Ngày 2-5 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và IMF đã chính thức khởi động kế hoạch trợ giúp Hy Lạp trị giá 110 tỷ EUR (tương đương 147 tỷ USD). Tuy nhiên, để nhận được gói cứu trợ nhằm giải quyết khủng hoảng nợ, Hy Lạp đã phải đưa ra các biện pháp cắt giảm chi tiêu mạnh tay và điều này có nguy cơ đẩy Athens vào thế “hiểm nghèo” hơn khi khu vực sản xuất và sức mua của người dân sụt giảm mạnh.
Athens cam kết giảm thâm hụt ngân sách 30 tỷ EUR trong thời gian nhận được hỗ trợ, để mức thâm hụt ngân sách quay lại mức 3% như quy định của EU vào năm 2014 (từ mức 13,6% trong tài khóa 2009). Hy Lạp quyết định bãi bỏ tháng lương thứ 13 và 14 vốn là đặc quyền của nhân viên nhà nước và người nghỉ hưu, với hy vọng giảm tổng cộng 7,6 tỷ EUR chi tiêu công trong năm 2010 và 2011.
Ngoài ra, Chính phủ Hy Lạp cũng quyết định tăng nhiều loại thuế, từ thuế giá trị gia tăng đến thuế thu nhập, thuế bất động sản và đánh thuế vào nhiều sản phẩm như rượu, thuốc lá... với mục tiêu tăng thu nhập của Nhà nước 7,8 tỷ EUR trong vòng 2 năm sắp tới
Tuy nhiên, dư luận lo ngại rằng, liệu các biện pháp cắt giảm chi tiêu nhằm giảm thâm hụt ngân sách có nhanh chóng mang lại kết quả như mong muốn? Theo chuyên gia kinh tế Jerome Creel thuộc Viện Quan sát tình hình kinh tế Pháp (OFCE), giới tài chính luôn mong muốn Hy Lạp nhanh chóng giải quyết nợ công. Đây chính là động cơ khiến các thành viên Eurozone và IMF can thiệp và kêu gọi Athens bằng mọi giá đưa ra các biện pháp cắt giảm chi tiêu.
Song, mặt trái của chính sách thắt lưng buộc bụng này là sức mua của người dân đi xuống. Đây là một mối nguy thực sự bởi khi sức mua của các hộ gia đình Hy Lạp bị chựng lại, có khả năng nền kinh tế nước này tuột dốc theo.
Nói cách khác, Hy Lạp vì muốn giải quyết khủng hoảng tài chính lại càng bị cuốn nhanh hơn vào vòng suy thoái khi khu vực sản xuất và sức mua của người dân sụt giảm. Nếu kịch bản đen tối này xảy ra thì Hy Lạp lại càng lâm vào thế hiểm nghèo.
Chưa biết trong thời gian tới, chính sách “khắc khổ” có giúp Hy Lạp thành công hay không nhưng hiện tại chính quyền Athens đang phải đối mặt với làn sóng phản đối mạnh mẽ từ người dân trong nước. Các nghiệp đoàn tại Hy Lạp ngày 6-5 đã kêu gọi tiếp tục biểu tình chống chính phủ sau khi đã có 3 người thiệt mạng trong cuộc biểu tình biến thành bạo lực hôm 5-5.
Tình hình hỗn loạn hiện nay tại Hy Lạp gợi nhắc đến cuộc khủng hoảng tài chính tại Indonesia năm 1997-1999. Khi đó, IMF cũng đưa ra một gói cứu trợ 23 tỷ USD kèm theo yêu cầu chính phủ khi đó của cố Tổng thống Suharto phải thực thi các chính sách thắt lưng buộc bụng.
Phục hồi kinh tế chẳng thấy đâu, chỉ thấy bạo động xuất hiện trên khắp cả nước Indonesia. Khủng hoảng kinh tế, xã hội dẫn đến khủng hoảng chính trị. Giữa năm 1998, ông Suharto buộc phải từ chức tổng thống. Cuộc khủng hoảng ở Indonesia có thể coi là bài học bổ ích để Chính phủ Hy Lạp suy ngẫm kỹ lưỡng khi đưa ra những chính sách khắc phục kinh tế nước này
ĐỖ VĂN