Đã lâu lắm rồi không còn thấy lại một bếp củi đỏ lửa như thế, đến cả cái nồi gang dày, chiếc đũa cả đánh cơm cũng bị mất dấu. Nhà ai cũng bếp điện, nồi cơm điện. Nhanh, tiện, đỡ vất vả bao nhiêu, chỉ việc đong gạo, vo gạo, bỏ vào nồi bấm nút là có cơm ngon. Có người cãi nhưng như thế chẳng có cháy mà ăn. Kẻ bĩu môi bảo, muốn có cháy thì đợi cơm chín một lúc lại kéo nút xuống thể nào cũng có cháy.
Cũng lần mần làm theo, kéo cái nút bấm nồi cơm điện xuống một lần rồi hí hửng chờ đợi miếng cháy cơm. Đến bữa, xới cơm nhẹ tay mà thấy miếng cháy dần bong theo mà thót ruột, bởi cái mui trong nồi cơm điện chỉ là cái mui nhựa, nhẹ xều, mà sao cháy cũng bong ra được. Nghĩ là do lớp chống dính nên cháy dễ bong mà an ủi mình, thế nhưng khi đưa nhẹ cái mui vòng xung quanh nồi để lấy cháy ra thì cảm giác mất mát thật lớn. Bởi cháy ra nguyên tảng dễ như một trò chơi vậy, đấy là chưa kể đến miếng cháy mỏng, cắn vào thấy không thơm, không đã bằng một phần của miếng cháy tuổi thơ.
Cái miếng cháy cơm nấu bằng cái nồi gang dày cui ngày ấy nhất định không dễ cạy như vậy, không dễ để nấu như việc chỉ kéo một cái nút bấm xuống là được. Nấu nồi cơm bằng bếp củi vốn chẳng dễ dàng gì với những người trẻ bây giờ, vì chỉ riêng việc nhóm bếp, thổi lửa, canh lửa đã là cả một vấn đề rồi, nhưng ngày ấy đứa trẻ nào cũng làm nhoay nhoáy. Bởi đứa trẻ nào cũng từng trốn lạnh, trốn rét, trốn mưa bằng cách chạy vào bếp ngồi cùng với mẹ, với bà để hít hà hơi ấm của lửa, của than, của khói bếp thơm nồng đến cay mắt, rồi tự mình nhìn theo, tự mình học hỏi.
Nồi cơm bê lên rế, mẹ lấy đũa cả đánh tơi bồng lên, rồi mới xới ra bát từng người. Cơm còn trong nồi, nạo vét sang bên rồi mới cho cái mui mỏng lưỡi vào để cạy cháy. Lửa đều, cháy sẽ vàng, giòn tan. Mẹ khéo léo nạy dần tảng cháy lên, nếu cạo khéo sẽ được tảng cháy nguyên như cái nồi, nhưng ai vụng hay do sát nồi, thì miếng cháy cứ vụn ra, nên mới phải cạo cháy sồn sột. Có cháy, mẹ lại phải chia đều ngay khi đang còn nóng, vậy miếng cháy mới thơm, mới giòn rụm trong miệng được. Ai nhận được miếng cháy cũng phải vừa thổi, vừa cắn rôm rốp, vừa xuýt xoa vì thơm, vì ngon. Dường như những ấm áp của bếp lửa, mùi thơm của than hồng, của gạo, của lửa đỏ đã quyện vào miếng cơm cháy, khiến cho ăn xong vẫn mãi thòm thèm.
Miếng cơm cháy của tuổi thơ dày dặn và ấm áp, nên mỗi đứa trẻ đã từng lớn lên bên bếp lửa đều lưu lại trong lòng mình những hoài niệm, những nhớ thương khôn nguôi. Để đôi lúc cầm miếng cơm cháy lạ, lòng bỗng bần thần nhớ những xôn xao...