Cổ tích người Việt nghèo ở Siem Riep

Bền gan tráng chí
Cổ tích người Việt nghèo ở Siem Riep

Từ mười năm nay, có một chàng thanh niên Việt kiều ở tỉnh Siem Riep, Campuchia cần mẫn gieo chữ, dạy nghề giúp những đứa trẻ nghèo đổi đời. Từ nghề bán cá, buôn heo…, nay anh đã là phó giám đốc một công ty du lịch.

Biết tôi đi Campuchia, anh bạn đưa một bảo bối rồi dặn: “Ở bất kỳ nơi nào trên đất nước chùa tháp, anh gọi điện thoại đều được giúp đỡ tận tình”. Đó là danh thiếp của người tên là Bùi Hoàng Sang, mặt trước ghi: “Hướng dẫn viên du lịch: khách đoàn, khách lẻ - thông dịch viên tiếng Việt - đảm nhận và phụ trách lớp học và lớp may tình thương - dạy miễn phí tiếng Việt - tiếng Campuchia - tiếng Anh”; mặt sau ghi: “Nhận giúp đỡ miễn phí công tác xã hội cho cộng đồng người Việt tại Campuchia”. Thấy thú vị nên khi ô tô chạy gần đến TP Siem Riep, tỉnh Siem Riep, tôi điện thoại, giới thiệu từ TPHCM sang, muốn gặp. Sang hồ hởi: “May quá, vừa đưa khách về nghỉ. Em đợi anh ở cổng bến xe nhé!”.

Bùi Hoàng Sang (bìa phải) hướng dẫn du khách tham quan Ta Prohm.

Bùi Hoàng Sang (bìa phải) hướng dẫn du khách tham quan Ta Prohm.

Bền gan tráng chí

Đón tôi ở cửa xe, mới gặp gỡ lần đầu, chả màng xem tại sao người ta biết mình mà như người thân lâu ngày gặp lại, Sang vồn vã hỏi thăm sức khỏe rồi mời lên xe để về nhà anh nghỉ ngơi, cơm nước. Xe chạy ngoằn ngoèo chừng hai mươi phút vào một xóm lao động nghèo và dừng trước một ngôi nhà cấp bốn ngoài cửa có tấm biển đề lớp học tình thương. “Em ơi! Có khách từ Sài Gòn sang chơi này!”. Một người phụ nữ và hai đứa trẻ, một trai, một gái ùa ra đón, tiếp đãi ân cần.

Sinh năm 1975 tại tỉnh Đồng Tháp, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Sang chỉ học hết trung học cơ sở, phải bươn chải kiếm sống, theo bạn bè đi buôn bán làm ăn. Năm 1988, Sang phiêu bạt sang Campuchia. Học được ít tiếng Khmer lận lưng, anh đi khắp các tỉnh, thành làm nghề bán dạo, buôn heo... rồi dừng chân ở tỉnh Siem Riep. Vất vả kiếm từng đồng riel nhưng Sang vẫn không quên chú tâm tìm hiểu phong tục, tập quán của người dân bản địa. Dành dụm được chút tiền, anh đi học tiếng Anh. Thấy nơi này có nhiều danh lam thắng cảnh, có nhiều người đến thăm thú, Sang học nghề hướng dẫn viên du lịch. Cần cù, nhanh nhẹn, thân thiện, vui tính nên Chan Sang - tên Campuchia của Bùi Hoàng Sang - nhanh chóng chiếm được cảm tình của du khách. Đầu tiên chỉ chạy vòng ngoài đưa khách đi lấy phòng, ăn uống, mua sắm, dần dần anh tự tin nói trước đoàn khách cả chục, cả trăm người về sự hùng vĩ, nét văn hóa của đền đài, lăng tẩm Angkor, Ta Prohm, Bakheng, Wat Phnom, Tonlé Sap, nét huyền diệu của điệu múa apsara, cuộc sống bình dị của người dân Campuchia hiền hòa… Từ một anh chạy việc vặt, đến nay, Sang đã đường đường là phó giám đốc của một công ty du lịch.

Sáng sớm hôm sau, Sang rủ tôi nhập đoàn khách của Công ty du lịch tỉnh Đồng Tháp vừa sang Siem Riep để đi tham quan quần thể đền Angkor. Đến đền Angkor, Sang tay trái cầm cờ, tay phải cầm loa, giọng ấm áp lúc uyên bác khi dí dỏm giới thiệu từ quá trình xây dựng, chất liệu đến những họa tiết hoa văn độc đáo khắc trên từng centimet vuông vách đá đền đài, gắn liền với sự tích văn hóa và quá trình phát triển của dân tộc Khmer.

Để người Việt ngẩng cao đầu

Nhà nghèo, không có tiền đi học nên cuộc đời của cô bé Ouk Channy, sinh năm 1983, tưởng như mãi gắn với nghề buôn bán vặt cùng mẹ ở chợ. Nhưng rồi một ngày, Sang  vào chợ mua hàng giúp vợ, gặp và chuyện trò với Channy, Sang thấy thương quá nên xin phép mẹ em cho em đến nhà mình học. Đọc thông, viết thạo tiếng Việt, tiếng Anh rồi, thấy Channy nhanh nhẹn, ham học, Sang dạy tiếp những bí kíp để trở thành hướng dẫn viên du lịch. Channy học say mê và sau hai năm vừa học vừa theo thầy Sang đi làm, cô đã tự tin ra nghề. Đi làm hướng dẫn viên, thông dịch cho những người Việt sang Siem Riep buôn bán… túi bụi, nhưng những ngày rảnh, Channy lại rất thích thú đi phụ giúp thầy Sang, khi thì đi lấy cái vé xe cho khách, lúc dẫn đoàn thăm thú khắp nơi… “Anh trai em là Sok Try, sinh năm 1977, cũng được thầy Sang dạy nghề và đưa đi theo làm việc. Trung bình mỗi tháng chúng em kiếm được từ 450 USD đến 700 USD”, Channy vui vẻ cho biết. Để có những cuộc đổi đời như của Ouk Channy, Sok Try, Sok Hen… là hành trình nhọc nhằn của Bùi Hoàng Sang bắt đầu từ năm 2004.

