Phó Thủ tướng Vũ Khoan:

Có đồng thuận lớn mới tạo nên sức mạnh

° Vai trò của thành phần kinh tế tư nhân sẽ được nâng lên như thế nào?° Vì sao cổ phần hóa trong thời gian qua còn chậm?° Đảng viên được làm kinh tế tư nhân có đồng nghĩa với việc kết nạp những chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng?
Có đồng thuận lớn mới tạo nên sức mạnh

° Vai trò của thành phần kinh tế tư nhân sẽ được nâng lên như thế nào?
° Vì sao cổ phần hóa trong thời gian qua còn chậm?
° Đảng viên được làm kinh tế tư nhân có đồng nghĩa với việc kết nạp những chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng?

Đó là những vấn đề Phó Thủ tướng Vũ Khoan trao đổi với báo giới bên ngoài hành lang ĐH Đảng lần thứ X.

  • Ấn tượng 5 năm qua: Phát triển kinh tế tư nhân!

- Phóng viên: Thưa Phó Thủ tướng, Báo cáo Chính trị của BCHTƯ Đảng khóa IX tại Đại hội lần thứ X khẳng định: Trong 5 năm tới, mức tăng GDP bình quân đạt 7,5% đến 8%, phấn đấu đạt trên 8%/năm. Để đạt được mục tiêu đó, chúng ta cần giải quyết những vấn đề cơ bản nào?
 
- Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Để duy trì được tốc độ cao thì phải khắc phục được tồn tại hiện nay. Muốn vậy, phải thấy rõ tồn tại của mình là gì? Đó là chưa phát huy tốt tiềm năng. Vậy thì tiềm năng đó ở đâu?

Theo tôi, tiềm năng ở mấy chỗ: Một là, những cái ta đã có, những đồng vốn đã có thì phải tận dụng hiệu quả nhất, đầu tư vào những lĩnh vực có thể đem lại cả tốc độ và chất lượng tăng trưởng. Hai là huy động thêm nguồn vốn còn khá lớn trong dân, thông qua phát triển thị trường tài chính, thị trường chứng khoán.

Huy động cả bên ngoài, nhất là nguồn vốn ODA, FDI. Ba là nguồn lực con người. Chúng ta ngày càng thấm sâu tầm quan trọng của nguồn nhân lực. Nếu phát huy được mọi tài năng, sáng tạo của con người thì mình có thể phát triển được rất nhiều. Khi đã cụ thể hóa tiềm năng thành hiện thực thì chắc chắn tốc độ tăng trưởng của chúng ta sẽ khá hơn.
 
- Trong mục tiêu phát triển KT-XH năm 2006-2010, vai trò của thành phần kinh tế tư nhân sẽ được nâng lên như thế nào?
 
- Thực tế 5 năm qua đã chứng tỏ thành phần kinh tế ngoài quốc doanh đóng vai trò rất lớn, chiếm tỷ trọng 40% GDP. Tỷ trọng đó sẽ cao hơn trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Nếu cộng cả thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thì tỷ trọng này còn cao hơn, khoảng 50%-60%. Sắp tới, chúng ta sẽ tiếp tục cụ thể các chính sách để nâng cao hơn nữa vai trò của thành phần kinh tế này.
 
- Cụ thể chính sách ấy là gì, thưa Phó Thủ tướng?
 
- Luật Doanh nghiệp mới và Luật Đầu tư mới chính là kênh để chúng ta phát huy tất cả những tiềm năng của doanh nghiệp tư nhân trong nước lẫn doanh nghiệp tư nhân nước ngoài.

Thứ hai, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cần làm mạnh hơn nữa. Đây cũng là kênh để cho tất cả mọi công dân có thể tham gia vào sự phát triển kinh tế đất nước. Trên thực tế, chúng ta đã làm được rất nhiều chứ không chỉ trên lời nói.

Nếu hỏi tôi ấn tượng trong 5 năm qua là gì thì đó chính là chúng ta phát triển kinh tế tư nhân. Chính đó là một nhân tố rất quan trọng để chúng ta đạt được thành tựu kinh tế như đã thấy.

  •  Định giá: Câu chuyện lủng củng chưa gỡ được!

- Thưa Phó Thủ tướng, hiện nay môi trường kinh doanh dành cho thành phần kinh tế tư nhân vẫn chưa được thông thoáng. Khối lượng lớn các doanh nghiệp nhà nước và tình trạng độc quyền ở một số ngành quan trọng khiến cho kinh tế tư nhân rất khó khăn trong việc phát huy năng lực của mình...

- 5 năm qua, môi trường kinh doanh đã được cải thiện rất nhiều, nhưng để đáp ứng yêu cầu thì chưa. Ví dụ như hệ thống tín dụng chưa thuận lợi lắm, rồi hệ thống thuế má cũng còn nhiều chuyện, thủ tục hành chính nhiêu khê... Để thu hút tất cả các thành phần kinh tế, cần cải thiện môi trường hơn nữa và chúng ta đang cải thiện mạnh bằng hệ thống pháp luật mới.

