“Cổ mỹ từ”: Khám phá “kho báu bị lãng quên” của tiếng Việt

Sau các ấn phẩm luận bàn về chữ nghĩa như: Từ vay hay dùng, Chữ xưa còn một chút nàyHôm nay phải mở mang; tác giả Nguyễn Thùy Dung, người sáng lập trang "Ngày ngày viết chữ", tiếp tục giới thiệu bạn đọc ấn phẩm Cổ mỹ từ (Du Bút và NXB Thanh niên).

Trên trang "Ngày ngày viết chữ", thời gian qua, tác giả Nguyễn Thùy Dung luôn cập nhật từ ngữ, từ cổ, từ hiếm, giá trị từ, những dẫn luận và cả những hiểu lầm về từ trong cách dùng theo thời gian.

Cổ mỹ từ vốn là chuyên mục rất được độc giả, người nghiên cứu từ ngữ đặc biệt yêu thích trên "Ngày ngày viết chữ". Đó cũng là động lực rất lớn để Nguyễn Thùy Dung quyết tâm hoàn thiện bản thảo sau thời gian dài chuẩn bị.

Ấn phẩm "Cổ mỹ từ" được trình bày trang nhã với nhiều bức tranh minh họa tỉ mỉ đến từ họa sĩ Lê Thư

Ấn phẩm "Cổ mỹ từ" được trình bày trang nhã với nhiều bức tranh minh họa tỉ mỉ đến từ họa sĩ Lê Thư

Cổ mỹ từ nôm na là những từ có sắc thái cổ và mang ý nghĩa đẹp nhưng ít được sử dụng trong đời sống hiện đại. 58 từ trong sách được tác giả Thùy Dung nghiên cứu, chắt lọc và tinh tuyển từ những tác phẩm thi văn Việt Nam xưa, với mong muốn giới thiệu đến bạn đọc, có thể ứng dụng vào khai thác từ hoặc tham khảo.

Những "cổ mỹ từ" được tác giả phân chia thành hai chủ đề

Những "cổ mỹ từ" được tác giả phân chia thành hai chủ đề

Trong dòng chảy văn hóa, từ ngữ là thành tố luôn biến đổi, thích ứng với từng giai đoạn thời đại. Khi xã hội số hóa, biên độ dao động xung quanh từ ngữ càng trở nên rộng hơn. Nhiều từ mới ra đời và trở nên phổ biến một cách nhanh chóng, đồng thời có những từ cũ, ngỡ bị lãng quên cũng được khai thác lại. Song song sự phát triển của công nghệ chính là việc gia tăng giá trị của những thành tố cũ xưa, như một sự đối lập hẳn nhiên cần có.

“Mong rằng mỗi lần mở sách, bạn đọc có thể cảm thấy tâm hồn được vỗ về bởi những điều đẹp đẽ”, tác giả Thùy Dung chia sẻ.

Việc giới thiệu cổ mỹ từ với độc giả trong thể thức một tập sách, một tập từ điển phần nào đáp ứng nhu cầu của đối tượng yêu thích và nghiên cứu từ ngữ, tạo nên sự đa dạng trong dữ liệu sử dụng chứ không nhằm mong muốn thay thế các từ ngữ sẵn có.

Khi đào sâu ngữ nghĩa, cách dùng, sẽ thấy sau mặt chữ là cả một hệ thống văn hóa, thường thức của thời đại, như thể tìm được “kho báu bị lãng quên”

Khi đào sâu ngữ nghĩa, cách dùng, sẽ thấy sau mặt chữ là cả một hệ thống văn hóa, thường thức của thời đại, như thể tìm được “kho báu bị lãng quên”

Tập sách được chia thành hai mục lớn: những từ diễn tả cảnh vật thiên nhiên và những từ diễn tả tình cảm, cuộc sống. Nôm na là một phần thiên về ngoại cảnh, một phần thiên về con người. Tuy nhiên, cái hay của “cổ mỹ từ” là sự vô biên trong ngữ nghĩa còn sự phân loại chỉ mang tính bên ngoài. Đó cũng là lý do để tập sách được khoác lên chiếc áo thật rực rỡ - những bức tranh minh họa tỉ mỉ từ họa sĩ Lê Thư.

Họa sĩ Lê Thư đã hoàn thành 30 bức tranh trong vòng 6 tháng. Vận dụng sự thanh thoát, dịu dàng của chất liệu màu nước trên nền tảng digital, các bức minh họa đã cộng hưởng mạnh mẽ trong thể hiện “mỹ” của cổ mỹ từ, khiến từ ngữ trên trang sách sống động một cách tự thân, xứng đáng với công trình nghiên cứu và tập hợp cầu kỳ của tác giả Thùy Dung.

Nhân dịp ra mắt Cổ mỹ từ, vào lúc 9 giờ 30 ngày 8-10, tại Nam Thi House (125 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TPHCM), Công ty sách Du Bút tổ chức chương trình ra mắt sách và giao lưu với tác giả Nguyễn Thùy Dung với chủ đề “Một chuyến tầm phương”.

Tại chương trình, bạn đọc sẽ được lắng nghe tác giả chia sẻ về quá trình làm sách cũng như công việc hàng ngày tại "Ngày ngày viết chữ".

Tin cùng chuyên mục