Có những tham vọng không xấu xí

Sau cuộc họp về phòng chống Covid-19 với các lãnh đạo EU, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận: “Chúng tôi đã nghĩ rằng vaccine sẽ mất thời gian để cất cánh. Có lẽ, chúng tôi đã ít mơ về các vì sao hơn một số người khác...”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Mỗi ngày, cũng như nhiều người Pháp khác, tôi kiểm tra trên điện thoại các thông số cập nhật, sáng và chiều. Trên màn hình, các con số được phân loại bằng màu, như đèn giao thông, các con số trên bản tin giao dịch chứng khoán. Chính xác là thông tin từ ứng dụng có tên như biểu ngữ: “ Mọi người cùng chống Covid-19”, với những con số mạch lạc: 45.641 ca mắc của ngày - đêm, tổng cộng 6,8 triệu người đã được tiêm ngừa và đáng lo nhất là tình trạng quá tải, hơn 22% đang phải nằm phòng cấp cứu không đủ tiêu chuẩn. 

Sau cuộc họp về phòng chống Covid-19 với các lãnh đạo EU, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận: “Chúng tôi đã nghĩ rằng vaccine sẽ mất thời gian để cất cánh. Có lẽ, chúng tôi đã ít mơ về các vì sao hơn một số người khác...”.

Diễn đạt theo lối bình dân hơn, có thể hiểu lời của tổng thống là: Chúng tôi đã tham vọng, không có tầm nhìn chiến lược! Trong thời gian dài, ông Macron đã nghi ngờ về việc đầu tư sáng chế và tăng tốc của chiến dịch vaccine. Vấn đề nằm ở tư duy văn hóa bảo thủ và văn hóa thận trọng nói chung. Cho đến cuối năm 2020, Tổng thống Pháp vẫn không nghĩ rằng tiêm chủng sẽ là “trái tim của trận chiến” chống lại virus SARS-CoV-2 nhanh chóng. 

Giờ đây, Paris và các thủ đô châu Âu đang gắng từng liều vaccine cho dân của mình; không khác gì cuộc chiến mua khẩu trang, mua phụ liệu cho xét nghiệm cách đây đúng một năm, khi đại dịch bắt đầu bùng phát toàn cầu. Một bi hài kịch khổng lồ với câu hỏi: Tại sao nước Pháp, một cường quốc về dược phẩm, về sản phẩm y tế, với những tên danh giá như viện Pasteur, cha đẻ của vaccine, như Tập đoàn Sanofi với các đội ngũ khoa học hàng đầu thế giới, lại thất bại trong chiến lược tiêm chủng? 

Mạo hiểm trong đầu tư và tham vọng chính trị cần thiết cho ngành nghiên cứu - sáng tạo các mô hình vaccine trong vòng vài tháng, thay vì 7 năm. Chỉ cần vài con số để hiểu: Tháng 6-2020, Pháp đầu tư cho Sanofi và Pasteur gần 200 triệu EUR; trong khi đó, nước Anh trong 3 tháng đã đặt cược gần 2 tỷ bảng, và Mỹ, dưới thời Tổng thống Donald Trump, đã đầu tư gần 11 tỷ USD cho các công ty nghiên cứu, sản xuất vaccine. Tiền đầu tư đi kèm với hợp đồng đánh đổi sản phẩm ưu tiên, nếu có sản phẩm.

Ngày 2-12-2020 đã trở thành ngày lịch sử, khi Vương quốc Anh là quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép sử dụng vaccine do Pfizer và BioNTech phát triển. Nhưng, khi London thực hiện chiến dịch tiêm chủng toàn dân, thì Tổng thống Pháp E.Macron vẫn còn rất cẩn thận, như chính ông đã thừa nhận sau này. Ông Macron chưa coi tiêm chủng là chiến lược cốt lõi để chống lại virus. Thậm chí, 2 ngày sau khi Anh khởi động chiến dịch tiêm ngừa, ông vẫn phát biểu: “Chúng tôi không biết tất cả mọi thứ về vaccine này, cũng như chúng tôi không biết mọi thứ về virus”.

Khi không làm chủ được công nghệ và nguồn cung cấp, thì chỉ còn hy vọng và trông đợi lời hứa hẹn vào việc tăng cường cung cấp vaccine của Pfizer, Moderna, Janssen và cả AstraZeneca. Dù sao, Paris vẫn duy trì các mục tiêu: 10 triệu người được tiêm chủng vào giữa tháng 4 và 20 triệu vào giữa tháng 5.

Tin cùng chuyên mục