Cởi mở hơn với truyện tranh

Lâu nay, không ít người vẫn mang định kiến với truyện tranh, cho rằng truyện tranh là nhảm nhí, vô bổ. Đây là một trong những lý do khiến truyện tranh Việt chưa thể bắt kịp với các nước trong khu vực, trong khi tiềm năng của ngành này hiện đang rất lớn.

Truyện tranh không nhảm nhí

Khi hay tin NXB Kim Đồng in lại bộ truyện Nhóc Maruko của cố họa sĩ Momoko Sakura, chị Phạm Ngọc Nga (ngụ ở đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TPHCM) không giấu được vui mừng. Bởi cách đây gần 30 năm, đây là bộ truyện đã gắn bó thân thiết với mấy chị em chị Nga. “Các câu chuyện xoay quanh cuộc sống của cô bé Maruko nhưng lại rất giống với rất nhiều gia đình khác. Hồi nhỏ, chị em tôi đọc say sưa vì thấy mình ở trong đó”, chị Nga kể. Theo chia sẻ của chị Phạm Ngọc Nga, ngoài yếu tố giải trí thì Nhóc Maruko cũng mang đến nhiều thông điệp ý nghĩa về tình cảm gia đình, giúp độc giả biết trân trọng và yêu thương gia đình mình nhiều hơn.

“Mặc dù đã đọc rồi, nhưng chắc chắn tôi sẽ đi mua bộ mới để tìm lại ký ức tuổi thơ cũng như khuyến khích các cháu đọc”, chị Nga chia sẻ. Dù chưa thể so sánh với những quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng tại Việt Nam đã và đang xuất hiện những bộ truyện tranh được đầu tư bài bản, có những bộ tập trung vào khai thác văn hóa và lịch sử dân tộc: Cô tiên xanh, Thần đồng đất Việt, Tý Quậy, Lớp học mật ngữ, Bẩm thầy Tường có thầy Vũ đến tìm, Vạn nhân ký - Noãn, Tứ Phủ Xét Giả, Long thần tướng…

Sự kiện ra mắt bộ truyện tranh Cuộc sống nhiệm mầu của Mèo Trắng của tác giả Phan. Ảnh: DU BÚT

Sự kiện ra mắt bộ truyện tranh Cuộc sống nhiệm mầu của Mèo Trắng của tác giả Phan. Ảnh: DU BÚT

Là tác giả của một số tác phẩm truyện tranh được yêu thích như Xứ Mèo, Về nơi có nhiều cánh đồng, Thị trấn Hoa mười giờ, Cuộc sống nhiệm mầu của Mèo Trắng, họa sĩ trẻ Phan (tên thật là Lê Trung Tiến) cho biết: “Truyện tranh cũng là một thể loại sách, nếu tiểu thuyết kể bằng chữ thì truyện tranh kể bằng tranh. Tôi nghĩ, chúng ta nên nhìn nhận truyện tranh giống như một bộ phim nằm trên giấy. Phim có phim thị trường, phim nghệ thuật; truyện tranh cũng có nhiều thể loại hướng tới các đối tượng khán giả khác nhau. Ai phù hợp thứ gì thì đọc thứ đó”.

Thừa nhận định kiến mà truyện tranh hiện vẫn đang phải đối diện tại thị trường trong nước, chị Hoài Sâm, giảng viên tại Viện Truyện tranh và Hoạt hình Việt Nam, nói thêm: “Thực tế, truyện tranh ở Việt Nam chưa được coi trọng, người ta chưa thấy được giá trị kinh tế, cũng như giá trị truyền thông - giáo dục và giải trí của nó. Truyện tranh rất tiệm cận với điện ảnh, đó là loại hình nghệ thuật độc đáo”.

Cơ hội cho ngành công nghiệp văn hóa

Theo Anime News Network, thị trường manga (truyện tranh Nhật) toàn cầu có giá trị 12,13 tỷ USD trong năm 2022 và lợi nhuận thu được trong năm này là 5,05 tỷ USD. Truyện tranh Hàn Quốc (Manhwa) cũng đang giữ một vị trí quan trọng tại thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, những năm qua, quốc gia này còn phát triển loại hình truyện tranh mạng (webtoon), mang lại lợi nhuận hơn 1,2 tỷ USD trong năm 2022.

Theo giới chuyên môn, tiềm năng cũng như cơ hội từ truyện tranh Việt hiện nay là không ít, hoàn toàn có thể trở thành sản phẩm mang lại lợi nhuận lớn cho ngành công nghiệp văn hóa nếu có sự đầu tư nhất định để phát triển, như Nhật Bản và Hàn Quốc đã làm. Và để có được điều này, trước hết cần cái nhìn đúng mực về truyện tranh và sự cởi mở đón nhận từ công chúng. Bên cạnh đó là sự thay đổi từ chính những người trong cuộc.

Chị Hoài Sâm cho rằng, khả năng, tài năng của các họa sĩ truyện tranh Việt Nam hiện không thua kém gì họa sĩ các nước khác. Có điều, chúng ta vẫn không có nhiều bộ truyện tranh dài tập như Nhật, Hàn, Mỹ. Một trong những lý do quan trọng là giới sáng tác truyện tranh chưa xây dựng được một tập thể làm việc. Giống như điện ảnh, luôn có một ê kíp, mỗi người đảm nhiệm một (hay vài) vai trò; truyện tranh Nhật, Hàn đã làm việc này rất tốt. Bên cạnh họa sĩ chính là các họa sĩ vẽ nền, đồ nét, vẽ cảnh…, từ đó tạo nên các tác phẩm chất lượng, dài hơi.

“Bên cạnh việc luôn khuyến khích các họa sĩ trẻ phát huy cá tính của mình với những sáng tác cá nhân, chúng tôi cũng đặc biệt đề cao tinh thần tập thể trong môn học sáng tác nhóm. Chúng ta cần biết cách hòa vào nhau mà vẫn giữ được mình là mình”, chị Hoài Sâm chia sẻ.

“Ở Việt Nam, thị trường truyện tranh vẫn còn hơi hẹp. Độc giả chuộng truyện tranh nước ngoài hơn là truyện tranh trong nước. Công sức để vẽ nên một bộ truyện tranh rất lớn nhưng thu nhập của tác giả lại rất thấp, dẫn đến tác giả không thể trụ lâu với nghề. Ngoài ra, do quan niệm truyện tranh là cho thiếu nhi nên việc sáng tạo bị gò bó khá nhiều, các tác giả không dám đi sâu vào những đề tài khó”, tác giả Phan chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục