Cùng bánh mì Việt phiêu lưu xứ người

Đang lái xe trên đường, vợ chồng tôi thấy một chiếc xe bán tải in dòng chữ tiếng Việt “Bánh mì”. Mới nghe đã dậy mùi thơm phức thân thương. 
Bánh Mì Ah! Quy
Bánh Mì Ah! Quy
Chúng tôi lái xe vòng trở lại, hy vọng đọc thêm được địa chỉ, nhưng không có gì ngoài chữ “Bánh mì”. Tiếc ngẩn ngơ! Đấy là chuyện năm ngoái. Bây giờ, ngay ở Leuven - thành phố của các trường đại học tại Bỉ, chúng tôi đã có thể thoải mái ăn bánh mì kiểu Việt. Cửa hàng Bánh Mì Ah! Quy vừa khai trương ở đây.

À, Quý! Tên quán hiểu theo tiếng Việt nôm na như một tiếng reo đã thấy bánh mì của anh chàng chủ quán tên Quý. Tôi biết Quý từ khi anh còn nấu ăn cho nhà hàng Thái Lan cạnh đó, giữa quảng trường Alfons Smetsplein bên con phố Tiensestraat của Leuven. Đây là thành phố có tuổi đời hàng thế kỷ nhưng sức sống mãi thanh xuân. Từ nhiều năm nay, du học sinh Việt Nam chiếm số lượng khá lớn trong số sinh viên nước ngoài theo học tại Leuven. Sau 3 năm ở Thụy Sĩ, Quý quyết định sang Bỉ tìm việc và trụ lại ở đây, mở cửa hàng nhỏ bán bánh mì ngay Tiensestraat - con phố tân thời quy tụ biết bao trường phái ẩm thực châu Á, từ món Thái, món Hoa cho đến sushi và bây giờ là bánh mì, bún chả, cơm chiên kiểu Việt.

Thực ra, cũng xuất phát từ quảng trường Alfons Smetsplein, nếu chịu khó đi sâu vào con phố Vlamingenstraat cách đó vài trăm mét, từ mấy năm nay đã có thể thưởng thức được món ăn Việt rồi. Bà chủ người Việt bán đồ ăn với giá rất bình dân, 5 EUR/suất, từ cơm chiên rau xào cho đến sườn nướng, gà cà ri... Nhưng chủ đề chính của quán LoempiaLand là chả giò. Thứ sáu thực đơn có thêm phở. Món ăn ở đây nóng sốt, đựng vào từng khay inox sạch sẽ. 

Nhưng với tôi, bánh mì Việt vẫn là thứ gợi cảm giác sâu đậm nhất, mạnh mẽ nhất về đời sống đường phố hối hả, sống gấp ở quê nhà. Chỉ cần tấp vào lề đường, gạt chân chống xe, gỡ nón bảo hiểm ra, có khi chưa kịp yêu cầu thì phía sau tủ kính nhỏ nằm chênh vênh trên chiếc thùng có 2 bánh xe kéo, chủ hàng rong đã nhận ra khách quen. Thế là tất tả đập trứng đổ chảo, phi hành, quét bơ, nhồi pate béo ngậy, nhón chút dưa món cà rốt, củ cải chua chua dòn dòn, thêm vài cọng ngò xanh mướt, lát thịt xá xíu rực màu điều... Tất tần tật ủ trong bụng chiếc bánh mì thơm phức, nướng lại liu riu trên giá than hồng cho thật giòn rụm mới trao tay khách.

Quý cũng đặt một chiếc lò điện để giữ cho từng chiếc bánh mì luôn có lớp vỏ ngoài giòn nóng ran tay. “Bánh mì kiểu này em phải đặt riêng, đặc ruột và dày vỏ”, Quý vừa chiên cơm trong bếp vừa nói với tôi. “Bếp núc của em vẫn chưa đâu vào đâu cả. Còn thiếu nhiều thứ lắm, nhưng hôm nay mở hàng lấy ngày đẹp”, Quý đon đả nói. Tôi hỏi Quý: “Lịch âm là ngày mấy rồi nhỉ?”, Quý bật cười: “Em cũng chẳng biết đâu. Nhưng bố em ở quê đã xem kỹ cho rồi. Bảo ngày này hợp tuổi, làm ăn tốt, cứ thế mà tiến hành thôi”. Quý làm tôi nhớ cứ mỗi khi gần đến tết cổ truyền, tôi lại gọi về Việt Nam hoặc tra google mới biết chính xác năm mới đến vào ngày nào. Ở đây chỉ biết lịch dương, phần tâm linh thôi thì trông cậy vào người ở quê nhà vậy.

Bánh mì của Quý cũng có chút điều hòa cho hợp khẩu vị Tây ở phần nước xốt. Và nước xốt ngon, chiếc bánh mì hai đầu nặn thon nhỏ, vừa miệng cắn. Cầm chiếc bánh mì nóng giòn của Quý, bơ mềm mượt và pate thơm ngậy, bận đến mấy vẫn muốn ngồi đó ăn ngay. Gói mang về bánh mềm đi, thật uổng. Trong khi dò Internet, tìm trang Facebook của Bánh mì Ah! Quy để nhấn “like” ủng hộ anh, tôi bỗng thấy hình chiếc xe bán tải in dòng chữ “Bánh mì” dạo nào. Chủ nhân xe bánh là Tâm và Karen. Họ chỉ bán bánh mì dạo luân phiên các thành phố, theo sự kiện. Và cuối tuần này (hai ngày 13 và 14-5), họ bán bánh mì Việt, giới thiệu ẩm thực đường phố Việt nhân sự kiện về nghệ thuật xăm hình diễn ra tại Leuven. 

Bánh mì nóng đây, có hẳn hai hàng để chọn, xin mời Leuven! 

Tin cùng chuyên mục