Công nghệ tên lửa Triều Tiên tiến bộ đến đâu?

Công nghệ tên lửa Triều Tiên tiến bộ đến đâu?

Lầu Năm Góc đã lên án mạnh mẽ chương trình tên lửa của CHDCND Triều Tiên là “mối đe dọa nghiêm trọng rõ ràng tới an ninh quốc gia Mỹ” sau khi Triều Tiên phóng thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung mới có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) cho biết tên lửa đạn đạo tầm trung mới của Triều Tiên gọi là Pukguksong-2 (KN-11) phóng thử hôm chủ nhật 12-2 có khả năng bay xa hơn 2.000km và đạt đến tốc độ Mach 8,5 (10.412km/giờ). Tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, được phóng ở một góc cao 89 độ từ một bệ phóng di động tại căn cứ không quân Banghyon ở tỉnh Bắc Pyongan, phía Tây Triều Tiên, bay hướng về phía Đông trong 14 phút theo quỹ đạo thẳng đứng và rơi xuống biển Nhật Bản với khoảng cách 500km.

Đây là lần phóng thử đầu tiên trên đất liền của một tên lửa được thiết kế phóng từ tàu ngầm. Ngày 23-8 năm ngoái, tên lửa này đã được phóng thử thành công từ dưới nước, dù không phóng từ tàu ngầm, bay 500km về phía biển Nhật Bản. Hai vụ phóng thử thành công này cho thấy Triều Tiên đang có những tiến bộ trong việc phát triển công nghệ tên lửa nhiên liệu rắn, ổn định hơn so với công nghệ tên lửa nhiên liệu lỏng Triều Tiên đã sử dụng cho tên lửa tầm trung và tầm xa khác. Sử dụng nhiên liệu tên lửa rắn có nghĩa là Triều Tiên cần ít thời gian hơn để chuẩn bị, gây khó khăn cho các vệ tinh của Mỹ theo dõi các vụ phóng.

KCNA công bố hình ảnh phóng tên lửa Pukguksong-2 từ bệ phóng di động tại căn cứ không quân Banghyon, tỉnh Bắc Pyongan, CHDCND Triều Tiên, ngày 12-2-2017

Từ cải tiến công nghệ đến ICBM

Theo các chuyên gia phương Tây, chương trình tên lửa Triều Tiên bắt đầu với việc nhập các tên lửa Scud của Liên Xô cũ trong những năm 1970. Với sự giúp đỡ của các kỹ sư từ Liên Xô cũ sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Triều Tiên đã cải tiến công nghệ tên lửa Scud thành một số phiên bản, từ Hwasong-5 và Hwasong-6 có tầm bắn vài trăm kilômét đến Nodong có thể đến 1.000 - 1.300km.

Triều Tiên đã phát triển nhiều tên lửa tầm trung, gồm Taepodong-1 có tầm bắn khoảng 2.500km, Musudan có tầm bắn khoảng 3.200km và Taepodong-2 có tầm bắn khoảng 5.000 - 9.000km. Tên lửa Taepodong-1 chỉ được thử một lần vào tháng 4-1998, phóng lên với một vệ tinh nhỏ nhưng giới quan sát phương Tây kết luận là vụ thử thất bại. Tên lửa Taepodong-2 cũng phóng thử chỉ một lần và thất bại vào năm 2006. Tuy nhiên, Triều Tiên đã cải tiến tên lửa này thành Unha, tên lửa không gian đã đưa các vệ tinh lên quỹ đạo trong tháng 12-2012 và tháng 2-2016. Tên lửa Musudan được thử rất nhiều lần, trong năm 2016 được thử 8 lần, nhưng chỉ một lần thành công, theo nhà vật lý và chuyên gia công nghệ tên lửa David Wright, đồng Giám đốc Liên hiệp Các chương trình an ninh toàn cầu của các nhà khoa học liên quan (UCSGSP).

Tháng 9-2016, Triều Tiên cũng đã tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 5. Các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên đều vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cấm Triều Tiên thử nghiệm tên lửa và vũ khí hạt nhân.

Triều Tiên có thể kết hợp một số tên lửa hiện có để xây dựng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tầng đầu từ Unha, tầng 2 từ Musudan và tầng 3 từ một loại tên lửa khác, nhưng không có bằng chứng cho thấy Triều Tiên đang làm điều này. Wright nói với Space.com: “Triều Tiên có lẽ không muốn biến Unha thành một tên lửa đạn đạo, tôi nghĩ họ muốn thực sự có một chương trình không gian dân sự riêng, như các nước. Phóng vệ tinh thì không phải là một mối đe dọa”.

