Trong thời gian qua, tại một số địa phương trong nước đã xảy ra những vụ việc căng thẳng đáng tiếc do không xử lý tốt mối quan hệ giữa chính quyền cơ sở với nhân dân. Các vụ việc liên quan đến đất đai thường gây ra những cách hiểu khác nhau giữa người dân và chính quyền, không ít trường hợp là nguyên nhân của các bức xúc. Đã có một số vụ chống người thi hành công vụ liên quan đến cưỡng chế thu hồi đất, hay các vụ khiếu kiện tập thể, khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện kéo dài… cũng thường có yếu tố đất đai.
Ngoài ra, việc xử lý thiếu hiệu quả và kiên quyết các vụ việc liên quan đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương (như xử lý các đối tượng trộm chó) cũng có thể bột phát thành vụ việc nghiêm trọng. Trong những trường hợp đó, dường như đã có sự mất lòng tin của người dân đối với cách xử sự cũng như năng lực của chính quyền địa phương.
Thêm vào đó, nhìn rộng hơn, khi một số cán bộ công quyền, nhất là công an, cảnh sát giao thông ở nơi này nơi khác đã có cách ứng xử chưa đúng mực, vượt quá quyền hạn, thậm chí lộng quyền, gây nên sự giảm sút lòng tin của dân. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ việc chống người thi hành công vụ liên quan đến công an chiếm tỷ lệ khá cao và xảy ra khá thường xuyên trong vài năm gần đây.
Điều đó cũng cho thấy hiệu quả, thái độ, cách thức xử lý của một cơ quan, một lực lượng tại một địa phương nhưng ít nhiều có sự tác động, lan tỏa đến sự nhìn nhận của người dân về cơ quan, lực lượng đó ở địa phương mình.
Vì vậy, nếu một vụ việc ở nơi này không được nơi khác lấy làm bài học để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm thì ở nơi đó có thể xảy ra những vụ việc tương tự một cách đáng tiếc. Thêm vào đó, việc xử lý thiếu nghiêm minh cả người dân và lực lượng cán bộ vi phạm cũng dễ tạo ra những tiền lệ nguy hiểm, có thể để đọng lại sự bức xúc, sự mất lòng tin của người dân đối với các cơ quan công quyền.
Sự sụt giảm lòng tin trong nhân dân có thể là nguyên nhân của nhiều bất ổn lớn trong xã hội. Do đó, cần thiết phải quyết liệt, khẩn trương củng cố lòng tin của người dân. Mỗi cơ quan chức năng, mỗi lực lượng có chức năng quản lý xã hội đều phải nỗ lực chấn chỉnh nhằm củng cố lòng tin của nhân dân trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý của mình.
Đó là việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhằm đáp ứng một cách tốt nhất các yêu cầu hợp pháp, chính đáng của người dân, nhất là các lĩnh vực, vụ việc nhạy cảm, có sự bức xúc của người dân. Đó là cải thiện thái độ, phong cách quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ công chức ở các cơ quan công quyền, phải tuyệt đối tránh quan liêu, vô cảm; phải thực sự quan tâm đến suy nghĩ, lợi ích của người dân. Đó là phải tăng cường nắm bắt dư luận xã hội, tâm trạng của người dân, nhất là với các vụ việc có liên quan đến lợi ích của người dân. Đó là phải tăng cường đối thoại với nhân dân, trong đó, các cuộc đối thoại phải thực sự cầu thị, tôn trọng dân, lắng nghe đầy đủ ý kiến của nhân dân và tích cực giải quyết theo thẩm quyền. Đó là phải xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, tích cực khắc phục hậu quả do sai lầm, thiếu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, đồng thời việc xử lý phải tăng tính răn đe với các đối tượng quá khích, xem thường kỷ cương…
VÂN TÂM