Còn “Metro” nào chưa bị phát hiện?

Nhiều vi phạm tại Metro
Còn “Metro” nào chưa bị phát hiện?

Vụ việc Công ty Metro Cash & Carry (Metro) Việt Nam phải điều chỉnh giảm lỗ hơn 500 tỷ đồng mới đây, đã làm nhiều doanh nghiệp cảm thấy sự công bằng trên thương trường được thực thi phần nào, nhưng mặt khác họ cũng tỏ thái độ bức xúc và đặt câu hỏi: Còn bao nhiêu “Metro khác” chưa bị đưa ra ánh sáng?

Một trong những trung tâm Metro Cash & Carry của Metro ở TPHCM

Nhiều vi phạm tại Metro

Rốt cuộc Metro cũng không thể “thoát hiểm” trước khi bán hết khối tài sản và các điểm bán hàng của mình trên toàn quốc cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan với khoản lợi nhuận kếch xù: khoảng 400 triệu EUR lãi trước thuế. Động thái này chỉ được đưa ra ánh sáng khi tập đoàn phân phối này chuẩn bị rời khỏi Việt Nam trong vòng vài tháng tới (theo kế hoạch của Metro công bố trước đây).

Cũng cần nhắc lại rằng vào tháng 8 năm ngoái, nhà bán sỉ đến từ nước Đức này công bố đã đạt thỏa thuận bán chuỗi trung tâm phân phối tại Việt Nam, gồm 19 điểm bán tại 15 tỉnh, thành phố, cùng danh mục đầu tư bất động sản có liên quan. Dự kiến thương vụ sẽ được hoàn tất trong nửa đầu năm 2015 này, đồng nghĩa với việc Metro cũng sẽ chính thức rút khỏi thị trường Việt Nam sau hơn 12 năm hoạt động.

Báo chí trong nước và dư luận khi đó đặt lại vấn đề vì sao Metro liên tục khai báo lỗ và không đóng một đồng thuế nào sau nhiều năm hoạt động? Metro đã hoạt động 12 năm tại Việt Nam nhưng chỉ duy nhất vào năm 2010 Metro báo lãi, còn lại đều liên tục thua lỗ. Tính đến năm 2012, Metro báo lỗ lũy kế lên đến 598 tỷ đồng và chưa từng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, song đơn vị này lại liên tục mở rộng hệ thống lên đến 19 trung tâm trên cả nước.

Giải thích về vấn đề này, đại diện Metro cho rằng, do chi phí đầu tư một trung tâm bán sỉ rất lớn nên phải mất trung bình 3 năm, kể từ khi khai trương mới có lãi, nhất là gần đây số lượng siêu thị mới mở nhiều, doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt. Các trung tâm lại mở liên tiếp nhau, hoạt động chưa ổn định ngay nên công ty bị lỗ kéo dài. Một lãnh đạo Bộ Công thương đã từng giải thích thay cho Metro rằng: “Người ta hoàn toàn dựa vào pháp luật, đúng quy định. Tới 90% hàng hóa bán trong Metro là hàng của Việt Nam. Metro đã tạo ra việc làm cho hơn 5.000 lao động. Từ lúc thành lập tới nay, họ đã nộp 921 tỷ đồng các loại thuế khác. Đó là những đóng góp rất tốt của Metro. Còn việc thực sự họ có lỗ hay không thì Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế phải vào cuộc để kiểm tra…”.

Tuy nhiên, ngay khi Metro công bố đã thỏa thuận bán hết mảng kinh doanh của mình tại Việt Nam cho BJC, giới kinh doanh trong ngành cho rằng đây là cú thoát hiểm ngoạn mục của Metro vì trước đó Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Hiệp hội Siêu thị đã kiến nghị, yêu cầu điều tra vấn đề chuyển giá của Metro; yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc ngay. Thêm vào đó, rất nhiều chuyên gia kinh tế, giới phân tích cho rằng lý giải từ phía Metro không thuyết phục và yêu cầu phía Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế vào cuộc thanh tra nghĩa vụ thuế của Metro.

Trước phân tích đầy thuyết phục của giới chuyên gia và dưới sức ép của dư luận yêu cầu phải làm rõ việc chuyển giá Metro trước khi rút khỏi Việt Nam, cuối cùng, các cơ quan quản lý vào cuộc và sự thật không nằm ngoài dự đoán - như thông tin trên báo chí trong mấy ngày qua do Bộ Tài chính cung cấp - sau 2 tháng thanh tra, ngành tài chính đã phát hiện nhiều vi phạm tại Metro, yêu cầu xử lý, truy thu nộp vào ngân sách nhà nước 62 tỷ đồng. Con số truy thu này không lớn đối với một tập đoàn lớn như Metro và cũng chưa thể hiện hết bản chất của nó, nhưng ít nhiều đã phanh phui được một phần mánh khóe chuyển giá của nhà đầu tư này.

Khó kiểm soát?

Dư luận đặt câu hỏi vì sao việc nghi ngờ Metro trốn thuế, chuyển giá… đã được đề cập nhiều năm qua, gây bất bình đẳng trong kinh doanh đối với những doanh nghiệp bán lẻ trong nước, gây thất thoát nguồn thu ngân sách, nhưng sau nhiều lần thanh tra, kiểm tra cơ quan thuế lại không tìm ra bất cứ sai phạm nào của Metro?

Và với kết quả thanh tra lần này, một câu hỏi lớn được dư luận đặt ra là phải chăng ở những lần kiểm tra trước, Việt Nam chưa có biện pháp, quy định cụ thể để phát hiện doanh nghiệp chuyển giá, hay do năng lực của những cán bộ kiểm tra những lần trước non kém? Hoặc phải chăng cơ quan quản lý cần có sự thúc ép của dư luận mới chính thức vào cuộc hết mình?

Dẫu biết rằng việc trốn thuế, chuyển giá là vấn đề khó kiểm soát, không chỉ ở Việt Nam mà còn ngay cả ở những nước phát triển, nhưng với những trường hợp “rõ như ban ngày” như trường hợp của Metro thì rõ ràng cần phải có lực lượng chuyên môn giỏi, đạo đức và đầy trách nhiệm để vào cuộc nhằm đảm bảo một môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng, và mặt khác đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước theo quy định.

Không riêng Metro, cũng có nhiều tập đoàn nước ngoài, công ty đa quốc gia khác bị nghi ngờ có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế trong thời gian qua được nêu tên vì kinh doanh thua lỗ triền miên nhưng vẫn mở rộng hoạt động liên tục. Giống như Metro, những doanh nghiệp này có đủ mánh lới để tối đa hóa lợi nhuận khi kinh doanh tại Việt Nam, nhưng đồng thời họ cũng biết tìm ra những kẽ hở của luật pháp để có thể thu lợi.

Giới phân tích, doanh nghiệp kỳ vọng qua vụ việc của Metro, cơ quan quản lý cần có trách nhiệm hơn đối với những doanh nghiệp đã bị nghi ngờ chuyển giá trốn thuế, để Việt Nam không phải “mất cả chì lẫn chài” khi ưu đãi mời gọi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, khiến thị trường của doanh nghiệp nội địa bị ảnh hưởng, dẫn đến sản xuất trong nước gặp khó, nhưng lại không thu lợi cho ngân sách thông qua các khoản thuế.

Trước đó, Tổng cục Thuế cho biết sau Metro, Bộ Tài chính sẽ thanh tra hàng loạt các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khác có hành vi liên kết, chuyển giá. Dư luận đang chờ đợi tên những doanh nghiệp nào sẽ bị nêu truy thu thuế giống như Metro sắp tới.

XUÂN LỘC

Tin cùng chuyên mục