Có đồng thuận lớn mới tạo nên sức mạnh ảnh 1

Phó Thủ tướng Vũ Khoan trả lời phỏng vấn phóng viên các báo đài.

Còn chuyện độc quyền, cũng cần phải khách quan. 5 năm qua chúng ta cũng gỡ ra nhiều đấy chứ! Ví dụ, ngành viễn thông ngày xưa “một mình một chợ” nay đã khác, ngành điện cũng đang gỡ dần... Chắc chắn 5 năm tới chúng ta phải làm tiếp để xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp. Chủ trương về vấn đề này đã rõ và chúng ta đã làm khá tốt.
 
- Mặc dù quyết tâm của Đảng và Nhà nước rất mạnh nhưng tiến trình cổ phần hóa trong thời gian qua còn chậm, không đạt được như mong muốn. Nguyên nhân là ở đâu?
 
- Có hai nguyên nhân chính. Một là thể chế để cổ phần hóa còn vướng mắc. Ví dụ như định giá là một câu chuyện lủng củng, lúng túng mãi chưa gỡ được. Hai là bản thân một số doanh nghiệp chưa muốn rời bỏ sự bao cấp của nhà nước, đặc quyền đặc lợi của doanh nghiệp nhà nước. Cần phải gỡ bỏ đặc quyền, đặc lợi này. 

  • Cuộc sống sẽ mách bảo chúng ta phải làm thế nào.

- Có ý kiến cho rằng, cải cách doanh nghiệp nhà nước chậm là do chúng ta xác định kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo?

- Cổ phần hóa chậm chính là do trong tổ chức còn nhiều vướng mắc, không phải chúng ta sợ mất vai trò chủ đạo mà ngăn cản.

Nhưng thực tế, trong khi tăng trưởng của chúng ta khá ấn tượng, tốc độ tăng trưởng kinh tế tư nhân rất cao thì cải cách doanh nghiệp nhà nước lại rất ì ạch... Thực ra cũng đừng chỉ trích doanh nghiệp nhà nước quá.

Chính cơ chế đã làm cho tốc độ cải cách doanh nghiệp nhà nước không đáp ứng yêu cầu. Chúng ta đang cổ phần hóa, kinh nghiệm 5 năm qua cho thấy tất cả doanh nghiệp cổ phần hóa đều làm ăn tốt hơn, hiệu quả hơn. Chúng ta phải cố gắng thúc đẩy cố phần hóa nhưng không bài xích chuyện doanh nghiệp nhà nước. Nước ta là nước XHCN, do đó nhà nước phải có vai trò quan trọng để hướng dẫn, định hướng cho đúng.
 
- Quan điểm của Phó Thủ tướng như thế nào về vấn đề đảng viên được làm kinh tế tư nhân?

- Đại hội sẽ biểu quyết vấn đề này. Còn quan điểm của tôi thì như văn kiện đã công bố cho nhân dân, tức là đảng viên được làm kinh tế tư nhân không giới hạn về quy mô. Không nên giới hạn phạm vi vì bây giờ quyết định bao nhiêu người, 5 người, 10 người hay bao nhiêu đều không phù hợp với thực tế.

Về vốn, chẳng lẽ 1 tỷ thì được, còn 1,1 tỷ thì không hay sao? Vấn đề là người đó làm sao đúng cho luật pháp của nhà nước, đúng quy định của Đảng vì họ là đảng viên chứ không phải người dân thường.
 
- Thưa Phó Thủ tướng, việc cho đảng viên làm kinh tế tư nhân không giới hạn về quy mô có đồng nghĩa với việc kết nạp những chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng?
 
- (Cười) Đừng biến cái nọ thành cái kia! Bây giờ cứ dừng lại việc chúng ta đang bàn đã. Tình hình như thế nào thì sẽ xem xét. Không nên “cầm đèn chạy trước ô tô”. Cứ thử làm đi đã. Chỉ vấn đề này mà đến 3 đại hội bàn mới được. Như thế này là quý lắm rồi. Còn cuộc sống sẽ mách bảo chúng ta phải làm thế nào.

  • Thông điệp lớn nhất là quyền được làm ăn của người dân!

- Theo Phó Thủ tướng, bây giờ chúng ta mới cho đảng viên làm kinh tế tư nhân thì có muộn không?
 
- Không nên đặt vấn đề muộn hay sớm vì thực tế cuộc sống có nhiều cái không thể cứ ngồi tưởng tượng “giá làm được tốt hơn”. Phải nhìn vào hoàn cảnh khách quan, chúng ta đã thảo luận mười mấy năm rồi để đi đến sự đồng thuận như bây giờ.

