Công tác đối ngoại của TPHCM - 40 năm nhìn lại

Công tác đối ngoại của TPHCM - 40 năm nhìn lại

40 năm Sài Gòn - Gia Định mang tên Thành phố Hồ Chí Minh

Hơn 40 năm đã qua, một chặng đường khá dài của TP ta - TP trọng điểm của đất nước. Chặng đường đi đầy thử thách, gập ghềnh, nhiều khi phải trả giá nhưng nó đã đi đúng hướng và đã giành thắng lợi từng bước, đạt kết quả từng phần, đến nay đã có những thắng lợi khá toàn diện trong đó có góp phần của công tác đối ngoại.

Những vấn đề nóng bỏng

Sau năm 1975, nước ta, trong đó có TPHCM, phải đương đầu cuộc chiến mới từ phía Campuchia. Thực hiện khẩu hiệu “Cứu bạn là tự cứu mình”, TP ta nhận nhiệm vụ Đảng giao là phải cáng đáng một phần quan trọng trong việc chi viện cho chiến trường Campuchia về nhân lực, tài lực. Trên mặt ngoại giao, một số nước, nhất là ở Đông Nam Á, đang tìm cách cô lập ta do vấn đề Campuchia. Lúc này, liên tục nhiều phóng viên nước ngoài kể cả một số chính khách quốc tế lui tới TP để theo dõi vừa tìm hiểu vừa gây áp lực, tạo ra một không khí không thuận lợi cho ta. Mặt khác, hàng vạn người dân Campuchia lánh nạn và một bộ phận lực lượng kháng chiến của Campuchia cũng đã đến Việt Nam, 4 trung tâm tiếp đón những người Campuchia đã được mở ra tại TP và 2 tỉnh lân cận. Phối hợp với ta lúc này có bộ máy cao ủy về người tị nạn của Liên hiệp quốc đã tích cực tiếp tế cho người dân Campuchia tị nạn.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Volachith (bìa trái, hàng đầu) thăm dây chuyền xuất khẩu thanh long tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM (tháng 4-2016) Ảnh: VIỆT DŨNG

Suốt 10 năm trời, TP đã cùng cả nước tập trung cao độ để giải quyết vấn đề Campuchia, phải khẳng định một điều là với quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước ta, với chính sách đúng đắn về đối nội và đối ngoại nên vấn đề Campuchia đã từng bước giải quyết một cách tốt đẹp.

Trong quá trình giải quyết vấn đề Campuchia thì trong nội bộ ta, nhất là ở các tỉnh phía Nam có một vấn đề lớn diễn ra, đó là làn sóng di tản chạy ra nước ngoài của người dân. Theo thống kê của Liên hiệp quốc trong 3 năm cuối thập niên 80, trung bình hàng tháng số người tự động di tản bằng thuyền có từ 15.000 - 18.000 người vượt biên chạy sang các nước Đông Nam Á. Sự kiện này đã kéo theo bao tệ nạn tiêu cực và bao thảm cảnh ngoài biển. Phải chấm dứt tình trạng này, Đảng ta đã hạ quyết tâm phải chuyển từ bị động sang chủ động, phải chuyển từ hỗn loạn ra đi thành ra đi có trật tự, có tổ chức; phải chuyển từ trách nhiệm của Việt Nam thành trách nhiệm của nhiều đối tác, nhất là Mỹ và Liên hiệp quốc.

Đó là sự ra đời của chương trình ra đi có trật tự hay gọi là chương trình sum họp gia đình sau chiến tranh để khẳng định đây là một vấn đề nhân đạo, không phải là vấn đề chạy loạn. Chương trình này kéo dài trong nhiều năm mà trung tâm hoạt động của nó là tại TPHCM. Chương trình đã bảo đảm cho gần nửa triệu người ra đi, trong đó hơn 1/2 là đi Mỹ, còn lại là đi đến hơn 30 nước khác.

Số người ra đi ngày ấy, đến nay đã lần lượt có nhiều người trở về thăm lại quê hương, có một số đã xin ở lại Việt Nam - đúng như đồng chí Nguyễn Văn Linh đã kết luận hồi đó: “Họ ra đi, trước sau họ cũng trở về, họ là người Việt Nam, phải sắp xếp cho họ đi bình thường”. 

Góp sức cùng cả nước phá thế bao vây cấm vận

Bao vây cấm vận thực sự là giai đoạn khó khăn cho ta, Trung ương quyết tâm phải thoát ra khỏi tình thế này.

Hàng loạt chủ trương chính sách lớn về đối nội, đối ngoại đã được đề ra; có 2 mốc đáng ghi nhớ là: vấn đề đổi mới đề ra từ năm 1986 và việc rút quân Việt Nam ra khỏi Campuchia năm 1989 đã làm cho cục diện đối nội, đối ngoại của ta có những bước chuyển rất lớn. Một xu hướng mới với quốc tế là nhiều phóng viên, nhà kinh doanh, chính khách kéo nhau đến Việt Nam để tìm hiểu, khám phá và tìm cơ hội làm ăn.

TP ta được sự đồng ý của trên lần đầu tiên đón tiếp đoàn gồm 100 doanh nghiệp, chủ đầu tư Mỹ đến TP cùng với 40 nhà báo. Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã giao cho đồng chí Mai Chí Thọ và Phan Văn Khải trực tiếp làm việc với đoàn này. Đây là những đối tượng nước ngoài rất cần được tác động mạnh để làm đà cho các bước đi sắp tới. Qua sự kiện này, một kết luận rút ra chính ngay từ đoàn Mỹ là: “Việt Nam ngày nay không còn là cuộc chiến”. Nhiều năm liên tiếp, nhiều phóng viên và các doanh nghiệp quốc tế lần lượt đến Việt Nam, trong đó có TPHCM, nhất là sau khi ta có Luật Đầu tư. Tình hình chung chuyển biến ngày càng lợi cho Việt Nam, xu hướng cần phải bình thường hóa với Việt Nam nổi lên, ngày càng chín muồi, nhất là ở Mỹ và Đông Nam Á và đến năm 1995 thì việc gì cần đến cũng phải đến.

TPHCM nỗ lực cùng với cả nước thực thi tích cực việc mở cửa với bên ngoài, dần dà các cơ quan ngoại giao và bán ngoại giao các nước đã lần lượt đặt tại TP ta và đã tăng 9 lần so với thời kỳ 1985. Chưa kể hàng trăm văn phòng đại diện thương mại. TP đã nỗ lực  góp phần vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (1991) “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Đây cũng là tuyên bố của Bác Hồ từ năm 1947. Với sự quán triệt chủ trương về đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ quốc tế, TP đã thực hiện kết nghĩa (hay gọi là hợp tác hữu nghị) với nhiều TP lớn ở thế giới và nội dung hợp tác ngày càng đổi mới nâng cao. Việc tăng cường quan hệ với 2 nước láng giềng Lào - Campuchia đã được đặt ra một cách rất tích cực cả về số lượng lẫn chất lượng trong hợp tác.

Thực hiện Nghị quyết 22 về hội nhập quốc tế của Bộ Chính trị và các chủ trương đối ngoại khác, TP đã ngày càng thực thi đồng bộ về ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa.

Phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu

Một trong những thành tựu nổi bật của công tác đối ngoại của TP giai đoạn hiện nay là việc thiết lập quan hệ hợp tác với các địa phương trên thế giới. Nội dung hợp tác không chỉ dừng ở việc trao đổi và giao lưu hữu nghị, mà còn mang lại những kết quả thiết thực về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, quy hoạch đô thị…

Ngoại giao chính trị được xem là nền tảng vững chắc để TP phát huy tinh thần chủ động và tích cực trong hợp tác quốc tế. Việc TP trung bình hàng năm đón tiếp khoảng 130 đoàn khách quốc tế quan trọng, trong đó có nhiều đoàn nguyên thủ quốc gia, cho thấy sự quan tâm và đánh giá cao của bạn bè quốc tế đối với tiềm năng phát triển của TP.

Trên nền tảng quan hệ chính trị, TP đã đẩy mạnh ngoại giao kinh tế thông qua các biện pháp hữu hiệu như: cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, chủ động thành lập các tổ công tác để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, thiết lập cơ chế trao đổi định kỳ giữa lãnh đạo TP với đại diện nhà đầu tư. Những việc đó đã góp phần mở ra thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp TP.

Ngoại giao văn hóa giữ vững vai trò là nền tảng tinh thần trong hoạt động đối ngoại của TP. Điểm nhấn trong ngoại giao văn hóa phải kể đến Hội chợ Du lịch quốc tế TPHCM, sau 10 năm tổ chức đã xây dựng được hình ảnh của “TPHCM - Điểm đến thân thiện, hấp dẫn, an toàn” và sự kiện văn hóa - nghệ thuật đặc sắc dành cho người nước ngoài tại TP - “Lễ hội TPHCM - ngôi nhà của chúng ta” - đã tăng cường sự gắn bó và giao lưu giữa các cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại TP.

Công tác ngoại giao nhân dân tiếp tục được triển khai, các hoạt động đoàn kết hữu nghị tiếp tục được TP tổ chức dưới hình thức đa dạng, nội dung phong phú, qua đó tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị, đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam với các nước. Đáng lưu ý, TP đã chủ động phát động các đợt quyên góp cho nhân dân nước bạn bị thiên tai, khiến bạn rất xúc động. TP đã thông qua công tác ngoại giao nhân dân để đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam.

Công tác người Việt Nam ở nước ngoài được TP tích cực thúc đẩy và nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Là địa phương có hơn 55% tổng số kiều bào, nơi đây đã có một lực lượng các nhà khoa học quan trọng và đã có nhiều dự án kinh tế, khoa học, kỹ thuật đang triển khai. TP ta là một trong những địa phương của cả nước thu hút lượng kiều hối lớn. Trên cơ sở nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác người Việt Nam ở nước ngoài, TP đang ngày càng hoàn thiện việc triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài .

 Nâng cao chất lượng công tác đối ngoại

Công tác đối ngoại của TP ngày nay không còn là riêng của một cơ quan ngoại giao của nhà nước, nó đang phát triển theo nhiều chiều, nhiều nấc, nhiều lĩnh vực của hệ thống chính trị của đất nước. Công tác đối ngoại của một địa phương như TP ta cần phải gắn kết các khâu hữu cơ. Đó là, gắn sự chỉ đạo đối ngoại của Bộ Ngoại giao với sự chỉ đạo của cấp ủy địa phương; gắn bó mật thiết giữa ngoại giao Nhà nước với ngoại giao nhân dân, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và an ninh; sự phối hợp hỗ trợ nhau giữa cơ quan đối ngoại của TP với đối ngoại các tỉnh lân cận.

Vấn đề lớn đặt ra là bảo đảm cho những người làm công tác đối ngoại nắm bắt kịp tình hình và kịp các đối sách. Ngoài ra, vấn đề thông tin đối ngoại của TP ta, nhất là báo chí đã có những bước phát triển rất tốt, kịp thời, có chiều sâu. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay và sắp tới, có khả năng sẽ phải sử dụng rất nhiều về mặt đấu tranh dư luận và đấu tranh trong lĩnh vực ngoại giao nhân dân để bảo vệ chủ quyền đất nước. Có những lúc, ngoại giao Nhà nước chưa lên tiếng nhiều nhưng báo chí và nhân dân thì phải lên tiếng, đây là đấu tranh đa cấp, đa dạng thường xảy ra.


VŨ HẮC BỒNG
Nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM

Tin cùng chuyên mục