Hôm qua, 16-6, Ngân hàng Nhà nước đã công bố bản dịch báo cáo “Nghiên cứu châu Á và các thị trường đang nổi” của Công ty TNHH Chứng khoán Nomura (Tokyo – Nhật Bản).
Theo báo cáo này, hiện nay, dường như thị trường đã trở nên ngày càng quan ngại về khả năng Việt Nam có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng tiền tệ tương tự như khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1997. Tuy nhiên, sau khi xem xét nhiều yếu tố, công ty chứng khoán uy tín trên kết luận: ít có rủi ro giảm giá mạnh đối với VND do vốn ngắn hạn chảy ra. Thay vào đó, có thể có chút ít sức ép giảm giá do nhu cầu thực tế, bắt nguồn từ thâm hụt cán cân thương mại của Việt Nam.
Theo Nomura, về cán cân thanh toán quốc tế, nguyên nhân chủ yếu của sự giảm giá VND vào tháng 5-2008 là việc thâm hụt thương mại tăng do cầu trong nước mạnh mẽ. Đồng thời, các luồng vốn vào trước đây của Việt Nam chủ yếu là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các luồng vốn dài hạn khác, với các luồng “tiền nóng” ngắn hạn là hạn chế.
Về khả năng trụ vững nếu các luồng vốn chảy ra, Nomura đánh giá cao về việc khối lượng dự trữ ngoại hối (chưa kể vàng) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã lên đến 26,3 tỷ USD, tương đương 3,9 tháng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ - cao hơn nhiều so với mức 3 tháng, thường được coi là mức tối thiểu cần thiết để kiểm soát các rủi ro cán cân vãng lai.
Trong khi đó, nợ nước ngoài tính đến cuối năm 2007 là 29% GDP, thấp hơn nhiều so với mức 59,7% của Thái Lan vào cuối năm 1996 trước khi cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á xảy ra. Chỉ có 13,3% tổng số nợ nước ngoài đến hạn trong vòng một năm (tính đến cuối năm 2005). Vì vậy, Nomura khẳng định tình hình nợ nước ngoài của Việt Nam là lành mạnh.
H.Yên