Cổng thông tin giao thông TPHCM: Tăng cường tương tác với người dân

Chỉ trong thời gian ngắn, Cổng thông tin giao thông TPHCM liên tiếp được tăng thêm nhiều loại hình thông tin thiết thực cho người dân thành phố.
Mở rộng loại hình thông tin
Vào lúc 13 giờ ngày 10-4 vừa qua, tại Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn (TTQLđHSG) đã diễn ra lễ ký kết quy chế phối hợp nhằm cung cấp thông tin, kết quả quan trắc môi trường lên bảng thông tin giao thông điện tử, liên kết giữa Sở Giao thông Vận tải (GTVT) với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT).
Theo đó, hàng tháng vào trước ngày 25, Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (thuộc Sở TN-MT) sẽ cung cấp thông tin về kết quả quan trắc môi trường cho TTQLĐHSG (thuộc Sở GTVT) để nơi đây đưa lên các bảng thông tin giao thông điện tử ngoài trời đang vận hành trên địa bàn thành phố. Các thông tin được cung cấp, bao gồm thông tin về chất lượng môi trường không khí, chất lượng môi trường nước sông và kênh rạch. Như vậy, kể từ nay, thông qua hệ thống bảng điện tử đặt ở nhiều nơi trên toàn địa bàn thành phố, hàng tháng cộng đồng cư dân sẽ được thông tin một cách công khai các thông tin về chất lượng môi trường sống, điều mà trước đây hầu như chỉ được thông tin hạn chế giữa các cơ quan chức năng với nhau. Theo giới chuyên môn, đây cũng là cách để tác động đến ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong việc cải thiện môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường tại khu vực đang sinh sống, khuyến khích sự quan tâm và hành động bảo vệ môi trường của cộng đồng.
Cổng thông tin giao thông TPHCM: Tăng cường tương tác với người dân ảnh 1 Thông tin môi trường qua bảng chỉ dẫn giao thông. Ảnh: THÀNH TRÍ
Nhưng việc đưa các thông tin về chất lượng môi trường sống lên bảng thông tin điện tử mới chỉ là bước đầu, bởi vì như xác nhận của ông Lê Minh Triết, Giám đốc TTQLĐHSG, vào cuối tháng 4, các thông tin về kết quả quan trắc môi trường cũng được đưa lên Cổng thông tin giao thông thành phố, đồng nghĩa khi đó người dân quan tâm sẽ có thêm sự lựa chọn để nắm bắt được thông tin thay vì chỉ một cách duy nhất là đọc trên các bảng thông tin điện tử ngoài trời.
Việc mở rộng loại hình thông tin ra nhiều lĩnh vực khác là bước phát triển đáng ghi nhận của Cổng thông tin giao thông TPHCM. Bởi vì khi mới đưa vào vận hành hồi trung tuần tháng 1-2017, Cổng thông tin giao thông TPHCM bấy giờ chỉ được xem như một dạng bản đồ số về giao thông vận hành trực tuyến thông qua website tại địa chỉ: giaothong.hochiminhcity.gov.vn và ứng dụng trên thiết bị di động sử dụng hệ điều hành Android OS và IOS.
Tiếp tục bổ sung
Cho đến thời điểm này, Cổng thông tin giao thông TPHCM đang phụ trách cung cấp rộng rãi cho người dân quan tâm nhiều loại hình thông tin, bao gồm thông tin về tình hình giao thông theo thời gian thực, thông tin hình ảnh camera giám sát, thông tin vận tốc cho phép lưu thông trên các tuyến đường, thông tin về điều chỉnh phân luồng giao thông, thông tin rào chắn thi công công trình, thông tin vị trí bãi đậu xe trong các tòa nhà và trung tâm thương mại, thông tin các tuyến đường cho phép đậu xe, thông tin hướng dẫn lộ trình lưu thông, công cụ tìm đường cho người tham gia giao thông và chuẩn bị có thêm thông tin về chất lượng môi trường không khí, môi trường nước sông, kênh rạch như đã nói trên.
Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, đơn vị đang khẩn trương chuẩn bị để đến cuối tháng 5, Cổng thông tin giao thông thành phố sẽ mở rộng chức năng hoạt động. Cụ thể, Cổng thông tin giao thông TPHCM sẽ có thêm chức năng phản ánh sự cố liên quan tới ngành GTVT. Điểm đặc biệt của chức năng này là có sự tương tác với người dân, tức người dân có thêm một kênh để phản ảnh tất cả các thông tin liên quan đến lĩnh vực GTVT toàn thành phố.
Ngoài Cổng thông tin giao thông TPHCM, trước đó Sở GTVT cũng đã lần lượt đưa vào vận hành một loạt ứng dụng phần mềm theo chiều hướng tăng cường tương tác với người dân thành phố. Có thể nhắc đến phần mềm thông tin xử lý hạ tầng kỹ thuật có tên gọi “Phản ánh sự cố hạ tầng”, dễ dàng cài đặt trên điện thoại thông minh dùng hệ điều hành Android và IOS; nhờ đó, người dân TP có thể chụp ảnh và gửi tin phản ánh các sự cố hạ tầng về Sở GTVT. Một công cụ khác là trang facebook của Sở GTVT với đường link https://www.facebook.com/sgtvthcm. Khi vào trang facebook này, người dân có thể trực tiếp phản ánh các bất cập hoặc nêu ý kiến, đề xuất của bản thân liên quan đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông. Ngoài ra, ngay tại đầu mối tiếp nhận là TTQLHSG còn có 2 đường dây nóng khác là 1800.599.938 của chính TTQLHSG và phần mềm Metronet tiếp nhận thông tin 1022 được Sở GTVT tiếp nhận từ Tổng công ty Điện lực TPHCM hồi đầu năm 2016. Cả 2 đường dây nóng 1800.599.938 và 1022 đều hoạt động 24/24 giờ  và hoàn toàn miễn phí cho các cuộc gọi đến báo tin.
Trong chiều hướng hoàn thiện và xây dựng các chức năng, thông tin mới phục vụ tốt nhất cho người dân thành phố, Cổng thông tin giao thông TPHCM sẽ còn được từng bước tăng cường, bổ sung nhiều tính năng hơn nữa, chẳng hạn như tính năng cung cấp thông tin giao thông bằng giọng nói; quản lý các điểm đón trả khách trên tuyến cố định; liên thông các thông tin về xe buýt; quản lý thông tin và hướng dẫn người tham gia giao thông tìm kiếm vị trí đậu xe, cung cấp các thông tin về số chỗ đậu xe, số chỗ đậu xe còn trống, giá vé…
Trong đó, thông tin về xe buýt đang được các bộ phận liên quan chuẩn bị để chính thức đưa lên Cổng thông tin giao thông TPHCM vào cuối tháng 5-2017. Khi đó người dân sẽ dễ dàng tìm kiếm những thông tin về luồng tuyến, vị trí bến bãi, trạm dừng xe buýt…
Theo nhận xét của ông Bùi Xuân Cường, việc liên tục hoàn thiện, phát triển Cổng Thông tin giao thông TPHCM là một trong những nỗ lực của ngành GTVT thành phố để thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2016-2020. Trên thực tế, Cổng thông tin giao thông TPHCM đã mang lại hiệu quả không chỉ trong việc cung cấp thông tin cho người dân mà còn hỗ trợ cho công tác quản lý của ngành. Đây còn là kênh kết nối, tương tác giữa Sở GTVT và người dân, phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ hiện đại. Cụ thể, đối với cơ quan quản lý nhà nước, ở đây là Sở GTVT, những kênh kết nối này đã giúp sở phục vụ người dân tốt hơn, đồng thời tiếp nhận thông tin từ người dân một cách nhanh chóng, thiết thực và để Sở GTVT kịp chỉ đạo các cơ quan quản lý địa bàn trực thuộc khắc phục sự cố, qua đó góp phần đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn. Trong khi đó, người dân có thể dễ dàng nắm bắt tình hình giao thông đi lại theo thời gian thực cũng như phản ánh sự cố hoặc tham gia ý kiến, đề xuất của bản thân liên quan đến việc quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật nơi họ sinh sống.

Tin cùng chuyên mục