
Có nhiều cách “hóa thân” để tiếp cận thông tin thực hiện phóng sự điều tra. Riêng tôi, các bài phóng sự, điều tra đều ít nhiều dựa vào đội ngũ cộng tác viên. Họ thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội, từ anh lái xe ôm đến anh công an…
Bệnh nhân bất đắc dĩ!
Một buổi sáng, anh Hoàng, nhà ở quận Thủ Đức hộc tốc đến tòa soạn tìm tôi và thông báo về sự lộng hành của một ông lang tại địa phương. Anh Hoàng nói với giọng căm tức: “Bà cô tôi bị ung thư, không biết nghe lời ai lại đi “khám bệnh” ông thầy Bảy “Chọt” (ông này chuyên dùng một cây que bằng inox chọc vào các huyệt của bệnh nhân) ở phường Linh Trung. Hơn 1 tháng “hốt thuốc” và “bấm huyệt”, bà cô tôi bệnh càng nặng hơn và vừa mất cách đây mấy ngày!”.
Tôi đề xuất đi tìm hiểu để viết bài và được ban biên tập đồng ý. Tuy nhiên, đến phòng khám của ông Bảy “Chọt”, giả dạng làm bệnh nhân thì không khó nhưng làm sao có ảnh để minh họa cho bài viết thuyết phục mới khó. Chính vì lý do này, tôi đã nài nỉ Đại úy Tuấn “đen” (lúc đó đang công tác ở Văn phòng Công an TPHCM) đi cùng đến phòng khám của ông Bảy “Chọt”.

Các trang trại nuôi gà đang đổ phân xuống dòng sông Đồng Nai (ảnh chụp được nhờ CTV đưa vào khu vực của các trang trại nuôi gà).
Áo tay dài xả “mút khung” và không thèm gài nút, cái quần cũ kỹ dính nhiều vết sình ở đầu gối…, trông Tuấn “đen” không khác gì một anh Hai Lúa. Vừa bước vào phòng khám, Tuấn “đen” thả mình xuống chiếc ghế xếp cái phịch và thở hùng hục.
Căn phòng nóng hầm hập, bên ngoài có khoảng 4 người đang đợi. Ông Bảy “Chọt” đang chậm rãi bày bộ đồ nghề lấy từ trong cái tủ kính cũ kỹ. Thấy Tuấn “đen” có vẻ mệt nhọc, thầy Bảy hỏi: “Chà “cậu nam” này bệnh nặng dữ à! Sao biết tôi mà đến đây!”. “Dạ! Tôi bị nhức đầu mấy bữa nay, không ăn uống gì được. Có bà cô ở chợ Thủ Đức giới thiệu nên tìm đến đây nhờ thầy Bảy giúp!”.
Tôi lẳng lặng bước ra khỏi phòng và vòng qua phía cửa sổ, móc máy chụp hình ra. Đúng như kế hoạch, bên trong nhà Tuấn “đen” đã chủ động ngồi quay mặt ra cửa sổ. Thầy Bảy đưa 2 tay xoa vào nhau rồi lặng lẽ đặt tay lên đầu “bệnh nhân”. Sau vài phút “xoa đầu”, thầy Bảy bắt đầu lấy que inox ra đo đo rồi chọt chọt. Tôi bấm liền mấy kiểu ảnh trong lúc thầy Bảy khom người “chọt” lên lưng Tuấn “đen”.
Ở ngoài cửa sổ, tôi vẫn còn nghe rõ câu hỏi của Tuấn “đen”: “Sao thầy không dùng tay bấm mà lấy cái que chọt chọt vậy thầy?”. “Trên thân thể người ta có nhiều huyệt lắm. Thầy đang khai thông huyệt đạo cho cậu nam đó. Có nhiều huyệt ở chỗ kín của phụ nữ, mình dùng tay không tiện!”. Sao vài phút “chọt chọt”, thầy Bảy lấy một số bọc giấy trao cho Tuấn “đen” và dặn dò kỹ lưỡng. Theo thầy Bảy, đó là loại thuốc gia truyền trị bá bệnh. Theo quan sát, hình như ai bị bệnh gì thầy cũng cho mấy viên thuốc đen thui như thế...
Chó rượt giữa rừng!
Cách đây hơn 1 năm, dư luận rộ lên vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng trên sông Đồng Nai. Các chủ trang trại đã lén đổ phân gà trực tiếp xuống sông, khu vực cầu La Ngà và lòng hồ thủy điện Trị An. Ban biên tập đã chỉ đạo chúng tôi xuống ngay hiện trường để phản ánh thực trạng này.
Do một số trục trặc khách quan, đến đầu giờ làm việc buổi chiều anh em chúng tôi mới khởi hành. Khi đến hiện trường trời đã gần tối, địa điểm ô nhiễm thì chẳng biết ở đâu nhưng để bảo mật chúng tôi không dám hỏi người dân. Vì vậy, chúng tôi theo “nguyên tắc”: Nếu chủ trang trại đổ phân gà trực tiếp xuống sông thì mình đi dọc theo dòng sông để kiểm tra! Thế nhưng, hơn chục lần quẹo vào các lối mòn toàn gặp ngõ cụt, chẳng thấy cái trang trại nào.
Trời tối dần, anh em chúng tôi ghé vào một quán nước bên đường với tâm trạng thất vọng. Đành phải thay đổi phương án! Trong vai một người cần mua đất để thành lập trang trại, tôi lân la hỏi một ông già: “Chú biết ai bán đất không? Chúng tôi muốn mua vài công đất để mở trang trại nuôi gà!”. Chỉ nghe có vậy, ông già gạt ngang và chửi xơi xơi: “Thôi chú em! Chú em mua đất trồng cà phê hay tiêu, điều thì tôi chỉ liền. Còn làm trang trại nuôi gà thì “bỏ đi Tám”! Bà con khổ cực lắm rồi. Nói xin lỗi chú nghe, “tụi nó” ăn ở “ác nhơn, thất đức” lắm. Đổ phân gà xuống sông vậy ai chịu cho nổi!”.
Biết bắt “trúng mạch”, tôi nói thiệt luôn: “Xin lỗi chú, tụi cháu là nhà báo. Đang muốn đến mấy cái trang trại đó mà không biết đường. Nhờ chú chỉ giùm!”. Ông già vui ra mặt: “Trời Phật! Sao không nói trước. Để tôi kêu thằng con tôi đang chạy xe ôm đưa chú đi!”.
Đường vào trang trại khá quanh co, khúc khuỷu, trơn trợt mà lại vắng hoe. Đi vào sâu hơn 2 cây số mà vẫn chưa đến trang trại mà chúng tôi cần tìm. Trời tối dần mà xe của anh Sáu - con ông già mà chúng tôi gặp ở quán nước - lại hư đèn. Điện thoại di động thì khu vực này lại không có sóng. Rồi anh Sáu dừng xe bên hàng rào, chỉ tay về phía bờ sông và nói: “Anh thấy mấy cái bao xanh xanh không? Tụi nó vừa bỏ phân gà xuống sông đó!”.
Trong ánh sáng chập choạng, lờ mờ, tôi còn nhận rõ dưới sông lềnh bềnh từng đống phân gà chưa kịp chìm. Xa xa phía sau hàng rào là một căn chòi lá. Tôi ngồi thụp xuống chụp hình và bất đắc dĩ phải sử dụng đèn flash. Hai, ba ánh đèn liên tục phát ra. Đang tính chụp thêm “kiểu nữa” bỗng tiếng chó sủa vang trời. Hai con chó từ trong căn chòi lá phóng ra. Tôi ôm máy ảnh chạy thục mạng về phía chiếc gắn máy mà anh Sáu chờ sẵn...
Phải nói rằng, nhờ có các CTV dũng cảm đã giúp chúng tôi tiếp cận vụ việc và hỗ trợ thêm thông tin để phanh phui những tiêu cực trong đời sống, xã hội thông qua những bài phóng sự điều tra như thế.
Đoàn Hiệp
(SGGP 12G)