Cụ thể hóa trách nhiệm để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Để hoàn thành kế hoạch đầu tư phát triển của năm sau, việc giải ngân sao cho nhanh, hiệu quả là vấn đề tiếp tục được đặt ra. 
TS Đỗ Văn Sinh
TS Đỗ Văn Sinh

Năm 2020, một trong 12 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vừa được Quốc hội thông qua là tổng đầu tư xã hội tương đương khoảng 33%-34% GDP (khoảng 2.363.200 tỷ đồng), tăng hơn 16% so với kế hoạch năm 2019, trong đó vốn đầu tư công chiếm 31%. Còn theo số liệu thống kê, 10 tháng của năm nay, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt gần 50% so với kế hoạch. Rõ ràng, để hoàn thành kế hoạch đầu tư phát triển của năm sau, việc giải ngân sao cho nhanh, hiệu quả là vấn đề tiếp tục được đặt ra. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, xung quanh nội dung này.

* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp này, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Ông có bình luận gì?

 - Ông ĐỖ VĂN SINH: Giải ngân đầu tư công chậm đúng là đang trở thành vấn đề rất đáng quan ngại hiện nay, một khoảng tối trong bức tranh kinh tế - xã hội 2019 nhìn chung là sáng màu. Từ đầu năm tới nay, nhiều lần Chính phủ thúc đẩy các bộ ngành, địa phương đẩy nhanh tốc độ đầu tư công và cuối tháng 9 vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã đích thân chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về vấn đề này. Song trong 10 tháng của năm nay, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt gần 50% so với kế hoạch, đặt gánh nặng lớn lên 2 tháng còn lại của năm.

Tôi nghĩ ở đây có 2 câu chuyện chính. Năm vừa qua là năm đầu tiên chúng ta thực hiện đầu tư công trung hạn, có một số vướng mắc lúng túng do khuôn khổ pháp lý mới và đó là lý do tại sao chúng ta phải sửa Luật Đầu tư. Nhưng nếu phân tích kỹ thì thấy trong 20 điểm vướng mà tôi đồng ý với anh Lộc (ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - PV) nêu ra. Đó là chỉ có 3 vướng mắc là do luật, còn lại 17 điểm vướng khác nằm ở các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Bởi tỷ lệ giải ngân đầu tư công không phải thấp đều ở tất cả các bộ ngành, địa phương, mà vẫn có những nơi làm tốt.

Từ đó, có thể thấy nguyên nhân thứ hai là khâu tổ chức thực hiện và đó mới là then chốt. Ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư đã không đảm bảo chất lượng, dẫn đến còn tới khoảng 22.000 tỷ đồng ở thời điểm báo cáo vẫn chưa phân bổ được, hồ sơ không đủ, chất lượng dự án không đạt. Cũng do chuẩn bị không kỹ mà một số dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, bắt buộc phải lập lại đầy đủ hồ sơ, tài liệu, thủ tục và phải qua rất nhiều cấp, ngành thẩm định, cho ý kiến. Khâu đấu thầu, chúng ta rất muốn minh bạch nhưng rõ ràng vừa qua cũng chưa đạt được; rồi trong quá trình triển khai thực hiện thì công tác giải phóng mặt bằng rất khó khăn…

* Ngay trong lúc đang diễn ra kỳ họp Quốc hội thứ 8, ngày 30-10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 94 với 6 giải pháp được một số chuyên gia đánh giá là rất quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công. Quan điểm của ông thế nào?

 - Nghị quyết với 6 giải pháp mà bạn vừa gọi là “quyết liệt” đã xác định rõ hơn vai trò trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, chủ tịch UBND các địa phương. Họ phải chịu trách nhiệm chính trước Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công; chịu trách nhiệm trước Chính phủ nếu để xảy ra sai sót, hậu quả.

Thế nhưng, tôi cho rằng, về cơ bản, nghị quyết chỉ mang tính chất đôn đốc, nhắc nhở lại những nhiệm vụ đã được giao cho các bộ ngành, địa phương mà thôi. Điểm mới là làm rõ từng khâu, từng bước công việc phải hoàn thành với thời gian cụ thể. Tới đây, kể từ ngày 1-1-2020, khi Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực, một số khó khăn về pháp lý cũng sẽ được tháo gỡ thêm, nhưng nếu những yếu tố chủ quan trong chính bộ máy thực hiện không được khắc phục thì rất khó để cải thiện tình hình. Và cũng phải nói thêm rằng vì hoạt động đầu tư công liên quan đến nhiều đạo luật, trong đó đặc biệt là Luật Đất đai, nên chỉ sửa mỗi Luật Đầu tư công thôi thì chưa đủ.

