Công nghệ “làm đẹp” cho gà

Từ một con gà thịt có nước da trắng bạch, chỉ cần nhúng vào hỗn hợp bột màu pha nước, sau 3 giây, lập tức da gà chuyển sang màu vàng óng, dù đem luộc nước sôi vẫn không phai màu. Đó là “công nghệ” làm đẹp gà được nhiều cơ sở giết mổ gia cầm ở tỉnh Gia Lai áp dụng. Điều đáng nói, nhiều cơ sở sử dụng các loại phẩm màu không rõ nguồn gốc; nếu sử dụng lâu dài, tùy theo thành phần độc tố có trong phẩm màu sẽ gây nguy cơ ung thư.
Công nghệ “làm đẹp” cho gà

Từ một con gà thịt có nước da trắng bạch, chỉ cần nhúng vào hỗn hợp bột màu pha nước, sau 3 giây, lập tức da gà chuyển sang màu vàng óng, dù đem luộc nước sôi vẫn không phai màu. Đó là “công nghệ” làm đẹp gà được nhiều cơ sở giết mổ gia cầm ở tỉnh Gia Lai áp dụng. Điều đáng nói, nhiều cơ sở sử dụng các loại phẩm màu không rõ nguồn gốc; nếu sử dụng lâu dài, tùy theo thành phần độc tố có trong phẩm màu sẽ gây nguy cơ ung thư.

Thay màu da

Tại chợ Trung tâm Thương mại Pleiku (TP Pleiku, Gia Lai) có ít nhất 2 điểm giết mổ gia cầm tự nhận có khả năng “làm đẹp” cho gà thịt, trong đó cơ sở do 2 bà T. và Th. làm chủ được đánh giá có thâm niên nhất. Các cơ sở này vừa bán gà sống kiêm cả dịch vụ mổ, nhổ lông, nhuộm màu tại chỗ. Trong vai người đi mua gà, chúng tôi tỏ vẻ chê gà có màu da trắng bệch, nhìn xấu, bà T. hất hàm nói: “Gà ta màu như vậy (màu trắng-PV). Muốn da vàng phải nhúng màu”. Nói rồi, bà này mổ lấy tiết, nhúng gà vào nồi nước sôi, sau đó vớt ra và cho vào máy nhổ lông… bấm nút. Sau 20 giây, con gà trống đã được làm sạch lông, chỉ còn trơ thân mình trắng toát. Tiếp đến, bà T. mang con gà này đến nhúng vào xô đựng nước màu cất giấu ở góc quầy. Vài giây sau, bà T. vớt gà ra. Lúc này, da gà đã chuyển sang màu vàng óng đều. Để kiểm tra độ “ăn” màu của gà, chúng tôi lấy nước rửa nhưng màu không phai, đem luộc nước sôi vẫn thấy màu vàng bám trên gà. Vờ khen cơ sở nhuộm màu đẹp hơn các chỗ khác, bà T. được đà khoe màu này tự chế nên độc quyền. Nhẩm tính trong ngày, cơ sở này “đổi màu” cho khoảng 100 con gà.

Loại phẩm màu “Mỹ Hòa”, hướng dẫn để chế biến sirô được các điểm giết mổ sử dụng nhuộm màu cho gà

Đến chỗ bán, giết mổ gà của bà L. ở chợ Phù Đổng (phường Phù Đổng, TP Pleiku) chúng tôi hỏi có nhúng màu để “làm đẹp” cho gà không, bà L. chỉ tay vào xô nước màu đang cất ở góc như để xác nhận có làm. Xô nước có màu vàng nâu nhạt, nhiều sợi lông gà nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Chúng tôi chê màu nhạt, nhúng gà sẽ không đẹp, bà này giải thích màu nhạt do lúc sáng đã nhúng cho nhiều con gà rồi, đồng thời tỏ ý sẽ chế màu mới cho chúng tôi “xem hàng”. Dứt lời, bà L. lấy gói nhỏ đựng bột màu (trên bao bì không ghi nhãn mác và đã sử dụng được 2/3 bột màu) đang treo trên tường rồi bốc một nhúm bột hòa vào chén nước. Loại bột bà L. sử dụng có màu đen mun, khi đổ vào nước tự hòa tan. Bà L. mang con gà da trắng đã làm sẵn để ra nền, rồi lấy miếng ni lông chấm vào nước màu pha xoa lên thân gà. Nước màu bôi đến đâu, da gà chuyển màu từ trắng sang vàng đến đó.

Ngoài 2 điểm trên, chúng tôi còn đến 3 điểm giết mổ gà khác của bà G. (chợ Trung tâm Pleiku), ông B. (chợ Yên Thế, phường Yên Thế, TP Pleiku) và bà U. (chợ Thắng Lợi, phường Thắng Lợi, TP Pleiku) đặt vấn đề muốn “làm đẹp” màu da cho gà thì đều được các cơ sở này nhận lời. Tại những điểm này, chủ cơ sở đều khoe có nhiều kinh nghiệm và cam đoan nhuộm màu đẹp. Họ còn hướng dẫn nếu khách muốn có da gà màu đậm hay nhạt thì báo để cơ sở điều chỉnh liều lượng màu sử dụng.

