Hà Nội (thuộc Bộ Xây dựng) nên việc điều chỉnh… gặp nhiều khó khăn. Tôi muốn nói thêm không riêng gì BVĐK Cà Mau, mà BVĐK Long An, Vĩnh Long cũng trong tình trạng này.
Để khắc phục tình hình, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo đã thay đổi chủ đầu tư công trình (chuyển từ Sở Y tế sang Ban Quản lý các công trình văn – hóa xã hội của tỉnh), thay đổi Ban chỉ đạo (từ Sở Kế hoạch Đầu tư sang Sở xây dựng). Tinh thần chung hiện nay là toàn bộ những gì đã xây dựng trước đây được tách riêng ra; xem xét lại thiết kế và điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện hiện tại. Đối với những nhà thầu cũ, đơn vị nào có khả năng, làm ăn đàng hoàng, chúng tôi cho tiếp tục thi công công trình, đơn vị nào có dấu hiệu làm ăn gian dối, UBND tỉnh sẽ đình chỉ thi công.
°Thưa ông, dư luận cho rằng các đơn vị thi công, tư vấn giám sát công trình… đã thanh toán khống khối lượng công trình. Theo ông, có hay không dấu hiệu công trình bị “rút ruột”?
°Ông DƯƠNG TIẾN DŨNG: Có thể nói công trình BVĐK Cà Mau đã có dấu hiệu tiêu cực. Để làm rõ vấn đề này, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra, tiến hành thanh tra toàn bộ khối lượng và các hạng mục công trình đã xây dựng thời điểm trước để làm rõ. Tuy nhiên, để có thể khẳng định việc này, còn phải chờ kết luận của đoàn thanh tra. Quan điểm của UBND tỉnh Cà Mau là tập trung làm rõ mọi vấn đề liên quan đến công trình, nhanh chóng đưa công trình vào sử dụng để đáp ứng nhu cầu chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh.
Khởi động lại công trình BV Đa khoa Cà Mau |
MINH TRƯỜNG – ĐẤT MŨI