Theo thông tư số 01/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 15 và 79 của Chính phủ, kể từ ngày 15-5, các hành vi người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; người đạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu không được thực hiện gồm: chụp ảnh, ghi hình ảnh cá nhân không có trang phục hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông.Quy định này đã nhận khá nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.
Với trang phục này, người mẫu Phương Mai bị phạt
Chúng tôi đã lấy ý kiến của một số chuyên gia, người trong cuộc xung quanh vấn đề này.
Nhiếp ảnh gia Đồng Đức Thành: Cấm hay không, nghệ thuật khỏa thân vẫn tồn tại
Nghệ sĩ Đồng Đức Thành. Ảnh: FBNV
Ảnh khỏa thân nghệ thuật là một vấn đề nhạy cảm. Quản lý vấn đề nhạy cảm thuộc lĩnh vực nghệ thuật càng cần có sự cẩn trọng vì đây là phạm trù thẩm mỹ đã tồn tại từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây, cả trong tôn giáo.
Có những bức tranh, tác phẩm nhiếp ảnh khỏa thân nhìn vào ta không hề thấy sự dung tục, rẻ tiền hay gợi dục mà chỉ thấy nét đẹp của ngôn ngữ hình thể thăng hoa. Thẩm mỹ hay dung tục của một tác phẩm khỏa thân nghệ thuật nằm ở mỹ quan, nhân sinh quan và thẩm mỹ của những người phô diễn, từ người mẫu, người chụp và cả người thưởng thức chứ không liên quan đến việc khỏa thân hay không khỏa thân. Chính vì vậy, áp dụng những biện pháp quản lý hành chính cứng nhắc sẽ rất khiên cưỡng.
Con người không cảm nhận vẻ đẹp bằng mắt mà bằng tâm hồn. Chế ngự bằng những quy định hành chính vấn đề cảm nhận của tâm hồn là không ổn. Vấn đề có biến tướng hay không nằm ở ý thức, từ ý thức của người phô diễn đến người thưởng thức như đã nói ở trên. Điều này thuộc phạm trù mỹ thuật, đạo đức… và phải được hình thành qua giáo dục.
Đề tài khỏa thân ở Việt Nam đến nay vẫn như một đứa trẻ vừa sinh thiếu tháng vừa suy dinh dưỡng. Chính vì vậy tôi cho rằng các nhà quản lý đừng vội vàng và nóng vội trong việc ban hành những quy định cấm như trên. Thay vào đó, nên cho những tác phẩm ấy xuất hiện trong công chúng, rộng hay hẹp tùy vào mục đích cũng như những thẩm định mang tính định lượng của những chuyên gia có tâm, có tầm. Từ đó tạo nên những diễn đàn cần thiết giúp những người trong cuộc nhận diện tác phẩm của mình một cách rõ ràng hơn, hướng đến những giá trị thẩm mỹ đích thực.
Việc ban hành luật cấm người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, người đạt danh hiệu tại các cuộc thi người đẹp, người mẫu không được chụp và phổ biến ảnh khỏa thân là thái độ nguy hiểm, bởi nó bóp chết sáng tạo.
Suy cho cùng, cho hay không cho thì nghệ thuật khỏa thân vẫn tồn tại. Sắp tới, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam sẽ tổ chức triển lãm và hội thảo chuyên đề về ảnh khỏa thân nghệ thuật. Trong khuôn khổ hội thảo sẽ có những phân tích, định hướng để phát huy ưu điểm của đề tài, loại bỏ những phát sinh, phản cảm của ảnh khỏa thân nghệ thuật đồng thời lắng nghe từ nhiều phía trong nhìn nhận về cái đẹp của hình thể con người, hiện nay có những biến tướng như thế nào để qua đó giúp những nhà quản lý có cái nhìn tham khảo toàn diện hơn trong hoạch định chính sách.
Đạo diễn thời trang Tạ Nguyên Phúc: Đừng vì một vài “con sâu” mà cấm cả “món canh”
Đạo diễn Tạ Nguyên Phúc. Ảnh: FBNV
Về vấn đề cấm các nghệ sĩ, người đẹp có danh hiệu chụp hình không có trang phục, tôi nghĩ rằng điều này sẽ ảnh hưởng đầu tiên đến những nghệ sĩ nhiếp ảnh hoạt động nghệ thuật chân chính.
Trong lịch sử văn hóa nhân loại không thiếu những bức ảnh nghệ thuật có giá trị ca ngợi vẻ đẹp của tạo hóa, tại sao chúng ta lại không cho các người đẹp có danh hiệu có cái quyền được tham gia hoạt động nghệ thuật nhiếp ảnh? Phải chăng điều đó là một bất công giữa một cô gái bình thường và một cô hoa hậu?
Dĩ nhiên nói đi cũng phải nói lại, tôi không bao giờ tán đồng việc những người đẹp dùng hình ảnh khoả thân để trục lợi, vì thế chúng ta nên đưa ra những điều luật hợp lý để phạt những người làm sai hơn là cứ vì một vài “con sâu” mà cấm người ta không được nấu, không được thưởng thức cả “món canh”. Chưa kể, chúng ta đã có những quy định chế tài liên quan đến hành vi này, nếu thấy mức phạt cũng như những hình phạt bổ sung liên quan vấn đề này chưa đủ sức răn đe cũng như hạn chế đến mức tối thiểu việc dung tục hóa, gợi dục hóa những hình ảnh khỏa thân thì có thể tăng mức xử phạt chứ hoàn toàn không nên cấm đoán. Vì đôi khi, càng cấm càng phát sinh những hệ lụy xấu chưa biết chừng.
Tôi nghĩ những nghệ sĩ chân chính đều có ý thức và lòng tự trọng, đạo đức nghề nghiệp. Những cấm đoán cào bằng kiểu như thế này sẽ gây tổn thương đến họ. Quản lý nhà nước phải tạo hành lang cho mọi hoạt động nghệ thuật được phát triển trong khuôn khổ chứ không nên “đụng tí” là cấm.
KHẮC THI