Cởi trói

Khi TPHCM lấy ý kiến các chuyên gia đóng góp dự thảo đề án chính quyền đô thị, nhiều ý kiến cho rằng, TPHCM không thể bứt phá để phát triển vì bị trói buộc bởi những quy định dọc, ngang của cơ chế, trong đó có nhiều quy định lỗi thời, không phù hợp với sự phát triển của một đô thị lớn như TPHCM.

Không ít lần đại biểu HĐND TP chất vấn lãnh đạo sở, ngành về việc giải quyết những trì trệ trong phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, nhưng khi phân tích sâu, lại thấy có nhiều vướng mắc, quy định không rõ ràng nên không thể quy trách nhiệm cụ thể cho đơn vị nào, cá nhân nào. Trên cùng một công trình xây dựng có tới 3-4 đơn vị cùng quản lý mà mỗi đơn vị có những quy định quản lý khác nhau, không đồng bộ và thống nhất với quy định của đơn vị khác.

Hiện nay, chức năng, nhiệm vụ của nhiều cơ quan, tổ chức còn rất nhiều chồng chéo, trùng lắp, chưa rõ ràng, thậm chí còn hạn chế lẫn nhau trong quản lý như giữa các ngành quy hoạch - kiến trúc, xây dựng, tài nguyên - môi trường, kế hoạch - đầu tư, giao thông - vận tải... Còn thủ tục hành chính, dù đã được cải tiến, cải cách rất nhiều lần, nhưng vẫn đang là rào cản cho sự phát triển, làm xấu môi trường đầu tư. Hiện nay, thủ tục hành chính dù được bắt đầu ở cơ quan nào cũng phải qua các bước ở những cơ quan khác nên gây ra rất nhiều phiền phức cho các tổ chức và cá nhân.

Thêm vào đó, việc thiếu rõ ràng trong phân định giữa chức năng quản lý nhà nước theo lãnh thổ với quản lý nhà nước theo chuyên ngành cũng dẫn đến tình trạng có những việc nhiều cơ quan cùng làm, thậm chí là “xâm lấn quyền hạn” trong khi nhiều việc buông lỏng, không ai làm hoặc làm không đầy đủ.

Trong khi đó, những hoạt động nhằm bảo đảm chức năng quản lý nhà nước về kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh trật tự cần được thực hiện thông qua khâu điều hành, kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm các quy định của nhà nước và của pháp luật thì còn nhiều hạn chế. Rõ ràng, với sự cồng kềnh, kém hiệu quả của việc tổ chức bộ máy hành chính như hiện nay, TPHCM cần phải sắp xếp hợp lý bộ máy theo hướng thu gọn các đầu mối và thay đổi một số chức năng để phù hợp với cơ chế quản lý mới.

Cần nhắc lại rằng, về mặt nguyên tắc, không phải ở trung ương có bao nhiêu bộ, ban, ngành thì ở TP cũng có bấy nhiêu cơ quan tương ứng. Với mô hình chính quyền đô thị, chắc chắn nhiều bất cập trên sẽ được giải quyết, tạo điều kiện cho TPHCM phát triển kinh tế-xã hội vững chắc hơn, chăm lo đời sống nhân dân được tốt hơn, đồng thời đóng góp ngân sách cho Trung ương nhiều hơn.

NGUYỄN VĂN

Tin cùng chuyên mục