
Đề tài không mới, đó là chuyện của ngàn năm chống chọi giữa cái thiện và cái ác. Nhưng chuyện cũng không bao giờ cũ vì nó dường như đang là câu chuyện thời sự nóng bỏng nhất mà nhân loại đang hứng chịu hiện nay…

Cảnh “Nhân dân bị áp bức” trong vở diễn.
Nhưng cái mới nhất của “Huyền thoại cuộc sống” chính là cách thể hiện, là sự thể hiện mình của chính tác giả, là điều mà anh muốn trình làng cùng công chúng tất cả những thủ pháp mà anh tóm thâu được trên cùng một vở diễn. Chuyện ẩn dụ về một tên lãnh chúa tàn ác đi cướp phá, giết chóc khắp nơi và gặp sức kháng cự của những người dân nơi đây mà đứng đầu là chàng tráng sĩ.
Cái ác có lúc phải lùi bước, nhưng cũng có lúc nó lại trỗi dậy và gieo rắc thương đau khắp nơi… Hai thế lực thiện và ác như là bóng tối và ánh sáng, dù triệu năm qua cũng vẫn là chuyện của hôm nay. Mỗi thời đại với những con người, những nếp sinh hoạt, những loại vũ khí khác nhau và chồng chất từng năm tháng, cái ác sẽ ngày càng hung tợn hơn với cuồng vọng thôn tính và hủy diệt con người.
Bên cạnh đó, sự chống chọi chính nghĩa của những con người yêu nước, yêu tự do cũng sẽ không lúc nào ngơi nghỉ và không bao giờ chịu khuất phục. Đây là chuyện của muôn đời nên nhân vật chỉ là những hình tượng không tên với cách hóa trang biểu trưng cho từng tính cách: Gương mặt cô gái trẻ tượng trưng cho tuổi xuân với những chiếc lá xanh, chàng tráng sĩ với ngọn lửa bừng cháy trên mặt, tên phản bội với con rắn vắt ngang miệng…
Và để thể hiện một nội dung muôn đời như thế, người dàn dựng đã tìm đến khá nhiều thể loại: điện ảnh, múa, trống, kịch cổ điển để buộc khán giả phải theo đến cùng, cảm nhận đến cùng những ý tứ mà đạo diễn đang tung hoành trên sân khấu. Người xem phải vừa nhìn ba màn ảnh tròn chiếu rọi liên tục những hình ảnh thế giới qua các thời đại như một bức phông minh họa, vừa nghe những lời thoại khá du dương, như trở về với sân khấu kịch cổ điển Shakespeare vừa đón nhận những ý tứ toát ra từ phong cách biểu diễn thể hình của nhân vật, vừa nhập hồn vào những tiếng trống, tiếng gõ dồn dập…

Chàng tráng sĩ và cô gái: Biểu trưng sức sống của nhân loại.
Nói chung, tất cả những thủ pháp trên được dồn nén trên sân khấu như một áp lực đè nặng vào tâm lý khán giả, để gây một cảm giác mới lạ, hiếu kỳ, để người xem buộc phải theo dõi cho kỳ cùng và trải hết mọi giác quan đi theo hết con đường dẫn của tác giả.
Có thể với cách làm như vậy, tác giả sẽ thành công ở một số người, nhưng đồng thời cũng gây dị ứng ở một số đông người… Những người muốn chọn cho mình một cách giải trí nhẹ nhàng, chắc chắn sẽ không ngồi lâu được với Lê Quý Dương. Đó là sự thật. Nhưng nếu đã có thể ngồi lại với anh thì hãy sống cùng những xúc cảm của anh và đồng cảm với những suy tư của anh…
Thực sự “Huyền thoại cuộc sống” là những cảm nhận về một thế giới đang bất an của nhân loại hiện nay, của chính chúng ta bây giờ. Vì thế, những trích đoạn phim chiếu trên sân khấu là một cách nói theo kiểu “Ván bài lật ngửa” của tác giả, vì bởi nó minh họa thẳng thừng tội ác của tên lãnh chúa bằng những hình ảnh rất thực của máy bay Mỹ trút bom xuống Việt Nam và cảnh chết chóc tang thương của nhân dân Iraq dưới bom đạn của Mỹ. Lửa cháy, tù đày, chuồng cọp, xe tăng Mỹ và hình ảnh cô bé Kim Phúc trần truồng trong trận càn bom napal của lính Mỹ hơn 30 năm trước, đó chính là cái ác và chính nghĩa chính là những người dân thường, những anh bộ đội Việt Nam hiên ngang trên dãy Trường Sơn.
