Nhạc kịch Việt Nam: Khi nào hết cảnh “áo gấm đi đêm”?

Trở về từ cuộc thi nghệ thuật Ca múa nhạc toàn quốc với giải đặc biệt cho vở nhạc kịch Cô Sao, đạo diễn Huyền Nga - người đã đưa vở nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam trở lại với khán giả sau gần nửa thế kỷ vắng bóng - đã không kìm được những giọt nước mắt hạnh phúc.
Nhạc kịch Việt Nam: Khi nào hết cảnh “áo gấm đi đêm”?

Trở về từ cuộc thi nghệ thuật Ca múa nhạc toàn quốc với giải đặc biệt cho vở nhạc kịch Cô Sao, đạo diễn Huyền Nga - người đã đưa vở nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam trở lại với khán giả sau gần nửa thế kỷ vắng bóng - đã không kìm được những giọt nước mắt hạnh phúc.

Với chị, giải thưởng không chỉ là sự ghi nhận của những người trong nghề mà còn mở ra cơ hội đưa nhạc kịch xích lại gần hơn với khán giả, thoát ra khỏi cảnh “áo gấm đi đêm”…

Một tiết mục trong vở nhạc kịch Cô Sao

- PV: Nhiều người đã nhận xét rằng từ một tác phẩm tốt nghiệp đạo diễn sân khấu, vở nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam - Cô Sao của nhạc sĩ Đỗ Nhuận - đã có cuộc trở về ngoạn mục?

>> Đạo diễn HUYỀN NGA: Thực sự là may mắn lớn khi tôi nhìn lại những lần diễn mấy năm qua. Sau buổi diễn đầu tiên trong lễ tốt nghiệp, vở diễn được đầu tư công phu hơn với sự tham gia của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam cùng nhiều diễn viên Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. đặc biệt là vai trò quan trọng của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trong việc phục hồi bản tổng phổ của tác phẩm trong chương trình tại Nhà hát lớn Hà Nội, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận năm 2012. Tiếp đó, vở được đưa đi diễn ở Sơn La năm 2014, người dân đến xem chật rạp khiến tôi càng xúc động.

Lần này đưa vở diễn tới liên hoan và được trao tặng huy chương, với tôi đó là niềm động viên lớn lao trong hoạt động nghệ thuật.

- Dựng một vở nhạc kịch đối với một nhà hát đã là điều không đơn giản, chị lại “dám” tự mình dựng một vở nhạc kịch thuần Việt làm tác phẩm tốt nghiệp, điều đó có quá mạo hiểm?

Tôi học đạo diễn sân khấu tại Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Khi chuẩn bị dựng vở tốt nghiệp, tôi nghĩ sao mình không bắt đầu với một vở nhạc kịch của người Việt Nam và Cô Sao là lựa chọn duy nhất của tôi khi đó.

Khi chia sẻ ý định này, các thầy và đồng nghiệp cũng gợi ý, dựng cái gì “vừa vừa” thôi. Biết là tốn kém, vất vả, nhưng vì muốn làm nghề nên tôi quyết dựng opera và chọn Cô Sao, dù lúc đó chỉ mới có trong tay một quyển phân phổ dành cho piano. Lúc đó tôi còn không có trong tay tài liệu nào về lần dựng vở năm 1965 của đạo diễn Võ Bài và năm 1976 của đạo diễn Văn Hà. Những người tham gia vở trước kia đã về hưu từ lâu. Tuy nhiên, tự bản thân tôi cũng muốn độc lập tiếp xúc với tác phẩm như một người trẻ lớn lên trong hòa bình, để xem tác phẩm sẽ phản hồi lại cho mình điều gì, mình có cảm nhận gì về đời sống đồng bào Tây Bắc thời chống Pháp…

Đêm tốt nghiệp, tôi cũng không dám mời nhiều nhưng mọi người lại đến xem chật kín lối đi và hò reo, cổ vũ làm tôi quá đỗi ngạc nhiên và hạnh phúc. 

- Tốt nghiệp đại học chuyên ngành thanh nhạc loại giỏi tại Học viện Âm nhạc quốc gia, cơ hội đứng trên sân khấu của chị cũng rộng mở khi được tham gia vào nhiều dự án âm nhạc lớn với nước ngoài. Điều gì đã đưa chị khỏi tấm màn nhung và đến với công việc đạo diễn?

Xuất thân là ca sĩ opera, về nhà hát từ năm 1997, những năm qua, bên cạnh nhiệm vụ biểu diễn, tôi có những dịp được làm trợ lý đạo diễn cho các đạo diễn người nước ngoài trong các dự án hợp tác với Việt Nam. Cộng với những cơ hội tham gia các sự kiện ở nước ngoài, tôi tranh thủ học hỏi những kinh nghiệm đào tạo và dàn dựng, kỹ thuật diễn xuất cùng phương pháp làm việc của họ. Khi các đạo diễn về nước, nhà hát tổ chức dựng lại những vở đó, tôi lại có cơ hội là người dàn tập lại cho các diễn viên, trao đổi với họ về ý đồ của đạo diễn. Dần dần cho đến khi tôi cảm thấy mình yêu thích công việc này và đó cũng là con đường để nuôi dưỡng niềm đam mê với nhạc kịch.

- Nói tới nhạc kịch, người ta thường nghĩ tới nghệ thuật đỉnh cao, nghệ thuật bác học và không phải khán giả nào cũng sẵn sàng đón nhận loại hình ấy. Vì lý do gì mà Huyền Nga lại chọn cho mình con đường khó?

Tôi thực sự trăn trở với nỗi niềm, làm sao để nhạc kịch đến gần hơn với khán giả, làm sao để có thể gạt bỏ được định kiến “đó là món giải trí bác học, dành cho giới thượng lưu”. Thương mình và thương anh chị em đồng nghiệp! Bởi mặc dù hết sức vất vả trong tập luyện, dàn dựng một vở nhạc kịch nhưng họ rất ít có cơ hội thi thố để có huy chương, chưa kể, khán giả lại chẳng mấy mặn mà. Vì thế tôi luôn nắm bắt những cơ hội để đưa vở đi diễn, để được nhìn thấy tác phẩm dàn dựng ấy cứng cáp hơn và quan trọng hơn cả là đưa các vở diễn lại gần với công chúng hơn, hy vọng khán giả ngày một yêu mến để nghệ sĩ có cớ quay trở lại gặp gỡ khán giả. Đến khi đó, mới có thể hy vọng nhạc kịch Việt Nam không còn tiếp diễn cảnh “áo gấm đi đêm”!

MAI AN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục