Công bố kết quả thanh tra năm 2014: Phát hiện sai phạm tăng lên

Ngày 23-1, tại Hà Nội, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Trần Đức Lượng và Phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh đã chủ trì họp báo kết quả thanh tra quý 4-2014 và năm 2014.
Công bố kết quả thanh tra năm 2014: Phát hiện sai phạm tăng lên

Ngày 23-1, tại Hà Nội, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Trần Đức Lượng và Phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh đã chủ trì họp báo kết quả thanh tra quý 4-2014 và năm 2014.

Năm 2015 sẽ thanh tra tại Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng

Theo Phó Tổng TTCP Trần Đức Lượng, trong năm 2014, ngành thanh tra tập trung thanh tra các lĩnh vực quản lý nhà nước, những vấn đề “nóng” được xã hội quan tâm. Trong năm toàn ngành đã tập trung thanh tra, kiểm tra trên mọi mặt, kết quả phát hiện sai phạm tăng lên, nhưng sai phạm về đất đến mức phải thu hồi giảm đáng kể (53,8%). Thanh tra chuyên ngành được đẩy mạnh, tăng gần 20% số cuộc so với năm 2013. Xử lý sau thanh tra đã tăng lên, đạt khoảng 70% (trước đó chỉ đạt 20% - 30%). Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo góp phần rất lớn vào phòng chống tham nhũng trong năm 2014. Qua giải quyết khiếu nại tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước trên 41 tỷ đồng, 182,7ha đất; trả lại cho tập thể, công dân 198,8 tỷ đồng, 85,3ha đất...

Trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng, năm 2014 tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật và hoàn thiện thể chế. Dấu ấn trong công tác phòng chống tham nhũng năm 2014 là kết quả phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng tốt hơn, được xã hội ghi nhận, nhiều vụ phức tạp, tồn đọng, kéo dài đã được xử lý dứt điểm, được dư luận đồng tình, hoan nghênh với mức án nghiêm khắc.

TTCP đã công bố danh mục kế hoạch thanh tra, kiểm tra chính thức năm 2015 với 25 cuộc thanh tra và 5 cuộc kiểm tra. Trong đó đáng chú ý có thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, tập trung việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu của Tập đoàn Dệt may, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam. Cùng với đó thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật nhiệm vụ trong công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa và thoái vốn đối với các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng; việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ trong công tác phòng, chống buôn lậu; thực hiện pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; đầu tư, mua sắm tài sản tại Tổng cục Hải quan và một số đơn vị trực thuộc. Thanh tra công tác quản lý nhà nước về trang thiết bị y tế và công trình y tế tại Bộ Y tế…

Nhiều dự án nằm ngoài quy hoạch vẫn được thi công

Tại cuộc họp báo, nhiều vấn đề hiện nay dư luận quan tâm đã được báo chí đặt ra với lãnh đạo TTCP. Trong đó, có nội dung mới đây TTCP đã công bố kết quả thanh tra chuyên đề diện rộng về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ (Báo SGGP đã thông tin). Cụ thể, có bộ với 12 dự án chưa có trong quy hoạch và 9 dự án không nằm trong quy hoạch nhưng vẫn được phê duyệt, triển khai thi công với tổng mức đầu tư 14.638 tỷ đồng, gây nợ đọng xây dựng cơ bản tổng số tiền 673 tỷ đồng, vậy trách nhiệm thuộc về ai?

Trả lời điều này, Phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh cho biết, việc xử lý nợ đọng là vấn đề nóng bỏng trong nhiều năm nay, được Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, nên trong năm 2014 TTCP tiến hành thanh tra chuyên đề diện rộng nội dung này. Tuy nhiên, lần thanh tra này khác những lần thanh tra trước là TTCP không thành lập đoàn thanh tra mà chỉ giám sát thực hiện và tổng hợp kết quả báo cáo từ 15 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố. Hiện nay, TTCP đang tổng hợp để báo cáo với Thủ tướng, trên cơ sở đó đề xuất kiến nghị xử lý.

Lãnh đạo TTCP cũng cho biết, đã nắm rõ danh sách những dự án nào, thuộc bộ ngành nào chưa có trong quy hoạch và 9 dự án không nằm trong quy hoạch nhưng vẫn được phê duyệt, triển khai thi công gây bức xúc. Phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh cũng yêu cầu Vụ Thanh tra khối kinh tế ngành “cởi mở” tài liệu liên quan đến thanh tra chuyên đề diện rộng để báo chí thông tin chính xác, kịp thời tới người dân. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là trong cuộc họp báo và ngay cả sau cuộc họp báo, khi các phóng viên cố gắng tiếp cận để biết thông tin rõ ràng nhưng vẫn bị Vụ Thanh tra khối kinh tế ngành (Vụ I) từ chối cung cấp thông tin vì cho rằng, nội dung báo cáo này... chưa được Tổng TTCP ký duyệt.

Sẽ vào cuộc dự án đường sắt trên cao khi cần thiết

 

Hiện trường vụ sập giàn giáo trên công trường tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông ngày 28-12-2014. Ảnh: T.L.

Dự án đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh (Hà Nội) vừa qua xảy ra nhiều tai nạn, gây bất an trong xã hội, liệu TTCP có vào cuộc thanh tra? Đó là câu hỏi được báo chí đặt ra với lãnh đạo TTCP. Theo Phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh, vì đã phân cấp quản lý cho các bộ ngành, địa phương, vì vậy TTCP không thể trực tiếp thanh tra ngay, bởi các dự án ở Hà Nội là vô vàn, TTCP không thể nắm hết, TTCP chỉ đôn đốc. “Nhưng khi có sự việc xảy ra thì TTCP cũng yêu cầu báo cáo” - ông Khánh nói.

Phó Tổng TTCP Trần Đức Lượng cũng nhấn mạnh, về dự án này, Bộ trưởng Bộ GT-VT đã chỉ đạo rất quyết liệt, kể cả việc thay nhà thầu không đủ năng lực, kết quả cũng đã có những chuyển biến tích cực. Việc xem xét, giải quyết đơn khiếu nại tố cáo phải theo quy định của pháp luật và hiện nay việc này vẫn thuộc thẩm quyền của Bộ GT-VT. Trong phạm vi thẩm quyền của mình, TTCP sẽ theo dõi sát sao, nếu thấy cần sẽ vào cuộc.

Cũng tại cuộc họp báo, nhiều chất vấn về kết quả thanh tra liên quan đến quản lý sử dụng đất đai mà UBND tỉnh Hải Dương giao cho Tập đoàn Nam Cường; việc chậm công bố kết luận thanh tra tại KCN Vũng Áng - Hà Tĩnh; kết quả thanh tra sử dụng vốn tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; thanh tra về quản lý giá vàng... cũng được báo chí chất vấn. Tuy nhiên, TTCP cho biết, các kết luận thanh tra này đang đợi ý kiến của Thủ tướng Chính phủ trước khi công khai.

Riêng về dự án KCN Vũng Áng - Hà Tĩnh, trả lời câu hỏi việc UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy chứng nhận đầu tư đến 70 năm là có vi phạm hay không, ông Trần Đức Lượng thừa nhận quy định của pháp luật hiện nay vẫn còn vênh nhau, quy định về Luật Đầu tư thì 50 năm, nhưng Luật Đất đai thì cho phép 70 năm. Vì vậy vấn đề này TTCP cũng đang phải xin ý kiến. “Vấn đề là thời hạn đầu tư này có ảnh hưởng đến sự phát triển chung hay không. Trong khi đó, Thủ tướng chỉ đạo phải tạo điều kiện để dự án phát triển” - ông Lượng nêu quan điểm.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục