
* Tiếp tục mở rộng diện đầu tư dự án bệnh viện, trường đại học…
Với 20,3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký, năm 2007 là năm FDI đạt mức cao nhất kể từ khi thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài (năm 1988) đến nay. Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, tỷ lệ giải ngân là 30% (4,6 tỷ USD). Ông Phan Hữu Thắng (ảnh), Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề này.
* Phóng viên: Thưa ông, có ý kiến cho rằng bên cạnh lĩnh vực công nghiệp – vốn là lĩnh vực thu hút được nhiều vốn FDI nhất – năm 2007, dòng vốn đã có sự phân lưu mạnh mẽ sang một số lĩnh vực khác?

* Ông PHAN HỮU THẮNG: Đúng vậy. Cơ cấu FDI năm 2007 tập trung vào các lĩnh vực kinh tế chủ chốt như công nghiệp, xây dựng, điện tử, viễn thông và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công nghệ cao. Ngoài ra, các lĩnh vực dịch vụ, hiện đại hóa đô thị, phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, chế biến nông lâm hải sản… cũng được các nhà đầu tư rất quan tâm.
Đáng lưu ý, 2007 là năm “bội thu” của lĩnh vực công nghệ cao với hàng loạt các dự án quy mô lớn như dự án nhà máy lắp ráp và kiểm tra các bản mạch in của Công ty TNHH Jabil Circuit (Mỹ) tại TPHCM với tổng vốn 100 triệu USD; hai nhà máy công nghệ cao của Tập đoàn Foxconn (Đài Loan) ở Bắc Ninh có tổng vốn 80 triệu USD. Foxconn đang có tham vọng trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng mức đầu tư trên 5 tỷ USD.
* Quy mô của các dự án trong năm nay cũng có sự tăng trưởng so với năm ngoái?
* Vốn đầu tư bình quân năm 2007 đạt khoảng 11 triệu USD/dự án, cao hơn năm trước. Nhiều địa phương đã thu hút được các dự án đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia như Phú Yên có dự án nhà máy lọc dầu Vũng Rô, số vốn 1,7 tỷ USD của Công ty Technostar Management (Anh) và Công ty Telloil (Nga); Hà Nội có dự án khách sạn - căn hộ cao cấp Keangnam của Hàn Quốc trị giá 500 triệu USD. Vĩnh Phúc có nhiều dự án công nghiệp có quy mô lớn như dự án nhà máy sản xuất xe Vespa của Tập đoàn Piaggio (Italia) có số vốn 45 triệu USD, nhà máy sản xuất máy tính xách tay của Tập đoàn Intelligent Universal (Đài Loan) tổng vốn 500 triệu USD…
Bên cạnh những nhà đầu tư “thủy chung” với VN trong nhiều năm qua, năm nay Ấn Độ xuất hiện trong danh sách 10 nhà đầu tư lớn nhất vào VN và VN cũng trở thành nước Đông Nam Á nhận vốn FDI lớn nhất từ Ấn Độ với việc triển khai hai dự án lớn là nhà máy thép cán nóng tại Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng vốn 527 triệu USD của Tập đoàn ESSAR và dự án xây dựng khu liên hợp thép Hà Tĩnh của Tập đoàn TATA. Cần lưu ý thêm rằng bản thân Ấn Độ đã được coi là quốc gia có sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài rất lớn.
* Ông bình luận gì khi có ý kiến cho rằng khả năng hấp thụ vốn FDI của VN còn nhiều hạn chế?
* Để đón được dòng vốn mới, trước hết VN cần phải tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư và đặc biệt là phải “hấp thụ” một cách hiệu quả những khoản đã được đầu tư. Nhưng tỷ lệ vốn đã được thực hiện mới chiếm khoảng 25% số vốn đăng ký (khoảng 4,6 tỷ USD) đúng là chưa phải tỷ lệ cao như mong đợi.
Tại nhiều hội nghị lớn được tổ chức gần đây, đặc biệt là Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG 2007), các chuyên gia trong nước và quốc tế đã phân tích rất rõ các nhược điểm của môi trường đầu tư tại VN về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, cơ chế chính sách… Tôi muốn nhấn mạnh thêm công tác xúc tiến đầu tư. Công tác này hiện vẫn thiếu tính chủ động, đa dạng và vẫn là điểm yếu.
* Ông có dự báo gì về lượng vốn FDI sẽ thu hút được trong năm 2008?
* Tôi chỉ có thể nói rằng hiện đã có một danh sách chờ đầu tư vào VN từ nay đến 2010 khá ấn tượng. Trong số các lĩnh vực mà các nhà đầu tư đã bày tỏ ý định rót vốn vào có xây dựng đường bộ, đường sắt, hải cảng, nhà máy điện, bệnh viện, trường đại học…, do đó dòng vốn chắc sẽ vẫn chảy khá mạnh vào VN trong năm tới.
Điểm nhấn trong hoạt động đầu tư nước ngoài tại VN năm 2007 là việc phân cấp mạnh mẽ về cho các địa phương. Tính đến nay, có 60 địa phương trong cả nước đã thực hiện việc cấp giấy phép đầu tư cho các dự án FDI theo pháp luật hiện hành. |
ANH PHƯƠNG ghi