Công bố hai Nghị quyết của Quốc hội

Thực hiện quy định tại khoản 2, Điều 80 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Tổng Thư ký Quốc hội vừa công bố hai Nghị quyết của Quốc hội vừa được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ký chứng thực.
 Quốc hội quyết định sửa đổi bổ sung một số Bộ luật, Luật theo lộ trình cam kết trong Hiệp định CPTPP
Quốc hội quyết định sửa đổi bổ sung một số Bộ luật, Luật theo lộ trình cam kết trong Hiệp định CPTPP

Đó là Nghị quyết số 69/2018/QH14 ngày 8-11-2018 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12-11-2018 về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan.

Theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Quốc hội quyết định tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chú trọng phát triển y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Bên cạnh đó cũng tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; quyết liệt phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2019 như sau: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6-6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60-62%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 24-24,5%...

Với Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12-11-2018 về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan, Quốc hội quyết định áp dụng toàn bộ nội dung của Hiệp định CPTPP, trong đó áp dụng trực tiếp các quy định của Hiệp định CPTPP tại phụ lục 2.

Một số nội dung đáng lưu ý trong phụ lục này là việc không ban hành hoặc duy trì trợ cấp xuất khẩu đối với nông sản, trừ các biện pháp được nêu tại Điều 10, Hiệp định nông nghiệp WTO.

Hàng nông nghiệp có xuất xứ từ một bên sẽ không chịu thuế quan áp dụng đối với trợ cấp đặc biệt theo Hiệp định WTO về nông nghiệp. Cho phép cộng gộp toàn phần (được hiểu là cộng gộp phần giá trị gia tăng của sản xuất bất kỳ trên nguyên vật liệu không có xuất xứ vào trị giá có xuất xứ của thành phẩm); không yêu cầu giấy chứng nhận xuất xứ nếu giá trị hải quan nhập khẩu không vượt quá 1000 đô la Mỹ hoặc số tiền tương đương bằng đồng tiền của bên nhập khẩu, hoặc một số tiền lớn hơn do bên nhập khẩu quy định...

Tại phụ lục 3 kèm theo Nghị quyết này, Quốc hội quyết định sửa đổi bổ sung một số Bộ luật, Luật theo lộ trình cam kết trong Hiệp định CPTPP. Đó là Bộ luật Lao động; Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009; Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010); Luật An toàn thực phẩm năm 2010; Luật Phòng, chống tham nhũng (sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6, QH khóa XIV) .

Tin cùng chuyên mục