* Việc sửa đổi Luật Đất đai đã một đôi lần “lỗi hẹn”. Theo kế hoạch mới nhất thì bao giờ dự thảo sửa đổi sẽ chính thức được trình Quốc hội, thưa ông?

 - Dự kiến mới nhất là Chính phủ sẽ đưa ra lấy ý kiến vào tháng 5-2020 và Quốc hội xem xét thông qua vào cuối năm 2020.

* Ông có thể giải thích rõ hơn về nhận định cho rằng, nhiệm vụ của các bộ ngành, địa phương đã khá rõ, và nếu làm đến nơi đến chốn thì tình hình đã khác, bằng chứng là vẫn có những bộ ngành, địa phương làm tốt?

- Thẳng thắn mà nói thì ở nhiều nơi, nhiều chỗ, bộ máy tổ chức triển khai các dự án đầu tư công, từ cơ quan quản lý nhà nước cho đến các chủ đầu tư (các ban quản lý dự án) trình độ năng lực có vấn đề. Qua giám sát, chúng tôi biết có những ông giám đốc ban quản lý dự án không làm đúng ngành đúng nghề, năng lực tổ chức kém, trong khi họ lại quản lý rất nhiều tiền. Nói truy trách nhiệm của người đứng đầu, rất đúng rồi, nhưng cơ chế thực hiện thì chưa có, rốt cuộc chẳng thấy ai vì làm chậm mà bị kỷ luật cả. Không chỉ riêng việc này mà cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng thế.

* Có vẻ nhiều người đứng đầu vẫn còn giữ suy nghĩ “không làm không sai”, mạnh dạn đi trước khéo lại thành trái hoặc vượt thẩm quyền. Ông có nghĩ như vậy?

 - Có hai khả năng. Một là trình độ năng lực của anh kém, không biết đúng sai thế nào, không dám quyết. Hai là biết đấy, nhưng ngại khó, không làm, nên đưa ra vô vàn lý do cho việc chậm, muộn. Tôi nghĩ từng ngành hoặc liên ngành phải có quy chế cụ thể cho ngành mình, chuyên viên được làm gì, giám đốc được làm gì, trong thời gian bao nhiêu ngày phải xong. Phải có quy trình rõ ràng mới kiểm điểm, xử lý được. Cứ mỗi khâu chậm một chút là dự án có thể bị kéo dài vài tháng, thậm chí vài năm rồi.

Tóm lại, nguyên tắc chung là phải cải cách thủ tục theo xu hướng tăng cường phân cấp. Bộ máy của chúng ta cấu trúc phải hình nón, công việc phải “tỏa” xuống các vòng lớn dần bên dưới, chứ “ôm” hết ở trên là không hợp lý vì bộ máy thì có hạn.

* Cảm ơn ông! 

Sẽ xử lý nghiêm hành vi cản trở tiến độ giải ngân đầu tư công

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, từ nay đến cuối năm 2019, bộ sẽ huy động toàn lực để đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch đề ra.

Theo đó, Bộ GTVT sẽ phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn từng dự án, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện giải ngân. Các đơn vị sẽ rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2019 từ dự án không có khả năng giải ngân hoặc giải ngân không hết số vốn được giao sang cho các dự án có nhu cầu vốn bổ sung vốn và có khả năng giải ngân tốt. Bộ GTVT cũng thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, xử lý vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.

Trong trường hợp cần thiết, Bộ GTVT sẽ thành lập tổ công tác đặc nhiệm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Bộ cũng cam kết sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình cản trở, làm chậm tiến độ giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công như thông thầu, gian lận, cản trở, hối lộ, can thiệp bất hợp pháp.

Hiện Bộ GTVT mới giải ngân được khoảng 36% kế hoạch trong tổng số vốn ngân sách được giao 26.000 tỷ đồng. Trong phiên giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã hứa sẽ giải ngân bằng tỷ lệ chung của cả nước, khoảng 90%-95%.

MINH DUY

Tin cùng chuyên mục