
Pháp là nước có tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao trong EU. Con số thống kê tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên dưới 25 tuổi ở Pháp tháng 1-2005 là 22,8%. Theo số liệu năm 2004, tỷ lệ trung bình thanh niên dưới 25 tuổi thất nghiệp ở Pháp là 18,6%, Hà Lan 8%, Anh 12,1%, Đức 15,1%, Thụy Điển 16,3%…
Kể từ khi được Thủ tướng de Villepin công bố, luật lao động mới - Hợp đồng tuyển dụng đầu tiên (CPE) - đã bị mọi tầng lớp xã hội phản ứng gay gắt. Các cuộc biểu tình diễn ra hầu như mỗi ngày, còn mạnh hơn cả làn sóng phản đối kế hoạch cải cách an ninh xã hội của cựu Thủ tướng Alain Jupé hồi năm 1995.

Biểu tình phản đối CPE ở Paris.
Theo kế hoạch, CPE sẽ có hiệu lực vào tháng 4-2006, nhằm mục đích giải quyết nạn thất nghiệp cao thường xảy ra trong giới trẻ, đôi khi lên tới 50% tại một số khu vực.
Chính phủ hy vọng nhờ sự mềm dẻo của luật này mà khuyến khích các công ty thuê thêm nhiều thanh niên khi biết rằng họ có thể sa thải nhân viên trong trường hợp cần thiết. Người phản đối CPE thì nói điều luật này có thể bị các chủ thuê lạm dụng và thanh niên sẽ còn gặp khó khăn hơn trong quá trình tìm một công việc lâu dài.
CPE là gì?
Đây là loại hợp đồng cho thanh niên dưới 26 tuổi. Trong 2 năm đầu, chủ lao động có thể ngừng hợp đồng bất cứ lúc nào mà không phải giải thích lý do. Bản thân nhân viên cũng có quyền cắt ngang CPE. Tuy nhiên, một người từng thất nghiệp nếu được tuyển bằng CPE khi quyết định cắt ngang hợp đồng chỉ nhận được bảo hiểm thất nghiệp trong vòng 90 ngày đầu tiên.
Ở CPE, nhân viên nghỉ việc sẽ nhận được mức bồi thường tương đương 8% tổng số tiền đã nhận được từ đầu hợp đồng, bất kể có mấy năm thâm niên. Một nhân viên ký CPE được trợ cấp ngay từ tháng thứ 4, do nhà nước trả. Về đào tạo, với CPE, nhân viên có thể đi học tính theo tỷ lệ thời gian kể từ 1 tháng thâm niên.
CPE là sáng kiến cải cách của Thủ tướng Villepin, có một số chỗ giống và khác biệt so với các hình thức hợp đồng cũ. Hợp đồng lao động không xác định thời hạn vốn có (CDI) cũng không yêu cầu chủ báo trước tin sa thải đối với những người làm chưa được 6 tháng nhưng trong phần lớn trường hợp, người chủ thường đưa ra lời báo trước từ 2 tuần đến 1 tháng. Trong trường hợp cắt ngang CDI, nhân viên cũng chỉ được nhận bảo hiểm thất nghiệp trong vòng 90 ngày đầu tiên.
CDI khác CPE ở chỗ khi cắt hợp đồng, bồi thường chỉ có khi nhân viên đã được 2 năm thâm niên. Với CDD (Hợp đồng xác định thời hạn) thì tiền bồi thường lên tới 10%. Một nhân viên ký CDD hoặc CDI phải làm việc liên tục ít nhất 6 tháng thì mới được nhận trợ cấp thất nghiệp. Ở CDI, quyền cá nhân theo các khóa đào tạo chỉ được áp dụng khi đã có 1 năm thâm niên. Với CDD, có thể từ tháng thứ 4.
Nội các lục đục, thủ tướng có nguy cơ thất cử vì CPE
Thăm dò mới nhất cho thấy có đến 83% người được hỏi bác bỏ CPE, chỉ có 12% người ủng hộ. Trong khi kế hoạch cải cách của ông Jupé mặc dù bị chỉ trích nhiều hồi bấy giờ cũng chỉ có 53% người được hỏi phản đối, 44% người được hỏi ủng hộ. Hồi đó, ông Jupé đã phải lùi bước trước phong trào đình công làm tê liệt nước Pháp trong nhiều tuần liền.
Nhưng liệu ông Villepin có chịu nhượng bộ như ông Jupé? Sau đợt biểu tình với số người tham gia kỷ lục 3 triệu người hôm 28-3, giới chuyên môn đánh giá Thủ tướng Pháp không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc khăng khăng giữ nguyên ý định áp dụng CPE, bất chấp áp lực của quần chúng.
Nếu rút lại CPE, ông Villepin sẽ mất sự ủng hộ của cánh hữu và có thể sẽ phải vĩnh biệt tham vọng trở thành Tổng thống vào năm 2007. Hiện ông đang bị kẹt giữa một bên là sự giận dữ của những người biểu tình và nỗi lo sợ rằng bạo lực sẽ lại bùng phát ở ngoại ô Paris một lần nữa, với một bên là tham vọng trở thành một nhà lãnh đạo mạnh mẽ có khả năng cải cách nước Pháp - điều mà những người tiền nhiệm của ông chưa làm được.
Chuyện tìm ra một giải pháp mà không làm cho ông mất mặt hoặc mất sự ủng hộ về phía ông Sarkozy, đối thủ chính cho chức tổng thống tương lai sẽ là thử thách lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của ông de Villepin. Khổ nỗi đã xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy có sự chia rẽ sâu sắc giữa các bộ trưởng trong chính phủ vì CPE, nhất là giữa Thủ tướng và Bộ trưởng Nội vụ N.Sarkozy.
Ông Sarkozy đã gây ngạc nhiên khi tới thăm lực lượng cảnh sát chống bạo động tại điện Cộng hòa (Đông Bắc Paris) và là nơi đã xảy ra xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát. Chuyến thăm chẳng khác nào ông Sarkozy muốn người dân hiểu rằng ông hành động độc lập và có một khoảng cách nhất định với Thủ tướng Villepin, một bất lợi lớn đối với ông Villepin.
Ông Villepin cũng khiến các đảng cánh tả tức giận khi cử các bộ trưởng thay mình trả lời câu hỏi trong lúc họp nội các. Ngay cả trong nội bộ đảng UMP của ông Villepin, các thành viên cũng đang gây áp lực với Thủ tướng vì lo sợ sẽ không thoát ra khỏi “vũng lầy CPE” hiện nay.
Hội đồng Hiến pháp đã tuyên bố CPE là hợp hiến, mở đường cho Tổng thống Chirac sớm phê chuẩn văn bản này. Tuy nhiên, dù sớm hay muộn, dự luật này cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế, giáo dục, chính trị hàng ngày của Pháp trong suốt thời gian qua và có thể trong cả thời gian dài sắp tới.
* Đức: Thời gian thử việc tới đây sẽ từ 6 tháng đến tối đa 2 năm với tất cả mọi hợp đồng tuyển dụng mới, bất kể lứa tuổi; giới chủ phải có lý do chính đáng nếu muốn cắt hợp đồng.
* Đan Mạch: Các công ty không phải bỏ ra bất kỳ khoản bồi thường nào cho những nhân viên có thâm niên dưới 12 năm, không phân biệt tuổi tác. Từ 1996, thanh niên thất nghiệp có quyền được hưởng trợ cấp thất nghiệp tới 1.845 euro/tháng. Sau 6 tháng, số tiền này giảm chỉ còn một nửa.
* Anh: Nhân viên dễ bị sa thải nếu chưa đủ 12 tháng thâm niên. Chính sách “New Deal” - ký hợp đồng với một trong số những người liên quan - để giúp người đó đi làm lại hoặc tìm một công việc mới. Trong 6 tháng đầu thất nghiệp, mọi thanh niên tìm việc phải tuân theo định kỳ các khóa rèn luyện và một khóa học 2 tuần. Trong thời gian này, anh ta nhận được khoản tiền cao hơn trợ cấp tìm việc, khoảng 80 euro/tuần. Số tiền này sẽ không còn nếu anh ta không đáp ứng được tiêu chuẩn của chương trình.
VŨ KHOA tổng hợp