Lớp học đơn sơ của anh Bùi Hoàng Sang đã gieo chữ, dạy nghề cho hàng trăm thanh thiếu niên người Việt nghèo ở Siem Riep.

Lớp học đơn sơ của anh Bùi Hoàng Sang đã gieo chữ, dạy nghề cho hàng trăm thanh thiếu niên người Việt nghèo ở Siem Riep.

Đi nhiều nơi ở Siem Riep cũng như các tỉnh, thành ở Campuchia, điều Sang dễ nhận thấy nhất là nhiều bà con Việt kiều đều nghèo túng. Vun vén cuộc sống hàng ngày đã khó, lấy đâu ra tiền cho con đi học. Thế nên, nhiều em 15 tuổi, 16 tuổi mà tiếng Việt không biết, tiếng Campuchia không rành, đói ăn, nghèo văn hóa.

Không có chữ thì không thể ngẩng đầu lên được. Nghĩ vậy nên đầu năm 2004, Sang quyết định mở lớp học tình thương. Thuê miếng đất rộng 200m² với giá 100 USD/tháng ở tít sâu trong xóm lao động nghèo, Sang bỏ tiền dựng căn nhà cấp bốn, mái lợp tôn, vách ghép chỗ gỗ, chỗ lá…; một phần nhỏ để ở, còn lại dành làm lớp học. Nhặt nhạnh gỗ về đóng bàn ghế, mua phấn bảng, bút mực, sách vở... rồi đi tìm học sinh.

Sau một tháng đến từng nhà, từng khu chợ, bến xe… vận động, Sang ngỡ ngàng khi thấy ngày khai giảng có 60 em đến học, lớp không đủ chỗ ngồi. Kể từ ngày ấy, từ sáng sớm quay như chong chóng với các đoàn khách du lịch, 16 giờ Sang lại chạy ngay về nhà để uốn nắn cho các em học sinh từng nét chữ, nết người. 20 giờ 30 các em ra về, Sang mới lại lọ mọ cơm nước, nghỉ ngơi. “Oải lắm, nhưng cứ nghĩ đến những ánh mắt trong veo của các em là tôi lại phấn chấn, lại cố gắng”, anh tâm sự.

Tiếng lành đồn xa, học sinh tìm đến ngày một đông, cả những con em người Campuchia cũng đến xin học. Rồi tên tuổi Sang bay về tận Việt Nam. Qua lời kể của người đã từng sang Siem Riep và được Sang giúp đỡ, có được tấm danh thiếp của Sang, cô gái trẻ Huỳnh Thị Thanh Hằng ở phường 5, quận Bình Thạnh, TPHCM cảm phục nên viết thư điện tử làm quen, động viên Sang.

Tháng 7-2006, chị Hằng sang Siem Riep du lịch và thăm Sang. Gặp gỡ ngoài đời, tình cảm giữa hai người càng thêm nồng thắm. Tình yêu nảy nở và chị đi đến quyết định ở lại cùng anh xây tổ ấm và góp sức cho lớp học.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng anh chị quyết định đầu tư 2.000 USD mở rộng lớp học, 2.200 USD mua mới 30 bộ bàn ghế học sinh, đầu tư 1.000 USD mua 9 máy may để chị Hằng vừa làm nghề vừa dạy cho các em học sinh. Dần dà quen việc, chị Hằng đảm nhiệm luôn lớp học tiếng Việt, anh Sang được rảnh rỗi chuyên tâm cho nghề nghiệp và cáng đáng lớp dạy tiếng Anh và hướng dẫn viên. Cảm phục việc làm ý nghĩa của Sang, ông Thái Bá Y, Giám đốc Bệnh viện Rasmey Siem Reap nhận bảo trợ, chăm sóc sức khỏe miễn phí cho tất cả học sinh của lớp trong vòng 3 năm…

Từ lớp học mái tôn, vách lá ấy, 120 em đã hoàn thiện chương trình lớp ba. “Tốt nghiệp”, em nào có năng khiếu thì được anh Sang giới thiệu đến các trường học chính quy hay sang lớp hướng dẫn viên, không thì các em cũng biết đọc, biết viết, biết tính toán mà mưu sinh với đời. Hai mươi sáu em học sinh lớp hướng dẫn viên khi học xong được Sang gửi đến các công ty du lịch để thực tập, làm việc và có thu nhập ổn định trung bình từ 450 USD đến 700 USD/tháng...

Ngay từ ngày còn đi buôn bán hàng rong, Sang đã bỏ ra 5 chỉ vàng mua cái máy ảnh để chụp lại phong cảnh đất nước, con người trên những nẻo đường mình đi qua cũng như cảnh sống, sinh hoạt của đồng bào người Việt. Rồi anh mua máy quay phim tự làm những phóng sự về các khu phố của người Việt: ngập nước sau cơn mưa, khu phố đèn đỏ, nhà cửa lụp xụp, ăn ở thiếu vệ sinh... “Tôi mong muốn để mai này lớp con cháu thấy thế hệ ông bà, cha mẹ đã sinh sống và vươn lên như thế nào. Một phần, những phóng sự, ảnh, phim tư liệu ấy của tôi cũng góp phần nói tiếng nói của cộng đồng với chính quyền sở tại”, anh cho biết.

THẢO LƯ

Tin cùng chuyên mục