Theo các chuyên gia, Triều Tiên đã tập trung vào KN-08, một phiên bản tên lửa Nga mà giới quan sát phương Tây lần đầu tiên phát hiện trong các cuộc diễu binh của Triều Tiên khoảng 5 năm trước. “Tên lửa này phù hợp là một ICBM có hiệu quả quân sự hơn so với Unha”, theo Brian Weeden, cố vấn kỹ thuật quỹ phi lợi nhuận Secure World (SWF). Ông lưu ý ưu điểm như KN-08 có thể phóng từ một xe tải, trong khi Unha đòi hỏi bệ phóng cố định. Các bước với KN-08 rõ ràng đã tiến triển nhanh chóng, ví dụ, vào tháng 4-2016, Triều Tiên đã thử trên mặt đất một động cơ nhiên liệu lỏng loại lớn có thể dùng cho ICBM hoặc cho KN-14, một phiên bản mạnh hơn.

“Sử dụng công nghệ này, ICBM di động KN-08 hoặc KN-14 cải tiến có thể mang một đầu đạn hạt nhân nhắm các mục tiêu ở xa 10.000 - 13.000km. Tầm đó, lớn hơn so với các dự báo trước đây, có thể cho phép Bình Nhưỡng nhắm các mục tiêu ở bờ Đông Mỹ, gồm TP New York hoặc thủ đô Washington”, kỹ sư hàng không vũ trụ và chuyên gia tên lửa đẩy John Schilling viết trên trang web chuyên phân tích Triều Tiên 38North.org, sau vụ thử ngày 12-2.

Triều Tiên cũng đã thử công nghệ tên lửa tái nhập khí quyển, bảo vệ đầu đạn hạt nhân khi ICBM trở lại bầu khí quyển trái đất từ quỹ đạo thấp. “Có thể chắc chắn gần 100% rằng họ đã thử tên lửa tái nhập khí quyển trên mặt đất”, theo Wit, người đồng sáng lập trang 38North.org.

Mối đe dọa ngày càng tăng

Trong năm 2016, Triều Tiên đã tiến hành 21 vụ thử tên lửa, trong đó quan trọng là thử tên lửa tầm trung Musudan trên bệ phóng di động và thử tên lửa KN-11 phóng từ tàu ngầm. Tên lửa nhiên liệu lỏng Mususdan được thử lần đầu tiên trong năm 2016, nhưng chỉ thành công 1 trong 8 vụ thử. Tên lửa nhiên liệu rắn KN-11 được thiết kế phóng từ tàu ngầm, nhưng vụ thử ngày 12-2 cho thấy tên lửa này cũng có thể được phóng từ mặt đất. Tiến bộ nhiên liệu tên lửa này cho thấy khả năng của Triều Tiên là có thể giúp các vụ phóng tên lửa khó bị phát hiện.

KN-08 và KN-14 là các ICBM phóng di động được cho là có khả năng bay đến lục địa Mỹ, nhưng Triều Tiên chưa thử các tên lửa này. Tuy nhiên, Triều Tiên đã chứng minh thành công phát triển công nghệ tên lửa tầm xa khi cuối tháng 2 đã đưa thành công một vệ tinh lên quỹ đạo bằng một tên lửa Unha 3. Giới chức Mỹ cho biết, Triều Tiên có thể sử dụng công nghệ phóng vệ tinh để phát triển ICBM.

Triều Tiên đã tuyên bố mục tiêu phát triển một đầu đạn hạt nhân thu nhỏ có thể gắn lên một tên lửa đạn đạo có khả năng tấn công Hàn Quốc, Nhật Bản hay Mỹ. Trong phát biểu ngày đầu năm mới 2017, lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố Bình Nhưỡng đang ở bước chuẩn bị cuối cùng để phóng thử ICBM. “Hầu hết mọi người nghĩ rằng thử ICBM có thể ngay trong năm nay”, theo Joel Wit, thành viên cao cấp Viện Mỹ - Hàn Quốc (USKI) tại Trường Nghiên cứu quốc tế cao cấp của Đại học Johns Hopkins. “Một vụ thử như vậy, sớm là vào đầu tháng 3 tới, khi Mỹ và Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận chung thường niên, có thể kích hoạt một phản ứng của Triều Tiên”, Wit cho biết.

Theo Wright, phát triển tối đa công nghệ phóng tên lửa từ tàu ngầm, như đã thử trong tháng 8-2016, sẽ làm Triều Tiên tăng năng lực tên lửa và nguy hiểm hơn. “Đó là điều mọi người đang theo dõi, sự kết hợp của tên lửa và tàu ngầm”, Wright nói.

Triều Tiên vốn bí mật, khó đoán và dễ tung ra những lời đe dọa, ví dụ lãnh đạo Kim Jong-un và nhiều quan chức từng nhiều lần tuyên bố sẽ quét sạch Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Wit cho biết: “Tôi nghĩ họ sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cảm thấy chế độ bị đe dọa nghiêm trọng. Tất nhiên, nó có thể xảy ra nếu có một cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên và Mỹ cùng Hàn Quốc đưa quân lên phía Bắc”.

THIỆN NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục