Một công trình nước sạch được nhà nước đầu tư 5,7 tỷ đồng, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1-2015, nhưng chỉ sau 3 tháng thì ngưng cho đến nay. Đó là công trình nước sạch ở thôn 5, xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam (ảnh).
Cửa công trình đóng đã lâu, ổ khóa hoen gỉ, khuôn viên nhà điều hành cỏ mọc um tùm, bảng hiệu còn chưa kịp gắn lên, dựng tựa bên ngoài tường nhà điều hành, các bể nước khô cạn. Theo chúng tôi tìm hiểu, nguyên nhân chủ yếu là không có kinh phí vận hành, duy tu, bảo trì công trình. Ông Lê Tuân - người được giao quản lý, vận hành hệ thống nước sạch - cho biết, bể chứa được 40m³ nước, phục vụ 270 hộ dân ở thôn 5 và thôn 6. Mỗi tháng chi phí khoảng 3 triệu đồng, gồm tiền điện bơm nước, tiền mua chất sát khuẩn và tiền lương cho người quản lý, nhưng tiền thu từ phí sử dụng nước của người dân chỉ khoảng 1,5 triệu đồng. Theo ông Tuân, hầu hết người dân chỉ sử dụng nước để ăn uống, còn tắm rửa thì vẫn dùng nước giếng. Do đó, số lượng nước sử dụng rất ít, có hộ mỗi tháng chỉ dùng 1m³ nước, mà để thu được tiền 1m³ nước, ông phải đi lại 2 - 3 lần. Do đường ống nước chôn sơ sài và cạn nên khi thi công công trình đường vào thôn 7 đã làm vỡ ống, gây thất thoát nước. Trong khi đó, tháng nào hợp tác xã cũng phải bù lỗ nên không có kinh phí để khắc phục. Theo thiết kế của hệ thống thì mỗi ngày phải 4 - 5 lần cào lớp váng phèn trên mặt bể lọc, rất tốn công.
Ngay dưới chân hồ La Ngà, chúng tôi đã gặp nhiều người dân cư ngụ tại thôn 5, xã Bình Lãnh. Họ cho biết, ở đây là vùng nước nhiễm phèn, lại thêm nhiều người bị ung thư nên khi nhà nước xây dựng công trình nước sạch, người dân rất phấn khởi. Thế nhưng, dùng nước sạch mới được hơn 2 tháng thì công trình ngưng hoạt động, bà con lại rơi vào cảnh đi gánh nước như ngày xưa. Ngặt một nỗi, mùa này các giếng đều khô cạn nên việc đi gánh nước cũng rất khó khăn, nhất là những hộ người già neo đơn.
TÂM AN (TP Tam Kỳ)