Tuyển sinh đại học, cao đẳng

Cửa nào cho thí sinh rớt cả 3 nguyện vọng?

Cửa nào cho thí sinh rớt cả 3 nguyện vọng?

Năm học này có khoảng 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT. Trong khi đó các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) chỉ tuyển sinh 270.000 chỉ tiêu. Cửa vào các trường ĐH, CĐ rất “hẹp”. Còn cơ hội nào cho trên 700.000 học sinh hiện nay? Trao đổi với phóng viên Báo SGGP về vấn đề này, Vụ phó Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT Trần Đình Tuyến cho biết:

Cửa nào cho thí sinh rớt cả 3 nguyện vọng? ảnh 1

Học sinh hệ trung học Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng trong giờ thực hành đo lường cảm biến.

Đến nay, vẫn còn nhiều trường trung học chuyên nghiệp (THCN) trong cả nước tuyển chưa đủ chỉ tiêu nên đã kéo dài thêm thời gian tuyển đợt 2 đến cuối tháng 10-2006.

Năm nay, để tạo điều kiện cho các trường THCN thu hút học sinh, chúng tôi đã cải tiến nhiều trong phương pháp tuyển sinh như cho các trường lựa chọn phương án tuyển sinh thi hoặc xét tuyển tùy theo điều kiện của trường.

Nếu các trường tuyển sinh không đủ chỉ tiêu theo quy định, sẽ được tuyển thêm đợt 2. Thậm chí, các trường có quyền quyết định điểm trúng tuyển để tạo điều kiện cho học sinh vào học.

- PV: Chỉ tiêu tuyển sinh năm nay có khác hơn so với mọi năm?

- Ông TRẦN ĐÌNH TUYẾN: Năm nay, cả nước có khoảng 500 trường, cơ sở đào tạo THCN với chỉ tiêu tuyển sinh hơn 260.000 học sinh, tăng 18% so với năm ngoái. Trong đó, có 75% số trường xét tuyển, 25% trường tổ chức thi tuyển.

- Cho đến nay, xã hội vẫn còn nặng tâm lý ưa chuộng khoa bảng, coi bậc học THCN vẫn là con đường “Chuột chạy cùng sào”. Ông nghĩ sao về điều này?


- Đất nước đang trên đà công nghiệp hóa, hiện đại hóa, do đó thị trường lao động đang rất cần nhiều nhân lực vững về thực hành. Đó chính là lực lượng lao động được đào tạo ở các trường THCN. Khả năng tìm việc làm của các học sinh tốt nghiệp các trường này rất lớn, lương cao. Hiện nay, nhiều ngành nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật, dịch vụ đang rất khan hiếm lao động. Các trường mới chỉ cung ứng số lao động ở các lĩnh vực này đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu thị trường lao động.

- Nhiều học sinh vẫn còn mang nặng tâm lý “học nghề mãi mãi phải làm thợ”?

Cửa nào cho thí sinh rớt cả 3 nguyện vọng? ảnh 2

Học sinh hệ trung học Trường ĐH Dân lập Kỹ thuật Công nghệ trong giờ học về kỹ thuật truyền hình. Ảnh: MAI HẢI

- “Học nghề: tốt nghiệp có việc làm ngay, lương cao, có khả năng học lên cao”. Đây chính là thông điệp chúng tôi muốn gởi gắm đến các bạn trẻ. Bởi vì, chương trình đào tạo liên thông hiện nay đã mở rộng đến 21 trường đại học, cao đẳng trong cả nước, trong đó liên thông THCN-CĐ, CĐ-ĐH, liên thông vượt cấp từ THCN-ĐH.

Ước mơ vào ĐH, CĐ là ước mơ chính đáng của các bạn trẻ. Tuy nhiên con đường học nghề không phải là hết cơ hội. Bộ GD-ĐT đang chuẩn bị họp để tổng kết chương trình thí điểm liên thông ở các trường trong thời gian qua.

Theo dự kiến cuối năm nay sẽ có văn bản chính thức hướng dẫn các trường thực hiện chương trình đào tạo liên thông. Khi đó sẽ mở rộng liên thông đến các trường trong cả nước. Với chương trình này, người học sẽ rút ngắn được thời gian, chi phí học tập và có thể học lên cao bất cứ lúc nào.

- Có ý kiến cho rằng, việc cho phép các trường ĐH đào tạo đa cấp đã vô tình “giết chết” sự tồn tại và phát triển các trường THCN?

- Chúng tôi cũng đã có ý kiến lên Bộ GD-ĐT xem xét lại việc này. Các trường ĐH có đào tạo dạy nghề là xu thế bình thường nếu họ có điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy. Tuy nhiên, mục tiêu chính của các trường ĐH vẫn là giáo dục hàn lâm, do đó không nên giao chỉ tiêu nhiều cho khối trường này để tạo điều kiện cho các trường THCN phát huy hết khả năng của mình trong lĩnh vực đào tạo nghề.

- Xin cảm ơn ông.

LÊ LINH

Tin cùng chuyên mục