Cô dâu Việt ở Đài Loan: Ấm áp mái nhà chung

Theo số liệu từ Cơ quan Di dân Đài Loan, hiện có khoảng 200.000 người Việt đang sinh sống trên khắp lãnh thổ Đài Loan, trong đó có nhiều phụ nữ nhập cư theo dạng kết hôn. Chính quyền Đài Loan đã và đang làm gì để hỗ trợ họ?
Cô dâu Việt ở Đài Loan: Ấm áp mái nhà chung

Theo số liệu từ Cơ quan Di dân Đài Loan, hiện có khoảng 200.000 người Việt đang sinh sống trên khắp lãnh thổ Đài Loan, trong đó có nhiều phụ nữ nhập cư theo dạng kết hôn. Chính quyền Đài Loan đã và đang làm gì để hỗ trợ họ?

Khuyến khích tham gia đóng góp

Trong chuyến đến Đài Loan vừa qua, tôi và các đồng nghiệp ở Đông Nam Á đã có dịp đến Hội quán di dân mới khu Vạn Hoa ở TP Đài Bắc. Được thành lập từ năm 2005, hội quán có cơ sở khang trang với các phòng phục vụ cho hoạt động học tập của di dân mới, bao gồm lao động nhập cư, các cô dâu và người nhà của họ đến từ các nước Đông Nam Á như phòng học nấu ăn, học vi tính, phòng tư vấn, phòng học tổng họp, phòng đọc sách, phòng phục vụ cho nhu cầu giải trí như học nhảy, học hát. Điều đặc biệt là tham gia các khóa học ở đây đều được miễn phí. Những bà mẹ có con nhỏ không thể thu xếp được chuyện trông con thì đã có sự trợ giúp của nhân viên tại hội quán. Các em nhỏ sẽ được vui chơi tại một phòng thiết kế riêng cho trẻ và luôn có sự giám sát của bảo mẫu.

Kệ báo tại Hội quán di dân mới khu Vạn Hoa

Ở tầng trệt hội quán có sẵn các kệ báo để phục vụ cho nhu cầu đọc báo của các di dân với nhiều đầu báo, trong đó có những tờ báo tiếng Việt. Trước đây, kinh phí hoạt động của hội quán là từ Cơ quan Dân chính nhưng thời gian gần đây, kinh phí này do chính quyền khu Vạn Hoa chi trả. Cô Hứa, một chuyên viên từ Cơ quan Dân chính, cho biết hội quán được thành lập nhằm giải quyết những vấn đề của di dân mới tại Đài Bắc và những vùng lân cận, chính quyền Đài Loan mong muốn những di dân mới sẽ là công dân đóng góp tích cực cho xã hội, giảm thiểu những khoảng cách về ngôn ngữ và văn hóa. Sau Hội quán di dân mới ở khu Vạn Hoa, vào năm 2006, một trung tâm mới mang tên Hội quán di dân mới ở khu Nam Cảng cũng được thành lập để khuyến khích sự tham gia của các di dân ở khu vực này. Tính riêng tại Đài Bắc, ngoài 2 hội quán trên còn có 5 trung tâm và đơn vị hỗ trợ phụ nữ cùng gia đình di dân mới cũng như cộng đồng di dân mới tại các khu vực phía Đông, Tây, Nam và Bắc của thành phố.