Tất cả đã được nhìn qua 3 con mắt của trẻ thơ, tuổi trẻ và tuổi già, con mắt mở to kinh ngạc, con mắt nhắm nghiền chấp nhận… Và những nhân vật trên sân khấu như được khắc họa bằng những nét dao rất sắc trước những chứng nhân muôn đời ấy. Bên trong dòng chảy sôi sục giữa hai thế lực đối kháng, tình yêu và cuộc sống vẫn cứ sinh sôi và vượt lên tất cả những khổ đau, dù trong gông cùm, tra tấn, trong đêm tối âm u.
Đoạn đối thoại giữa lãnh chúa và cô gái đã vang lên như những khúc ca bi tráng về sức sống mãnh liệt của con người: “Này, quân xâm lược. Ngươi tới đây tàn phá đất này, nhưng không bao giờ tàn phá được trái tim con người! Nếu phải ngừng đập, trái tim ta sẽ ngừng đập trong sạch sẽ và cao thượng. Sống là quí giá! Chết là thiêng liêng! Ta sẽ không chịu chết theo cách mà ngươi chọn cho ta! Nhưng cuối cùng chính thực tế đau lòng của thế giới hiện nay đã không cho phép tác giả đi theo nguyện vọng chân chính của nhân dân từ bao đời: cái ác đã không bị tiêu diệt bởi nhân dân bị xâm chiếm mà nó chỉ bị hủy diệt bởi chính mâu thuẫn nội tại.
Và tên lãnh chúa đã chết dưới nhát dao của chính vợ hắn, kẻ đã ngầm đứng về phía những người bị áp bức với những lời giải thích tựa như những cuộc xuống đường phản chiến của nhân dân Mỹ: “Phu quân! Ta thích người quyền uy sắt đá, bách chiến bách thắng, nhưng linh hồn ta không độc ác như linh hồn ngươi. Ngươi thích hành hạ con người để tàn phá và hủy diệt. Ta thích hành hạ con người để nhìn thấy họ vươn lên sống mạnh mẽ, tự đổi thay và hoàn thiện”.
Cô gái trẻ cuối cùng đã chết, nhưng ánh sáng của tình yêu vẫn chiếu rọi khắp nhân gian. Trong máu lửa của chiến tranh, tình yêu vẫn sống như ánh hào quang xóa tan bức màn đen tối của tội ác. Tất cả đó chính là cái hồn của vở diễn cũng là tâm huyết của đạo diễn và sự cố gắng hoàn thiện mình của từng diễn viên. Nhưng nếu như vở diễn được chắt lọc hơn, biết lược bỏ những đoạn độc thoại quá dài dòng của tên phản bội và mụ nhà chứa, tiết chế âm thanh quá ồn ào của tiếng trống trong sự đối thoại giữa cô gái và bà lãnh chúa thì những nét sắc cạnh của điểm đỉnh mới lắng lại trong người xem.
Bằng không, suốt 3 tiếng đồng hồ với rất nhiều âm hưởng trộn lẫn: những lời thoại trầm bổng rất Shakespeare; những tiếng trống dồn dập rất “Thập diện mai phục” hòa trong tiếng đàn bầu và làn điệu dân ca rất Việt Nam và những cách tân hiện đại của ánh sáng lazer, của phim ảnh trên sân khấu, người xem sẽ rất dễ bị bão hòa cảm xúc, dù hiểu rằng đây là một cố gắng tối đa của những người làm nghệ thuật …
– Kịch bản - Đạo diễn: Lê Quý Dương. – Diễn viên: Minh béo, Tấn Hưng, Mai Mai, Kim Khánh, Mỹ Uyên… – Nhà hát kịch TPHCM diễn vào tối thứ năm hàng tuần tại rạp Công Nhân.
NGÔ NGỌC NGŨ LONG