Cụm tuyến dân cư chưa thể an cư

Qua vùng đầu nguồn ĐBSCL vào những ngày nước lũ lên cao, chúng tôi cảm nhận không ít nỗi buồn khi nhiều cụm tuyến dân cư thiếu thốn trăm bề, cuộc sống người dân vẫn bấp bênh. Đặc biệt, còn hàng vạn gia đình sống trong vùng nguy hiểm đang thấp thỏm ngày đêm vì không có điều kiện di dời. Trong khi đó, giai đoạn 2 của chương trình này vẫn đang ì ạch.
Cụm tuyến dân cư chưa thể an cư

Qua vùng đầu nguồn ĐBSCL vào những ngày nước lũ lên cao, chúng tôi cảm nhận không ít nỗi buồn khi nhiều cụm tuyến dân cư thiếu thốn trăm bề, cuộc sống người dân vẫn bấp bênh. Đặc biệt, còn hàng vạn gia đình sống trong vùng nguy hiểm đang thấp thỏm ngày đêm vì không có điều kiện di dời. Trong khi đó, giai đoạn 2 của chương trình này vẫn đang ì ạch.

  • Nơi thiếu, nơi thừa

Giữa tháng 8 đến nay, tại xã Thường Phước 1, huyện đầu nguồn lũ Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, sạt lở đang diễn biến phức tạp. Điểm sạt lở mới nhất ven sông Tiền ngày 16-8, tại ấp 1 tiếp tục lan rộng suốt chiều dài gần 100m, ăn sâu vào đất liền hơn 25m, đe dọa hàng chục nhà dân. Ông Phan Văn Ngợi ở địa phương, than vãn: “Sạt lở cuốn trôi hết nhà và đất. Không còn chỗ di dời, cả gia đình đang ở tạm nhà của người bà con. Rất mong chính quyền sớm xem xét bố trí vào ở tại các cụm tuyến dân cư”.

Ông Nguyễn Văn Lịch, Phó Chủ tịch UBND xã Thường Phước 1 cho biết: “Tại nơi sạt lở có hơn 40 hộ cần phải di dời khẩn cấp. Ngoài ra, toàn ấp 1 và 2 đang có hơn 500 hộ dân nằm trong vành đai sạt lở. Nhiều hộ dân thuộc diện nghèo, cận nghèo nên khi sạt lở xảy ra không có đất để di dời. Hiện tại, hàng chục hộ dân đang ở tạm trên đất của những người khác. Trong khi địa phương không còn suất bố trí vào các cụm tuyến dân cư”.

Trong lúc nhiều nơi người dân đang sống trong vùng nguy hiểm không có nơi di dời thì cũng không ít cụm tuyến dân cư trống vắng, không người ở dù đã nhận nền, sang bán trái phép…

Cụm dân cư vượt lũ ở huyện đầu nguồn Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp đang còn xây dựng dở dang.

Cụm dân cư vượt lũ ở huyện đầu nguồn Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp đang còn xây dựng dở dang.

Tại huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp tình trạng này diễn ra khá phổ biến. Qua kiểm tra tại 2 xã Tân Thành B, Tân Công Chí, cơ quan chức năng huyện Tân Hồng phát hiện 220 trường hợp tự ý bán nhà và nền nhà; 131 nền được bố trí nhưng để trống; 73 hộ dân có lắp dựng nhà nhưng không ở… Đặc biệt, tại xã Tân Thành B phát hiện 50 trường hợp có hồ sơ vay vốn làm nhà nhưng chưa xác định được địa chỉ cụ thể; trong đó, nhiều nền đã bán sau khi được cấp…

  • Bức xúc việc làm, thiếu vốn

Phải khẳng định chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ mang lại hiệu quả lớn trong việc an cư lạc nghiệp của người dân nghèo khó. Tuy nhiên, tình trạng cơ sở hạ tầng chậm hoàn thiện, môi trường ô nhiễm, người dân không có việc làm ổn định, cuộc sống bấp bênh còn diễn ra ở nhiều cụm tuyến dân cư.

Chúng tôi đến tuyến dân cư kênh Tha La, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang, nghe người dân phản ánh rất nhiều. Ông Nguyễn Văn Tèo bức xúc: “Chờ đợi 3 năm chúng tôi mới được bố trí vào đây ở. Cái thiếu nhất hiện nay là không có việc làm và nước sạch sử dụng. Toàn bộ nước sinh hoạt, ăn uống đều lấy từ kênh Tha La lên xài, trong khi nước thải của tuyến dân cư này cũng đổ ra kênh Tha La”.

Bà Lê Thị Bia phản ánh: “Ông xã tôi được cho đi học cách nuôi bò mấy lần. Nhưng tới nay vẫn không được giúp vay vốn, con giống để chăn nuôi”.

Trường hợp của anh Lê Hoàng Sơn càng éo le hơn. Anh Sơn than vãn: “Vợ chồng tôi với 4 người con và mẹ già được bố trí 1 nền trong tuyến dân cư này. Không có tiền, cũng không được cho vay vốn nên tôi che tạm cái chòi tạm bợ làm nơi trú mưa, nắng. Hàng ngày 2 vợ chồng đi bắt cua, ốc, lưới cá kiếm sống. 4 đứa con không thể đến trường”.

Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 2 ở ĐBSCL (bố trí hơn 52.000 hộ) được bắt đầu từ năm 2008 đến nay đang triển khai rất chậm, ảnh hưởng lớn đến việc di dời người dân đến nơi an toàn; đặc biệt khi lũ đang đổ về, sạt lở diễn biến phức tạp.

Tại Đồng Tháp, giai đoạn 2 được đầu tư 46 cụm tuyến dân cư, bố trí 14.231 hộ dân. Đến nay, toàn tỉnh đã khởi công san lấp được 42 cụm tuyến dân cư, tổng khối lượng san lấp đạt hơn trên 80%. Có 5.383 hộ được xét duyệt nhưng mới có hơn 1.000 trường hợp được bố trí vào ở. Nguyên nhân chậm trễ do ảnh hưởng của việc thay đổi chính sách đền bù giải phóng mặt bằng và biến động giá vật tư…

Trong khi đó 42 cụm tuyến dân cư ở An Giang (giai đoạn 2) tới nay cũng chỉ có khoảng 500 hộ vùng nguy hiểm nhất được ưu tiên vào sống.

Tại Cần Thơ, giai đoạn 2 được đầu tư xây dựng 8 cụm tuyến dân cư để đưa hơn 2.500 hộ dân diện sạt lở đe dọa thuộc quận Bình Thủy và 2 huyện Phong Điền, Vĩnh Thạnh vào nơi an toàn. Tuy nhiên, đến nay mới có 3 dự án được khởi công, đang hoàn tất san lấp mặt bằng. 

BÌNH ĐẠI - HỒNG NGỰ

Tin cùng chuyên mục