Chúng ta phải tạo được sự đồng thuận tương đối. Khi tình hình chín muồi, có đồng thuận lớn thì mới tạo nên sức mạnh. Nếu ra một quyết định mà có quá nhiều phân hóa thì thành sức yếu rồi. Quyết sách chính trị bao giờ cũng phải có đồng thuận tương đối. Nói chuyện sớm muộn ở đây chỉ là tâm tư chủ quan.
 
- Thực ra, người dân quan tâm đến vấn đề đảng viên có làm kinh tế tư nhân hay không là quan tâm đến việc thành phần kinh tế tư nhân của chúng ta có được phép tồn tại lâu dài hay không?
 
- Tất nhiên là lâu dài. Điều này Báo cáo chính trị đã khẳng định. Chắc chắn là đời tôi không xảy ra điều gì. (Cười).
 
- Thông điệp lớn nhất của Luật Doanh nghiệp là quyền được làm ăn của người dân...
 
- Đúng thế! Và Đại hội này cũng gửi thông điệp đó.
 
- Đại hội lần thứ X của Đảng diễn ra trong bối cảnh kinh tế đang phát triển. Theo Phó Thủ tướng, những kết quả sau ĐH này sẽ thúc đẩy như thế nào đối với nền kinh tế của chúng ta?

- Tôi tin là sau ĐH này, nếu làm đúng tất cả các chủ trương của ĐH thì nền kinh tế VN sẽ có phát triển mới. Tôi nhớ năm 1995 là một mốc rất lớn. Chúng ta đã thoát khỏi khủng hoảng KT-XH. Thời điểm hiện nay sẽ đánh dấu một mốc mới là nước ta từ nước chậm phát triển đến 2010 trở thành nước có thu nhập trung bình. Tôi tin với những chính sách như thế này, nền kinh tế sẽ phát triển thuận lợi hơn.
 
- Đại hội này sẽ đưa ra những chính sách gì để thu hút đầu tư nước ngoài?
 
- Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài là chính sách nhất quán từ năm 1987 đến bây giờ. Từ khi có Luật Đầu tư chúng ta đã bốn lần đổi mới luật. ĐH có định hướng là coi đầu tư nước ngoài không những đầu tư trực tiếp mà cả đầu tư gián tiếp là một kênh huy động vốn rất quan trọng. Chắc rằng với một cách tiếp cận như thế của ĐH sẽ là tín hiệu tốt cho các nhà đầu tư.
 
- Xin cám ơn Phó Thủ tướng.

 

Sử dụng và quản lý nguồn ODA như thế nào?

Từ vụ án PMU 18, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng và quản lý nguồn ODA làm sao cho hiệu quả. Bên hành lang ĐH, phóng viên Báo SGGP đã ghi lại ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Khoan và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy xung quanh vấn đề này.
Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Đây là vấn đề rất lớn. Tôi đã chỉ thị và anh Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chỉ thị. Trong tháng 6 tới đây, sẽ có hội nghị các nhà tài trợ giữa nhiệm kỳ. Tôi đã yêu cầu sửa lại Nghị định 17 và anh em đã có tờ trình. Sau Đại hội Đảng, chúng tôi sẽ bàn để xem xét để có gì cần chỉnh sửa thì phải chỉnh sửa. Cơ chế vận hành BQL dự án như thế nào? Cũng phải tranh thủ sự góp ý tư vấn của các tổ chức quốc tế. Họ sẵn sàng chia sẻ với mình. Vấn đề là mình phải hoàn thiện hơn nữa.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy: Nói một cách khách quan, theo tôi, với những quy định hiện hành về quản lý vốn ODA nếu làm một cách chặt chẽ, đúng trách nhiệm thì cũng đã có thể sử dụng khá hiệu quả. Có người đặt vấn đề phải nâng lên thành pháp lệnh hoặc là luật. Điều đó tốt thôi vì khuôn khổ pháp lý sẽ cao hơn nhưng cái chính là sự phân công, phân nhiệm vừa qua đã rõ ràng. Mỗi bộ, ngành trong phạm vi của mình, nếu làm tốt chức năng của mình thì sẽ giảm thiểu tổn thất không đáng có và hiệu quả sử dụng cao hơn. Còn tới đây Chính phủ phải có sự đánh giá có hệ thống về trách nhiệm đã làm xem đầy đủ chưa; cơ chế, quy định có gì còn trùng lắp làm cho việc thực hiện chức năng chưa tốt để chỉnh sửa. Nhưng quan trọng nhất vẫn tổ chức, thực hiện thật tốt những quy định. Thế là đã đủ để đạt được hiệu quả cao hơn nhiều, giảm bớt đựơc những vụ tiêu cực như vừa qua. 

H.Q. – T.S.

HỒNG QUÂN-TUẤN SƠN thực hiện

Tin, bài liên quan:

Chất lượng đội ngũ cán bộ - Yếu tố quyết định năng lực lãnh đạo của Đảng (*)

Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng

Diễn văn khai mạc Đại hội X

Tin cùng chuyên mục