Bà L. lấy nước màu bôi vào gà để khoe phẩm màu xịn

Gà nhuộm vào nhà hàng, tiệc cưới

Không chỉ nhận nhuộm màu cho gà với số lượng lẻ tẻ, một số cơ sở còn nhận cung cấp gà nhúng màu với số lượng không giới hạn cho khách hàng. Trong vai một chủ mở dịch vụ nấu ăn phục vụ các đám cưới và đang cần tìm mối cung cấp thịt gà với số lượng lớn, chúng tôi được ông B., chủ cơ sở giết mổ gà ở chợ Yên Thế (phường Yên Thế, TP Pleiku), chào mời có thể cung ứng 2 loại gà, gồm loại ngon giá 115.000 đồng/kg, loại bình thường 75.000 đồng/kg, chưa tính tiền công nhổ lông, nhuộm màu. Còn muốn nhổ lông, làm màu phải trả thêm tiền công 7.000 đồng/con. Nếu khách hàng có gà, có thể mang đến thuê ông nhổ lông, đổi màu da bao nhiêu con cũng được.

Tương tự, đại diện cơ sở giết mổ gà của 2 bà T. và Th. (chợ Trung tâm Pleiku) cũng nhận cung cấp gà thịt đã nhúng màu nếu có yêu cầu. Hỏi về đối tượng thường yêu cầu nhúng màu tại đây, bà Th, tiết lộ: “Khách lạ tôi không làm. Bên chỗ tôi có nhiều nhà hàng yêu cầu nhúng màu. Các dịch vụ làm đám cưới cũng đến đây đặt hàng. Trung bình mỗi ngày nhúng cả trăm con. Vào “ngày tốt” nên duyên lứa đôi, con số này lên đến 500 - 600 con”. Trong khi đó, cơ sở của bà U. (phường Thắng Lợi) cũng cho biết, cao điểm cơ sở này nhúng một ngày 50 con gà. Khách hàng chủ yếu là các quán cơm.

Lý giải về việc các nhà hàng, quán cơm, dịch vụ nấu ăn cho các đám cưới thích nhuộm vàng da gà, nhiều người lý giải do áp lực cạnh tranh, muốn thu hút khách buộc phải “làm đẹp” cho gà để gây ấn tượng với khách.

Nguy cơ gây ung thư

Có nhiều loại phẩm màu được các cơ sở giết mổ gà sử dụng. Vài cơ sở khoe màu do tự chế, độc quyền nên không thể tiết lộ công nghệ. Trường hợp cơ sở của bà L. (chợ Phù Đổng) sử dụng loại phẩm màu đen mun (dạng bột), bà cho biết mua lại do nơi khác làm thủ công nên không có nhãn mác. Một loại bột màu khác có tên Mỹ Hòa được đựng trong ống nhỏ, có nhiều màu gồm màu gạch tôm, đỏ tươi, vàng chanh... Trên bao bì ghi hướng dẫn dùng để tạo màu trong chế biến sirô, xôi, bánh, kẹo nhưng cũng được một số cơ sở dùng để nhuộm gà. Loại này bày bán rất nhiều ở chợ Trung tâm Pleiku với giá 4.000 đồng/lọ. Hỏi cách sử dụng, người bán cho biết thích màu nào mua về tự pha màu với nước rồi nhúng gà vào.

Ông Nguyễn Văn Đang, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Gia Lai, cho biết, đơn vị có nghe thông tin việc các cơ sở giết mổ gia cầm dùng phẩm màu để nhuộm da gà. Tuy nhiên, nhiều lần đoàn liên ngành của tỉnh đến kiểm tra các điểm giết mổ gia súc nhưng không phát việc trường hợp nào. Theo ông Đang, có 2 loại phẩm màu, gồm phẩm màu công nghiệp và phẩm màu thực phẩm. Trong đó, phẩm màu công nghiệp tuyệt đối không được phép sử dụng, còn phẩm màu thực phẩm tùy theo hướng dẫn của nhà sản xuất mà sử dụng. Riêng 2 loại phẩm màu “Mỹ Hòa” và “bột màu đen mun” mà chúng tôi ghi nhận ở các cơ sở giết mổ sử dụng, ông Đang cho rằng chưa thể xác định được phẩm màu công nghiệp hay thực phẩm. Muốn biết phải lấy mẫu đưa đi kiểm nghiệm. “Việc sử dụng những loại phẩm màu không rõ nguồn gốc xuất xứ, tùy theo thành phần có trong đó sẽ gây nguy cơ ngộ độc thức ăn, nặng hơn ảnh hưởng đến gan, thận, thần kinh. Nếu dùng lâu dài, tùy theo độc tố, thành phần trong phẩm màu còn có nguy cơ gây ung thư”, ông Đang nhấn mạnh.

VÕ PHÚC

Tin cùng chuyên mục