Người hướng dẫn tôi tham quan Hội quán di dân mới khu Vạn Hoa là Thanh Vân - một cô dâu Việt đến Đài Loan đã hơn 4 năm. Vui vẻ và nhiệt tình, Vân giới thiệu qua những hoạt động thường ngày tại hội quán. Cơ duyên đến sống tại Đài Loan, vốn nằm ngoài dự tính của Vân. Tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Trung tại Trường Đại học Mở TPHCM, Thanh Vân làm phiên dịch và gặp người chồng hiện tại. Vân theo chồng về Đài Loan sinh sống và hiện vợ chồng đã có một bé trai kháu khỉnh. Sợ vợ ở nhà buồn và cũng muốn vợ tham gia hoạt động xã hội, chồng Vân khuyến khích cô tham gia hội quán di dân mới. Ban đầu, Vân chỉ đến học nhảy tại hội quán nhưng sau đó, cô đăng ký học và thi làm thông dịch viên. Vân giải thích đơn giản: “Tôi sang đây một mình, ngoài chồng ra thì  không quen biết ai nên rất muốn gặp gỡ những đồng hương người Việt. Các chị em người Việt vẫn coi hội quán này là mái nhà chung của mình. Ở đây, mọi người có thể chia sẻ những chuyện vui buồn, có món ăn ngon gì cũng đem tặng nhau. Từ khi gắn bó với hội quán, tôi cảm thấy cuộc sống của mình ở nơi xa xứ có ý nghĩa hơn”. Mức lương ở đây là 200 Đài tệ (150.000 đồng)/giờ. Để được trở thành thông dịch viên tại Hội quán di dân mới Vạn Hoa, Thanh Vân phải tham gia khóa học 36 giờ và vượt qua kỳ thi cuối khóa với số điểm 80. Thanh Vân chỉ trực ở hội quán một ngày trong tuần. Ngoài công việc ở đây, Vân còn cộng tác với một đơn vị hỗ trợ gia đình di dân mới ở thành phố Đào Viên và nhận thêm tài liệu về dịch tại nhà, do không có nhiều thời gian vì còn con nhỏ. Vân cho biết, có 7 người Việt Nam đang làm việc tại 2 hội quán ở khu Vạn Hoa và Nam Cảng. Công việc của Vân và mọi người hàng ngày là tiếp nhận những cuộc gọi đến để hướng dẫn các đồng hương người Việt tham gia các khóa học, cách liên hệ với các đơn vị sẵn sàng hỗ trợ di dân mới như cơ quan giáo dục, y tế, lao động… Đối với những cô dâu nước ngoài có thu nhập thấp, cơ quan xã hội sẽ trợ giúp khoản tiền hỗ trợ, cơ quan phụ trách lao động giúp họ tìm việc làm, cơ quan phụ trách y tế đảm nhiệm việc chăm sóc sức khỏe, còn cơ quan phụ trách giáo dục sẽ trợ giúp họ và con cái trong việc học tập.

Sổ tay hướng dẫn di dân mới tại Đài Bắc

Vân kể: “Những ngày làm việc tại hội quán, tôi cũng gặp không ít những trường hợp khó xử. Đó là những cuộc điện thoại yêu cầu hỗ trợ từ những lao động bỏ trốn. Là đồng hương với nhau, tôi chỉ biết khuyên họ ra trình báo và không hành động sai luật Đài Loan”. Khi tôi hỏi Vân thời gian đầu sang đây gặp khó khăn gì? Vân trả lời: “Cũng có một chút ít, xuất phát từ vài ánh mắt nhìn chưa có thiện cảm với cô dâu Việt. Nhưng dần dần, họ thân thiện hơn khi biết rằng tôi sang Đài Loan không phải để mong cuộc sống giàu sang. Sở dĩ người dân bản địa chưa có cái nhìn thiện cảm, một phần vì giới truyền thông đưa nhiều thông tin không đầy đủ về cô dâu Việt lấy chồng Đài Loan. Đa số các cô gái Việt Nam lấy chồng Đài Loan có trình độ văn hóa thấp, ngoại ngữ hạn chế; không thạo tiếng địa phương; không hiểu rõ về lối sống, phong tục tập quán, chính sách pháp luật của Đài Loan trước khi sang nên các cô rất khó hòa nhập vào đời sống cộng đồng. Cá biệt, một số cô gái Việt Nam lấy chồng lớn tuổi, chênh lệch tuổi tác quá lớn nên giữa 2 vợ chồng dẫn tới việc rất khó có sự hòa hợp, đồng cảm; từ đó dẫn đến mâu thuẫn và những cái kết buồn.

Tạo điều kiện hòa nhập

Chỉ tính riêng khu vực Đông Nam Á, cô dâu Việt đã nằm trong tốp đầu tại Đài Loan. Trong những năm gần đây, chính quyền Đài Loan đã đẩy mạnh chính sách hỗ trợ người nhập cư nhằm tạo điều kiện để họ hòa nhập tốt hơn vào cộng đồng người bản xứ. Với sự khuyến khích này, ngày càng nhiều cô dâu Việt nỗ lực tìm kiếm việc làm để vừa cải thiện giao tiếp vừa có thu nhập, góp phần xóa bỏ kỳ thị. Tại Đài Bắc đã có những nhà hàng do cô dâu Việt làm chủ. Mới đây, một quán ăn Việt Nam do một cô dâu Việt tên Oanh Trân xuất hiện trong mục Nhịp sống Đài Loan của Đài phát thanh quốc tế Đài Loan. Oanh Trân khá nổi tiếng trong cộng đồng người Việt tại đây. Cô từng là biên tập viên của báo Bốn Phương, MC của chương trình Tiếng hát bốn phương tại Đài Loan và cũng là cô giáo dạy tiếng Việt. Giờ đây, Trân thử sức trong lĩnh vực mới là làm chủ quán ăn Việt Nam. Với sự giao thiệp rộng rãi, cộng thêm việc bài trí không gian ấm cúng, quán ăn của Trân đã thu hút nhiều thực khách đến thưởng thức món ăn Việt do tự tay cô chủ chế biến. “Món đặc sản của quán là bánh khọt, cũng là món đặc sản của Vũng Tàu quê em”, Oanh Trân chia sẻ. Trân hào hứng khoe với tôi về cuốn sách dạy nấu ăn đầu tay của cô sắp được xuất bản vào tháng 8 năm sau. Đây sẽ là cuốn sách hướng dẫn nấu món ăn Việt đầu tiên ra mắt độc giả Đài Loan.

Chị Vi, một cô dâu Việt đã sống tại Đài Loan hơn 10 năm và hiện đang mở một nhà hàng tại Đài Bắc, cho biết: “Với sự nỗ lực của mỗi cô dâu Việt, sự bao bọc lẫn nhau trong cộng đồng cô dâu Việt ở Đài Loan và sự hỗ trợ ngày càng nhiều của chính quyền Đài Loan, cuộc sống của các cô dâu Việt đã dễ chịu hơn trước. Các cô được tôn trọng hơn, con cái cũng không còn bị kỳ thị ở trường học...”. Theo chị Vi, điều quan trọng nhất là các cô dâu Việt phải hòa nhập được với xã hội sở tại. Bản thân các cô cũng nên chịu học hỏi và “sống ở đâu cũng vậy, cứ thật thà, chịu thương chịu khó thì sẽ được gia đình chồng yêu quý”.

Hiện nay, cơ quan lao động, cơ quan di dân, đội phục vụ ở các địa phương Đài Loan đã có những chương trình hỗ trợ, xử lý các vấn đề về mâu thuẫn gia đình; họ cung cấp những số điện thoại để có sự can thiệp kịp thời. Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cũng đề xuất những chương trình, như tái tạo việc làm, dạy nghề cho các cô dâu Việt, khuyến khích họ mở những quán ăn Việt Nam… Để phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu thêm thông tin về xã hội Đài Loan, nhiều tờ báo xuất bản bằng tiếng Việt đã ra đời, bên cạnh đó là những chương trình phát thanh, truyền hình thu hút sự quan tâm theo dõi của cộng đồng di dân Việt Nam. Vào năm 2015, Đài phát thanh Đài Bắc kết hợp với cơ quan lao động chính quyền Đài Bắc phát sóng chương trình Hello Taipel, giới thiệu các thông tin liên quan bằng tiếng Indonesia, Thái, Philippines và tiếng Việt vào mỗi thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, từ 21 giờ đến 23 giờ trên sóng FM và AM.

 Đầu năm nay, Cơ quan Nội chính tại Đài Loan ra mắt trang thông tin dành riêng cho di dân mới, đăng tải rất nhiều thông tin gồm: Hỗ trợ thích nghi cuộc sống, giáo dục, việc làm, đào tạo nghề nghiệp, y tế, tuyên truyền pháp luật... với 7 thứ tiếng: Hoa, Anh, Việt, Thái, Indonesia, Myanmar và Campuchia.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục