Khán thính giả Việt Nam đã ít nhiều được tiếp cận với nghệ thuật nhạc kịch cổ điển, thông qua những trích đoạn, khúc mở màn, các điệu nhạc từ những vở nhạc kịch nổi tiếng thế giới như Carmen, Cây sáo thần, Đám cưới Figaro, Người thợ cạo thành Seville… Tuy nhiên, cơ hội được thưởng thức trọn vẹn một vở nhạc kịch kinh điển thế giới tại Việt Nam là rất hiếm.
Nhạc kịch được xem là thể loại có quy mô lớn nhất trong nghệ thuật âm nhạc, là loại hình tác phẩm được kết hợp từ nhạc giao hưởng với opera và sự kết hợp diễn xuất sân khấu, ánh sáng và cảnh trí. Để dàn dựng và biểu diễn một vở nhạc kịch trọn vẹn, đòi hỏi rất lớn về công sức, ê kíp thực hiện chương trình, kinh phí đầu tư và những tiêu chuẩn cao về chuyên môn: dàn nhạc giao hưởng, các nghệ sĩ hát soloist, hợp xướng… Vượt qua những khó khăn trở ngại, Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM (HBSO) đã bắt tay thực hiện vở nhạc kịch Cây sáo thần - một trong 3 vở nhạc kịch nổi tiếng nhất của Mozart - thần đồng âm nhạc vĩ đại nhất trong lịch sử âm nhạc thế giới. Chương trình diễn ra vào 2 tối 9 và 10-11 tại Nhà hát Thành phố.
Cây sáo thần kể về câu chuyện tình yêu giữa chàng hoàng tử Tamino và nàng Tamina xinh đẹp, về cái thiện và cái ác, giữa đam mê và ý chí… đem lại nhiều xúc cảm về tính nhân văn sâu sắc. Kể từ lần công diễn đầu tiên, Cây sáo thần đã luôn là một trong những tác phẩm được yêu thích nhất trong thể loại opera và hiện nay tác phẩm đứng thứ tư trong các vở nhạc kịch được biểu diễn thường xuyên nhất trên toàn thế giới.
Vở nhạc kịch Cây sáo thần tại TPHCM có sự tham gia biểu diễn của một số giọng hát opera quốc tế danh tiếng: Magnus Staveland (tenor), Halvor F. Melien (baritone), Hege Gustava Tjnn (coloratura soprano), Derek Anthony (bass) và các nghệ sĩ của HBSO: Thanh Nga, Duy Linh, Cho Hae Ryong, Ngọc Tuyền, Thu Hường… Một số nghệ sĩ Na Uy sẽ cùng tham gia biểu diễn trong dàn nhạc giao hưởng. Chương trình được dàn dựng và trình diễn dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng danh tiếng người Na Uy Magnus Loddgard.
THÚY BÌNH