Có thể kiến nghị Quốc hội tổ chức kỳ họp chuyên đề về xây dựng pháp luật ​

"Không phải Chính phủ trình dự án nào thì Quốc hội xem xét dự án đó mà phải nhìn rộng hơn", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh. Phó Chủ tịch Quốc hội gợi ý, nếu thiếu thời gian, có thể kiến nghị Quốc hội tổ chức kỳ họp chuyên đề về xây dựng pháp luật.
Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Pháp luật
Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Pháp luật

Ngày 1-4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đã tiến hành phiên họp toàn thể lần thứ 5 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến để thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 (Tờ trình).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

Theo Tờ trình, năm 2021, mặc dù phải đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, song Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã tiếp tục dành nhiều ưu tiên cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật.

Trong năm 2021 và đầu năm 2022, ngoài các phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã tổ chức 4 phiên họp chuyên đề về xây dựng luật và tổ chức 1 hội nghị về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế. Quy trình cho ý kiến thông qua các dự án luật, pháp lệnh được Chính phủ xem xét chặt chẽ hơn.

Các bộ, cơ quan ngang bộ đã đầu tư nhiều hơn cho công tác xây dựng thể chế, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án luật, pháp lệnh.

Về chương trình năm 2023, Chính phủ đề nghị 15 dự án luật. Để bảo đảm tính khả thi, cân đối giữa chương trình năm 2022 và năm 2023, Chính phủ cũng đề nghị điều chỉnh chương trình năm 2022 đối với 15 dự án luật.

Có thể kiến nghị Quốc hội tổ chức kỳ họp chuyên đề về xây dựng pháp luật ​ ảnh 1 Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Thị Kim Nhung trình bày ý kiến thẩm tra của Ủy ban

Qua thẩm tra, Ủy ban Pháp luật nhận định, công tác phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội và cơ quan, tổ chức có liên quan trong xây dựng pháp luật ngày càng chặt chẽ, hiệu quả và kịp thời hơn.

Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội có nhiều đổi mới trong hoạt động lập pháp; số lượng các văn bản luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) được xem xét, thông qua ngày càng tăng với chất lượng ngày càng được nâng cao; đặc biệt, Quốc hội đã kịp thời xem xét, thông qua các luật, nghị quyết phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.

Tuy nhiên, công tác lập và triển khai thực hiện chương trình vẫn còn những hạn chế, bất cập, trong đó có việc điều chỉnh chương trình khá nhiều. Tình trạng chậm gửi hồ sơ dự án, dự thảo đến cơ quan thẩm tra, UBTVQH, Quốc hội, đại biểu Quốc hội vẫn diễn ra…

Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, việc điều chỉnh chương trình năm 2022 và lập dự kiến chương trình năm 2023 cần phải bám sát yêu cầu của Bộ Chính trị tại Kết luận số 19-KL/TW và Đề án Định hướng chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XV và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5-11-2021 của UBTVQH.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Tờ trình của Chính phủ chưa nêu rõ vấn đề này. “Với số lượng dự án luật Chính phủ dự kiến trình Quốc hội trong năm 2022, 2023 thì năm 2024, 2025 có thực hiện được hết các dự án còn lại trong tổng số 137 nhiệm vụ lập pháp của Quốc hội khóa XV hay không?”, đồng chí Nguyễn Khắc Định nêu vấn đề.

Nhấn mạnh yêu cầu không phải Chính phủ trình dự án nào thì Quốc hội xem xét dự án đó mà phải nhìn rộng hơn, Phó Chủ tịch Quốc hội gợi ý, trên cơ sở rà soát, đối chiếu, Ủy ban Pháp luật phải đề nghị Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương chuẩn bị và giao UBTVQH điều chỉnh, bổ sung chương trình. Nếu thiếu thời gian, có thể kiến nghị Quốc hội tổ chức kỳ họp chuyên đề về xây dựng pháp luật.

Tin cùng chuyên mục