
Cuốn sách lần đầu công bố nhiều trang nhật ký chưa từng xuất bản của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, đặc biệt là giai đoạn trước khi chị xung phong vào chiến trường miền Nam.
Theo bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Phụ nữ Việt Nam, năm 2005, hai cuốn nhật ký chiến tranh của Đặng Thùy Trâm từng gây chấn động khi trở về từ Mỹ sau 35 năm thất lạc. Những trang viết giản dị nhưng giàu cảm xúc ấy đã lay động hàng triệu trái tim Việt Nam và quốc tế, trở thành biểu tượng cho tinh thần yêu nước và lý tưởng sống đẹp. Sau 20 năm, "ngọn lửa Thùy Trâm" vẫn âm ỉ cháy, tiếp tục truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ.

Cuốn nhật ký thứ ba được biên soạn bởi bà Đặng Kim Trâm, em gái của nữ bác sĩ từ những tư liệu cá nhân và di cảo chưa công bố. Đây thực chất là cuốn nhật ký đầu tiên, ghi lại những suy tư, hoài bão, và trăn trở của Đặng Thùy Trâm khi còn là sinh viên Y khoa, sống trong lòng Hà Nội thanh bình nhưng trái tim đã hướng về miền Nam ruột thịt. Cuốn sách tái hiện tuổi trẻ đầy mộng mơ và lý tưởng của nữ bác sĩ người từng mong muốn theo đuổi sự nghiệp khoa học, viết văn, có hạnh phúc riêng, nhưng đã chọn con đường cống hiến.
Sách gồm hai phần chính: “Lớp người lý tưởng” và “Cây cầu bắc qua dòng sông chia cắt”, kèm theo thư từ, hồi ký của mẹ Đặng Thùy Trâm, bà Doãn Ngọc Trâm và các thành viên gia đình. Đáng chú ý, mối tình dang dở với một quân nhân miền Nam từng được nhắc đến nay hiện lên chân thật và đầy cảm xúc qua nhiều lát cắt.
Tại buổi giao lưu, nhà phê bình văn học, nhà nghiên cứu Hà Thanh Vân cho rằng cuốn nhật ký thứ ba không đơn thuần chỉ là một bản thảo mà đã phản ánh một cách sâu sắc chiều sâu suy tư và nhân cách của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Thông qua cuốn sách, gia đình bà đã "viết tiếp" tuổi 20 bằng tình yêu, ký ức và góp phần phát triển một loại hình văn học mang tên nhật ký. Cuốn sách phản ánh chiều sâu nhân cách và tâm hồn Đặng Thùy Trâm, đồng thời góp phần phát triển văn học nhật ký, khơi gợi lý tưởng sống và tinh thần cống hiến trong thời bình.
Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba là lời tri ân sâu sắc với người đã khuất, là cầu nối ký ức - hiện tại, khẳng định rằng lòng yêu nước không thuộc về riêng một thời, mà luôn hiện hữu trong trái tim mỗi người Việt Nam.