
…Đến với Ngũ Hành Sơn (NHS), con người có cảm giác như đang đi giữa chốn thiên thai trần gian với không gian huyền ảo, thơ mộng một cách kỳ bí. NHS là sự hòa quyện của những chùa chiền, hang động, cây cỏ và tiếng chuông vang vọng. Nó vừa hoang sơ yên tĩnh như thôn quê, nhưng lại mang vẻ kỳ bí, nửa hư nửa thật như cõi thiên thai giữa chốn trần gian…
Trong tư duy triết học của phương Đông, Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ (ngũ hành) là những yếu tố cấu thành vũ trụ. Có lẽ, chính sự trùng hợp ngẫu nhiên đó, năm ngọn núi của NHS là Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn, Thổ Sơn tự mang trong mình những vẻ kỳ bí dị thường.

Phong cảnh Ngũ Hành Sơn.
Truyền thuyết kể rằng: “Ngày xưa, nơi đây, có một ông già sống đơn độc trong một túp lều tranh trên vùng biển toàn cát trắng. Một hôm, bầu trời mây đen giăng kéo, biển nổi cơn thịnh nộ và xuất hiện một con giao long khổng lồ vùng vẫy trên bãi cát đẻ ra một quả trứng khổng lồ rồi lặng lẽ ra đi. Không lâu sau, một con rùa vàng xuất hiện, tự xưng là thần Kim Quy, đào cát vùi quả trứng xuống bãi cát.
Thần Kim Quy tặng cho ông lão một chiếc móng vuốt và giao cho ông già nhiệm vụ bảo vệ giọt máu hồng của Long Quân. Càng ngày, quả trứng càng lớn và vươn cao chiếm cả một vùng rộng lớn.
Một hôm, vừa chợp mắt, ông lão nghe có tiếng lửa cháy. Bỗng dưng, trong lòng trứng xuất hiện một cái hang động với không khí mát lạnh. Từ trong hang động, một cô gái xinh xắn bước ra. Nơi ấy là năm hòn đá cẩm thạch vừa được hình thành từ năm mảnh vỏ của quả trứng khổng lồ kia…”
NHS được kết cấu bởi khối đá cẩm thạch khổng lồ mang nhiều màu sắc khác nhau: sáng đục, trắng sữa, hồng phấn, xám vân đỏ, nâu đen, xanh đậm... không quá cứng, cũng không quá mềm. Đây là chất liệu đặc biệt cho tạc tượng và chế biến sản phẩm đá mỹ nghệ của làng đá Non Nước. Và những người con của làng đá như: Nguyễn Long Bửu, Lê Bền, Nguyễn Sang…vang tiếng khắp trong và ngoài nước cũng nhờ... đá.
Thủy Sơn nằm trên dải đất hình thuẫn, theo hướng Đông Tây, rộng chừng 15 ha, cao 106 mét (là ngọn núi cao nhất trong ngũ hành). Ngọn Thủy Sơn còn có tên gọi khác là núi Tam Thai vì đỉnh núi có 3 ngọn nằm ở 3 tầng tựa 3 ngôi sao Tam Thai ở đuôi chòm Đại Hùng tinh.
Các chùa chiền và hang động tập trung chủ yếu ở Thủy Sơn. Ở ngọn Thượng Thai có Vọng Giang Đài, tháp Phổ Đồng, chùa Từ Tâm, chùa Tam Tâm, chùa Tam Thai, Hành Cung, động Hoả Nghiêm, động Huyền Không, động Linh Nham và động Lăng Hư. Ở ngọn Trung Thai có hai cổng động Thiên Phước Địa, Văn Căn Nguyệt và các động Vân Thông, Thiên Long, hang Vân Nguyệt.
Ngọn Hạ Thai có Vọng Hải Đài, chùa Linh Ứng, động Ngũ Cốc, Tàng Chân và phía dưới núi là Giếng Tiên và động Âm Phủ. Chùa Tam Thai là một ngôi chùa được xem là quốc tự và là di tích Phật giáo. Theo sử liệu, năm 1825, Minh Mạng trong chuyến tuần du Ngũ Hành Sơn đã cho xây lại chùa Tam Thai, năm 1927 đã cho đúc 9 tượng và 3 chuông lớn. Hàng năm, vào ngày 19-2 ÂL lễ hội Quan Thế Âm tại chùa Quan Âm thu hút hàng ngàn người hành hương từ khắp nơi.
Trên ngọn Thủy Sơn có một tấm bia bằng đá Trà Kiệu rộng 1m cao 2m dựng trên một nền đế rộng. Trên mặt bia khắc 3 chữ Hán lớn: “Vọng Giang Đài” (đài ngắm sông) và một dòng chữ nhỏ ghi ngày tháng năm dựng bia: “Minh Mạng thập bát niên thất nguyệt cát nhật” (Năm Minh Mạng thứ 18, tháng 7, ngày tốt). Đứng ở vị thế này có thể nhìn thấy sông Trường Giang, Cẩm Lệ bao quanh cả một cánh đồng rộng mênh mông tựa như mái tóc người thiếu nữ xoả xuống bờ vai…
Ông Mai Văn Độ- Trưởng BQL khu danh thắng NHS cho biết, chính nhờ lợi thế đó, mỗi năm NHS thu hút trên 250.000 lượt khách và thu vào cho ngân sách trên 3 tỷ đồng. Vừa qua, UBND TP Đà Nẵng phê duyệt dự án xây dựng hệ thống cabin trượt, đưa khách tham quan, nhất là người già và trẻ em lên ngọn Thủy Sơn. Kinh phí dự án gần 10 tỉ đồng, dự kiến công trình được khởi công vào đầu năm 2006.
Ngoài ra, khu danh thắng NHS còn được đầu tư 2,7 tỷ đồng để xây dựng điểm dừng chân trên ngọn Thuỷ Sơn phục vụ du khách trong mùa tham quan sắp đến.
Tuy nhiên, hệ thống giao thông từ trung tâm thành phố dẫn đến Ngũ Hành Sơn chưa thật thuận lợi. Tuyến đường Lê Văn Hiến thì quá hẹp, trong khi đó phía Đông có tuyến đường Sơn Trà – Điện Ngọc mới mở, nhưng đường tách cách khu danh thắng 500m chỉ đủ vừa cho môtô đi lại.
Nguyễn Hùng – Lê Phong