Cử nhân gian nan tìm việc

Khối ngành kỹ thuật, dịch vụ dễ tìm việc
Cử nhân gian nan tìm việc

Trước tình hình nền kinh tế trong nước chưa phục hồi, thiếu định hướng nghề nghiệp trong trường học đã khiến số lượng cử nhân đại học (ĐH) thất nghiệp ngày càng tăng. Đã vậy, lượng sinh viên các tỉnh trụ lại TP khá lớn gây sức ép không nhỏ về việc làm tại TPHCM.

Cử nhân ĐH tìm việc tại sàn giao dịch việc làm TPHCM. Ảnh: THU HƯỜNG

Khối ngành kỹ thuật, dịch vụ dễ tìm việc

Chỉ cần lướt qua website và mạng xã hội, có thể nhận thấy sự khác biệt về cơ hội việc làm giữa các khối ngành kỹ thuật, dịch vụ với khối ngành kinh tế, xã hội. Trong khi các trang mạng của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ĐH GTVT TPHCM, ĐH Bách khoa TPHCM, CĐ nghề TPHCM, đặc biệt là Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng… liên tục cập nhật thông tin tuyển dụng của nhiều công ty với các vị trí việc làm như kỹ sư cơ khí, kỹ sư điện, in ấn, lập trình viên, nhân viên lắp ráp, bảo trì máy… với cơ hội làm việc lâu dài, chế độ lương ổn định. Trong khi đó, các trường khối ngành kinh tế, xã hội lại vắng bóng thông tin nhà tuyển dụng.

Anh Nguyễn Trọng Phúc, vừa tốt nghiệp ngành Điện tử viễn thông, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, dù chưa được nhận bằng nhưng đã tìm được công việc ổn định tại một trung tâm truyền hình ở TPHCM. Phúc cho biết: “Có lẽ vì xu thế cần thợ hơn thầy nên trường tôi liên tục nhận được thông tin tuyển dụng từ các công ty gửi về rồi đăng tải lên mạng xã hội, website của trường. Vì vậy, tôi và các bạn kiếm được việc làm ưng ý khi vừa tốt nghiệp”.

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, từ năm 2012 đến nay, những khối ngành kỹ thuật, dịch vụ, gia công có nhu cầu nhân lực cao. Các ngành luôn khát lao động như điện tử viễn thông, cơ điện tử, luyện kim, ô tô, chế tạo máy… Trong khi khối ngành Tài chính - ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kế toán - kiểm toán… tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều nhưng mỗi năm, lượng hồ sơ thi tuyển ĐH vào những trường này luôn ở mức cao. Nhiều thí sinh đăng ký ngành thi theo trào lưu mà không quan tâm đến thị trường việc làm khi ra trường.

Như trường hợp chị Phạm Hà Phương, cử nhân ngành Tài chính - ngân hàng, ĐH Ngân hàng TPHCM, hiện làm thu ngân cho một shop thời trang, nói: “Khi nộp hồ sơ, tôi chỉ nghĩ làm ngân hàng sẽ có thu nhập cao, lại không phải dầm mưa dãi nắng. Ba mẹ tôi ở quê thấy hàng xóm khoe có con làm ngân hàng, lương bổng cao, mua được nhà, xe ở TP nên động viên tôi học ngành này cho nở mày nở mặt”.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường TPHCM, tại các sàn giao dịch việc làm, lượng cử nhân tốt nghiệp ngành Tài chính - ngân hàng, Kế toán, Quản trị kinh doanh chiếm tới 1/4 số lao động tham gia tìm việc.

Nỗ lực bám trụ TP

Trước thực trạng “người đông việc hiếm” nhưng khi ra trường, cử nhân nào cũng muốn trụ lại TP để tìm cơ hội nên chấp nhận làm đủ thứ nghề. Chị Nguyễn Thị Khuyên, cử nhân ngành Thiết kế nội thất, ĐH Văn Lang, tâm sự: “Tôi ra trường gần 2 năm nay, thời gian đầu tôi xin đi thực tập rồi thử việc với mức phụ cấp rất thấp ở một số nơi. Dù hầu hết những bản thiết kế của tôi đều được khách hàng đồng ý sử dụng nhưng cứ hết thời gian thử việc, công ty lại tìm cách hoãn ký hợp đồng và đề nghị thử việc thêm. Vì cuộc sống, tôi không trụ nổi nên xin nghỉ. Trong thời gian chờ các công ty gọi phỏng vấn, tôi xin đi làm công nhân nhưng không dám đưa ra tấm bằng ĐH, một phần vì ngại người xung quanh mỉa mai, một phần nghe nói công ty chỉ tuyển lao động phổ thông, có bằng cấp là họ gạt ra”.

Anh Nguyễn Công Tâm (cử nhân ngành Quản trị kinh doanh, ĐH Tôn Đức Thắng), ban ngày nhận làm nhân viên giao hàng cho một trang web bán hàng qua mạng, tối đến trông xe cho một quán ăn khuya để mưu sinh qua ngày. Tâm vốn là niềm tự hào của dòng họ khi là người đầu tiên có bằng ĐH nên mọi người ở quê kỳ vọng Tâm có việc làm ổn định, trụ lại TP để làm động lực cho anh chị em trong họ noi theo. Vì vậy, cơ cực là thế nhưng Tâm vẫn cố bám trụ để chờ cơ hội kiếm được việc làm ổn định...

Theo báo cáo của Bộ LĐTB-XH, cả nước có hơn 126.000 cử nhân ĐH thất nghiệp. Nguyên nhân, ngoài việc các trường đào tạo ồ ạt, không theo nhu cầu của xã hội còn có nguyên nhân khác là sinh viên chọn ngành theo trào lưu và việc hướng nghiệp cho học sinh ở các trường phổ thông còn đơn giản. Các trường ĐH tham gia tư vấn tuyển sinh luôn khẳng định, ngành nào của trường mình khi tốt nghiệp, khả năng có việc làm rất cao. Thậm chí, có trường còn đưa ra những con số ảo về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cốt để thu hút thí sinh.

Trong khi đó, các trường THPT ở tỉnh nhỏ thường được tổ chức tư vấn tuyển sinh theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” hoặc xem nhẹ công tác này. Nếu như một bộ phận học sinh ở thành thị được tiếp cận với truyền thông, được tư vấn định hướng nghề nghiệp thì học sinh vùng quê lại thiệt thòi hẳn bởi phương tiện truyền thông chưa phổ biến. Do đó, một lượng lớn thí sinh không bắt kịp nhu cầu việc làm của xã hội đang phải lao đao với cảnh thất nghiệp là điều khó tránh khỏi.

BẢO HÂN

Tin cùng chuyên mục